Đời sống tâm lý là sự nối dài, đan xen của các chuỗi cảm xúc, tình cảm của con người theo suốt đời sống sinh học. Những cảm xúc này thật lạ thay, không theo quy luật hay những điều luật của cuộc sống, mà nó lại đi theo luật riêng: Là luật đời, luật cảm xúc, luật rung động, luật tình yêu, luật tình thương…

Toàn là những thứ luật không có thật, nhưng chính những điều luật đó đã giam giữ diễn biến tình cảm tâm lý của chúng ta như cái vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không. Để mỗi khi va vấp ta như bị niệm chú, ta lại đớn đau, lại vùng vẫy trong chính nội tại, bị ràng buộc bởi những điều luật vô hình trong chính bản thân mình.

                   Thế nên, những người có nội tâm phong phú họ lại là những người giỏi che giấu cảm xúc của mình nhất. Họ lấy nụ cười để che đi nỗi buồn. Họ mang niềm vui đến cho người khác cũng là để lòng họ thấy nhẹ nhàng hơn. Họ sống vì người hơn vì mình, nhưng luôn chờ mong một sự công bằng trong sự đối xử. Họ sợ sự vô tâm. Và hầu hết họ thích nhạc của Trịnh Công Sơn.

Thứ âm nhạc và ca từ cho đến bây giờ vẫn một mình, một mảng độc hành trong dòng chảy âm nhạc không lẫn vào ai. Nhạc Trịnh mang đến cho họ sự đồng cảm, sự chiêm nghiệm về một vấn đề phức tạp là tâm lý con người. Dù hơn ai hết họ hiểu cuộc sống vốn dĩ không giống cuộc đời.

               Như một tiếng thở dài, như một bài kinh khổ, như một lời ru buồn trong một đêm thao thức. Ca từ và giai điệu trong các bài hát của Trịnh nó chất chứa những suy tư về nhân tình thế thái, về tình yêu đồng loại, về tình yêu đôi lứa.

Thứ tình cảm không quy luật này làm cho người ta say mê vì nó, khốn khổ vì nó, sung sướng vì nó, hạnh phúc vì nó. Nhưng ta cũng bầm ruột tím gan, đau như giằng xé vì nó cho dù nó vô hình không có mũi nhọn để đâm, không có lưỡi sắc để cắt. Nó không như nước, không khí, thức ăn. Không phải là thứ để ta “to be or not to be”. Nhưng nó lại là thứ để ta được là ta. Để ta được thấy “Một cõi đi về” khi ta hoang mang vì “Biết đâu nguồn cội”. Để có những “Đêm thấy ta là thác đổ”…rồi tỉnh ra có khi còn nghe. Nghe tiếng của cuộc sống, nghe bản hợp ca của tình yêu.

                       Một sự thú vị là nếu như kết nối các bài hát và ca từ của Trịnh Công Sơn lại, ta sẽ có cả một cõi nhân sinh với đủ các cung bậc và sắc màu. Lời ca trong nhạc Trịnh nó mênh mang nỗi buồn nhưng nhẹ nhàng như cánh chim qua mặt hồ mùa thu. Thơ thẩn như lá vàng rơi trên thảm cỏ. Nếu có trách cứ cũng thật là nhẹ nhàng “em phụ tôi một đời bé dại… thơ dại ra đi không nhớ gì tôi…”

           Bước vào thế giới âm nhạc của Trịnh ta như vào một khu vườn thiền, an nhiên và tĩnh mịch, một mình chiêm nghiệm, soi gương đối diện với chính mình. Dù là hạnh phúc dù là đớn đau. Cũng là để “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm”. Chút ấm lòng khi  “Vẫn có em bên đời” đắp bù cho những khoảng vắng không còn ai đường về ôi quá dài, những hun hút xa ngái như con đường độc đạo mang tên: Nỗi buồn. Dù có những lúc “ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi” vì có nhiều lúc con tim mù loà tưởng rằng đã quên… nhưng tim yếu mềm.

           Tình yêu là thế! Ngọt ngào và êm dịu, ấm áp và tươi vui. Khi tình cảm, khi đắng đót, tiếc thương, khi đơn độc và chia xa. Tình yêu thứ tình cảm giúp người ta mạnh mẽ, giúp người ta vượt qua những điều không tưởng nhưng nó cũng là thứ tình cảm làm người ta yếu mềm nhất, tan chảy nhất, không ngờ nhất.

