hoang-thuy-tvh

Tôi là Hoàng Thủy.

Thành viên của Tản Văn Hay từ 23 tháng 7, 2021.

L ạ thiệt, mẹ xa con đã tròn bảy năm rồi …Trở về nhà, vẫn đắm chìm trong vô vàn hình ảnh mẹ. Con nhớ nhất là cái ảng nước. Giờ nó đã rêu phong, ba vẫn dùng đựng nước. Không phải cái màu nước đầy phèn mà hồi nhỏ con từng gánh từ giếng làng. Giờ đây, thay vào đó đã là nguồn nước máy mát lạnh.

Ngày ấy, giếng làng lắm phèn, mẹ phải bỏ cát biển vào ảng một lớp dày với một cái màng lưới mỏng, để lọc cho ra màu nước trong xanh. Sợi dây su mẹ buộc đã sờn, vẫn còn bám víu bên cái vòi nước lạnh. Lòng con thấy nhớ, thấy thương…Cứ cảm giác hơi ấm của mẹ hãy còn quanh đây!

Con về, có lần con xả hết nước để lau chùi cái ảng, ngó xuống đáy, dòng nước cuộn xoáy, tràn qua cái lỗ lù nhỏ xíu. Lạ thiệt, con soi mặt con vô mà sao cứ thấp thoáng bóng mẹ, trong vắt và cuồn cuộn cả một miền kí ức. Dáng mẹ tất bật ruộng vườn, lúi húi chợ búa, cơm nước. Lời mẹ kể, lời mẹ dạy…
Bên cái ảng nước này mẹ kể về cuộc đời của mẹ. Cha của mẹ đổ bệnh nặng rồi bà con đem vào Nam chữa trị, khi ấy mẹ mới tròn ba tuổi, cứ níu áo cha khóc mãi không thôi. Mẹ kể, cô chú bảo “Ba khỏe lại sẽ đưa ba về cho con”. Đứa trẻ ngây thơ gạt nước mắt để cho ba vào Nam chữa bệnh. Rồi chiến tranh xảy ra, mẹ bặt tin cha.

Tuổi thơ của mẹ từ đó thiếu vắng tình yêu thương và bờ vai vững chãi của người cha. Một tay bà ngoại chăm lo, nuôi dưỡng. Cho đến một ngày, mảnh bom lạc rơi xuống mái tranh nghèo, đột ngột cướp đi bà ngoại giữa trưa hè bỏng rát. Kí ức về ông ngoại chưa được kể trọn thành tên cũng theo bà ngoại về cõi vĩnh hằng. Lần theo lời kể, chúng con đã hành trình tìm cha cho mẹ giữa mênh mông, hi vọng rồi thất vọng. Tiếc rằng, chúng con chưa làm tròn tâm nguyện thì mẹ đã ra đi không lời từ biệt. Ruột gan con đau từng chặng, không biết ngoại bây giờ nơi nao?…

Đau đáu giữa cuộc đời, mẹ vẫn lấy con cháu làm vui. Bên cái ảng nước này, ngày con ra trường, mẹ dạy con làm con gà thì răng, con vịt thì răng, con cá tràu thì phải lấy hết hột máu tanh dưới họng như răng, con cá nào đánh vảy, con cá nào thì đừng; con gái ăn mặc cho ra con gái, đi đứng nói năng…Tỉ tỉ thứ mẹ dặn, cái nhớ cái quên, cái cho là mẹ cứ lo chuyện bao đồng…

Con đi lấy chồng, mẹ bậu tay vào ảng nước, quay mặt đi…Mẹ không quá bất ngờ nhưng không trọn lòng hạnh phúc. Cứ hè về lại mong ngóng con cháu đường xa. Đời mẹ quẩn quanh hiên nhà, ảng nước, cặm cụi lo toan để nuôi cả đàn con tròn trịa, tám người chơ có ít chi! Ba vẫn dùng cái ảng đựng nước bởi nó trở thành hồn quê, nơi ba soi mình vào mà cũng như con, vô cùng nhớ mẹ!

Con nhớ, hình như mẹ không mắng con, mẹ có cách yêu thương của mẹ, âm thầm, sâu sắc, nhân văn. Ngày ấy, cuộc sống ở làng quê nghèo ai cũng khó khăn, bao nhiêu gia đình đã cho con nghỉ học. Mẹ vẫn một mực khuyên nhủ “Đời ba mẹ khổ rồi, mấy đứa bây phải học kiếm cái chữ, cái nghề để được khác đi”. Vâng! Đơn giản là để …khác đi, không khổ cực như mẹ bấy giờ. Củ khoai, củ sắn và tình yêu thương dạt dào của mẹ đã nuôi chúng con khôn lớn thành người. Còn mẹ thì gầy rộc đi vì mưa nắng tảo tần.

