N hững cây xoan thẳng chạy dài trồng đều tăm tắp ven đê đang mùa trổ hoa bên bờ đê ven sông mà lâu lắm rồi nay mới có dịp được gặp lại. Tôi đi thật chậm quan sát kĩ từng cây một, ngắm từng bông hoa xoan li ti rơi trên vành nón các bà các mẹ đi làm đồng về. Hàng xoan thân thương như dẫn dụ, nắm lấy tay tôi dắt trở về nhặt từng mảnh ký ức năm xưa nơi làng quê yên ả.

Ngày ấy, quê tôi cây xoan vẫn còn nhiều lắm. Xoan được trồng ở những khoảnh đất trống bên sông, bờ ao và cả trong những khu vườn nhà rộng. Ông nội tôi vẫn hay kể: Ngày xưa nếu sinh con trai các cụ lo xa nên thường trồng xoan ở cuối vườn, chúng mau lớn, cứ trồng vất đó chả cần phải tưới tắm chăm sóc gì. Khi các con có gia đình riêng thì có gỗ xẻ ra dựng nhà, làm giường, đóng bàn ghế tủ. Nội thất đóng bằng gỗ xoan đẹp, nhẹ, thớ thẳng, một màu vàng sáng, ít biến dạng mối mọt, nên xưa nay thường ví von “xoan già là bà gỗ lim”.

Tôi sinh ra thì đã thấy mấy cây xoan to bên con ngõ nhỏ trước nhà. Ăn Tết xong đến giêng hai, khi những hạt mưa xuân giăng giăng khắp nhân gian thì cũng là lúc từng chùm hoa xoan tim tím xuất hiện bên những lá non mươn mướt. Hoa xoan lấm tấm nhanh nở nhanh tàn. Chúng cũng không kiêu sa đài các, không sắc nước hương trời nhưng ngan ngát, mang một màu tím dịu hiền như cô gái thôn quê chân chất. Dưới gốc xoan những bông hoa nhỏ bé rụng rơi như trải thảm lối về miền cổ tích sau từng cơn gió nhẹ. Cùng với hoa chanh hoa bưởi thì độ này hoa xoan cũng đi cả vào trong thơ ca nhạc hoạ tô điểm cho đất trời xuân, làm nên nét đặc trưng của sắc hoa mùa nhớ. Ngày ấy bà tôi thường bảo: theo các cụ có kinh nghiệm truyền lại thì khi thấy mầm lá nảy ra ở đầu ngọn xoan “chân chó” thì dấu hiệu hết rét nàng Bân chuyển mùa nắng ấm. Sang đến mùa hạ thì tán xoan xanh mướt căng tràn nhựa sống như cái ô khổng lồ, che mát cho lũ trẻ chúng tôi khỏi cơn nắng cháy trưa hè, giống như thiên đường vậy. Ngày đó chúng tôi hay lấy quả xoan bắn súng ống phốc chơi trò trận giả, bày bán đồ hàng, lấy cành xoan khô đốt ra nghiền làm pháo sáng. Còn mẹ hay vặt lá xoan đun nước tắm cho tôi khỏi rôm sảy mụn nhọt, dấm ủ chuối xanh cho nhanh chín.

Rồi một ngày khi đất trời sang thu thì cây xoan lại khoác lên mình chiếc áo mới, chuyển dần sang màu vàng, trên cành lơ lửng từng chùm quả sai chi chít. Lũ trẻ lại có dịp í ới gọi nhau nghển cổ lên ngắm từng đôi chim kéo nhau về mà tổ. Đến mùa đông lạnh giá cây xoan trông khẳng khiu gầy guộc như không còn sức sống, cũng chính vì thế mà nhiều nơi người ta gọi cái tên khác là “sầu đông” nghe thương đến nao lòng.

Thời thơ ấu tôi cũng đã được nghe nhiều câu chuyện vui buồn về loài hoa dân dã ấy. Những câu chuyện tình yêu đôi lứa hẹn thề nên duyên chồng vợ vào mùa xoan nở. Hay những câu chuyện của các bà mẹ tiễn con đi tòng quân với những lời nhắn gửi hẹn ước ngày trở về. Nhưng mãi mãi những người con thân yêu đã hoá hình hài đất nước, để lại những người mẹ già chờ con mòn mỏi vào mỗi mùa hoa xoan nhung nhớ.

Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu, sao cây xoan gần gũi thế mà người đời lại hững hờ với nó. Có phải giữa cái tháng ba giáp hạt, cái đói đeo bám mà hoa cứ phơi phới trước mắt những con người mà lòng họ đang bộn bề lo toan. Tội cái là chúng đẹp đấy nhưng các bộ phận đều không thể ăn được: Lá và quả xoan có độc tính, hoa xoan thì chẳng ai hái về cắm lọ hay để trong nhà mà còn lại gắn với sự ghẻ lạnh, chúng gắn với mùa bọ chó, ngửi thì điếc mũi, mùa hoa rụng nhiều thì quét ngõ suốt ngày, rau cỏ trồng dưới gốc thì khi chế biến xào nấu có mùi xoan, gỗ xoan ngâm dưới ao làm nhà thì nước thối om, lợn mua vào mùa xoan thì khó nuôi…. Rồi người đời còn bảo nó :” Không có sức hút, đến các loài ong bướm chúng cũng không mặn mà với loài hoa này” chỉ có lũ kiến đen hôi là hay kéo nhau đến làm tổ trên cành. Xã hội phát triển, đất chật người đông, nhà xây tường gạch mọc lên, người ta chặt bỏ xoan không thương tiếc nên tìm được cây xoan cũng khó. Nhưng ấn tượng nhất với tôi nhất là câu nói “ hoa xoan hoá muỗi” nên ngày nhỏ chúng tôi ghét mùa hoa xoan lắm, có cây con nào trong vườn là nhổ cho bằng hết. Nhưng không phải, tôi đã nhầm. Bây giờ quê tôi chả còn cây xoan nào mà muỗi vẫn nhiều. Hoá ra do thời tiết mùa này ẩm nồm trùng hợp nên sinh sôi ra nhiều muỗi, sinh ra bệnh tật thuỷ đậu hay sốt huyết, bệnh cúm gia cầm theo mùa tự nhiên chứ đâu phải tại hoa xoan.

Hôm nay đi giữa trời mưa xuân lất phất, dưới “lớp lớp hoa xoan rụng rơi đầy” xung quanh lời thì thầm của gió đồng mà lòng chênh chao, con tim thổn thức như luyến tiếc một cái gì đó đã qua đi theo năm tháng. Tôi bỗng nhận ra. Nhân duyên khi thiên nhiên đã ban tặng cho nhân gian cái gì đều có cái đẹp và chức năng cung bậc riêng biệt của nó. Chúng ta phải biết trân trọng yêu thương vạn vật với lòng biết ơn chứ sao lại dũ sạch. Cả tuổi thơ tôi ngủ êm ấm trên chiếc giường xoan, gắn bó với ngôi nhà gỗ xoan che nắng che mưa của ông bà nội. Thế mà sao tôi nỡ trách nhầm xoan, tôi đã nợ xoan một ân tình sâu nặng. Xin lỗi hoa xoan!