Ngày ấy, nếu không có những quyển sách mới mẹ mua, không có tấm áo lành lặn để đi học trên thị xã thì làm sao con gái mẹ tự tin đến trường? Nếu không có ngày ấy thì làm sao con có ngày hôm nay – Con được làm cô giáo, đem tình yêu văn chương một thuở mà con học được để gửi đến các em thơ? Ngày ấy, con đường đến trường thật xa nhưng con cứ ước ao được lên thị xã mà học. Ở đó, điều kiện tốt hơn nhưng đồng nghĩa với việc mẹ phải vất vả nhiều hơn. Bao lúa mẹ làm nên chưa kịp khô, con lợn, con gà mẹ nuôi chưa kịp lớn đã lần lượt theo con những ngày khai giảng năm học mới. Con hiểu mẹ không muốn con  gái mình thua thiệt để rồi mặc cảm với bạn bè. Đêm đêm, nép vào lòng mẹ, lắng nghe làn gió mát từ tâm mà chìm vào giấc ngủ say nồng. Để mỗi sớm mai thức dậy, lại nghe mẹ dỗ dành “ăn đi con, ăn rồi đi cho kịp bạn bè…”.

Ánh mắt mẹ  đã yêu thương, nâng niu bước chân con trên mọi nẻo đường. Ánh mắt mẹ từng long lanh hạnh phúc khi con được sánh vai với các bạn trường Chuyên phố thị. Ánh mắt mẹ từng lấp lánh nước mắt khi được tin con vào đại học. Và mẹ đã từng thăm thẳm nhìn con vào cái ngày con theo chồng làm dâu xứ lạ…

Con đã yêu mẹ theo cách của con, yêu thương mà ích kỉ, không muốn xa mẹ nhưng không chịu về thăm mẹ nhiều hơn. Mẹ nói “Nước chảy xuôi con à, cứ lo cho các cháu đi, ba mẹ khỏe cả mà…”. Ngày lễ Vu Lan năm ấy, con thành tâm nguyện cầu cho mẹ bình yên. Nước mắt con đã rơi ngay từ những dòng đầu tiên khi sư cô mời con đọc bài Vu Lan báo hiếu. Nhiều người đã ôm con khóc sau buổi lễ bởi họ bảo rằng lời con, giọng con thật là cảm động. Họ đâu biết rằng vì con là người trong cuộc, con đau với nỗi đau có thực, con ân hận với nỗi ân hận có thực. Con yêu mẹ ba bằng tình yêu có thực nhưng có lẽ không sánh bằng những gì ba mẹ đã dành trọn cho con…Bảy mùa Vu Lan đi qua là bảy mùa con mãi hoài day dứt…

Ai cũng bảo mẹ là người hạnh phúc, con cháu lớn khôn, sum vầy bên mẹ.  Mẹ tủm tỉm cười, có hôm nay là nhờ cả những ngày qua mẹ chắt chiu gieo hạt. Nếu có kiếp sau, con xin nguyện làm con của mẹ, để lần này con bù đắp những yêu thương, để lại được cuộn mình vào lòng chờ bàn tay mẹ quạt: “Ngủ đi con, ngủ một giấc say…cuộc sống đang chờ…”.

Con đã viết cho mẹ thật nhiều trong nỗi nhớ nhung và niềm day dứt, để mỗi lần đọc lại, nước mắt cứ tràn ra. Mẹ mãi hoài hiện hữu trong trái tim con, bên những người thân thương của mẹ. Từng tiếng nói, nụ cười, cái cách hờn dỗi,…vẫn vẹn nguyên bên cái ảng nước đã nhuốm màu xưa cũ. Nhiều lúc đi đường, thấy dáng ai hao hao giống mẹ, ngoái cổ nhìn rồi lại rưng rưng hai chữ giá như …Giá như mình về sớm hơn, giá như mùa xuân năm ấy mình đừng lỗi hẹn…Giờ thì đủ thấm thía lời ngày xưa mẹ dạy. Cuộc đời cứ như một giấc mơ! Tu cả kiếp trong cái vòng duyên phận ấy! …

Thu về, từng chiếc lá vàng rải đậm triền sông. Mùa Vu Lan báo hiếu cũng đang về. Quắt quay nỗi nhớ, nghe hồn quê đồng vọng. Con lại thèm…Giá như tất cả được bình an, để bước chân trần bôn ba xa xứ lại được trở về, bên cái ảng nước ngập tràn bóng mẹ yêu thương!