Chẳng thể tự tin là khi kinh nghiệm sống đã dầy lên theo năm tháng thì cảm xúc và rung động bản thân mình sẽ được kiểm soát hay điều khiển được nó. Con tim thường có lý lẽ riêng. Phải thế chăng mà khi yêu người ta như người mù bước vào ma trận, thích thú say mê với từng bước dò dẫm của mình. Chả màng đến ngoài kia trời đang xanh. Nắng đang vàng rực rỡ.

                        Nếu kiểm soát được con tim như vậy, sẽ chẳng bao giờ có ai ngu dại để mình lại có những nỗi sầu nhân thế. Cuộc sống là như vậy “cực lạc sinh bi”. Nên chăng cứ để trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang cứ để  từng ngày qua bóng chim về ngoài dòng sông. Để tìm những yên bình tôi ru em ngủ một sớm mùa đông. Và dù có thế nào vẫn ngẩng đầu và tự nhủ “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” mà vững chân tiếp bước trên đường đời.

Chấp nhận những chuyện đời, chuyện tình khi ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại. Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây? Có thể nói mỗi bài mỗi câu trong âm nhạc của Trịnh có chứa những triết lý sâu xa. Hàm chứa cái nhìn, cái nhận định về nhân sinh quan với lòng yêu thương con người. Về thế giới quan với tình yêu hoà bình chán ghét chiến tranh. Và trên cả là những nỗi đau nhưng lại được nhạc hoá, thơ hoá, có chua xót lẫn cả đắng cay. Để nhận ra: Ồ! Tình yêu như vết cháy trên da thịt người bỏng rát đến như thế mà rồi cũng có lúc tình ngỡ đã quên đinhư lòng cố lạnh lùng.

            Trong khu vườn âm nhạc của Trịnh có cả một góc cho sự mâu thuẫn, một cuộc chiến trong im lặng, một tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận, tình đôi ngập ngừng. Nhạc Trịnh không phải thứ để nghe chơi mà là nghe để ngấm. Thấm để đau. Để thấy thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi… Nhiều ca từ trong bài hát khiến người ta giật mình, vì chỉ trong nhạc Trịnh mới có ngôn từ ấy, câu chữ ấy. Những câu từ không thông dụng, không có trong từ điển tiếng Việt nhưng sao lại như vận vào mỗi kiếp người.

Như những câu Kiều “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Như xót thương cho kiếp nhân sinh : Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ cây. Để ta có thể ru em đầu con gió, em hong tóc bên hồ. Tình yêu trong nhạc Trịnh nó sâu nó đằm thế mà tài tình lắm. Chỉ bằng những những câu nói nhẹ thoảng là đủ để gợi hình, đủ để hiểu tình yêu ấy nó thâm sâu đến mức nào.

                Như lời ru môi nào hãy còn thơm, hay ru mãi ngàn năm trong tiếng “Ru đời đi nhé”. Tiếng ru dịu êm như hoa quỳnh hé nở uống sương trong đêm. Khi so sánh quỳnh thơm hay môi em thơm, bằng những câu ca, những lời rủ rỉ có nhạc, Trịnh Công Sơn đã làm người nghe thấm, làm người ta thấy rùng mình, sởn gai ốc, lạnh chạy dọc sống lưng khi nghe câu hát đầu tiên cất lên. Nhưng phải là sự ma mị và là sự đồng cảm, chạm vào những góc khuất, nhạy cảm nhất trong con người. Đánh thức những ẩn giấu sâu kín trong cõi nhân sinh.

                                    Dù đời là “Ở trọ” . Dù tình sẽ “Phôi pha” thì hãy tận hưởng đi. Những con mắt tình nhân, nuôi ta biết nồng nàn. Cho dù sẽ có lúc tình “Như một vết thương”, “Như tiếng thở dài”, “Như cánh vạc bay”. Để “Nghe những tàn phai” thì ta vẫn có thể “Nhìn những mùa thu đi” và ngắm “Nắng thủy tinh”, ngắm  “Mưa hồng” và nhận ra “Một ngày như mọi ngày”em trả lại đời tôi. Ta sẽ lại mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Và mong đến ngày cùng “Nối vòng tay lớn”.

Đấy! Nhạc Trịnh là như thế đấy. Càng hiểu, càng say, càng thấy như mình đi lạc giữa nhân gian. Nhưng cái được, cái thấm của nhạc Trịnh khi ta tri kỉ được với ông là như hành trình tìm sự đồng cảm, tìm lại chính mình.

Hỉ – nộ – ái – ố. Tham – sân – si mới là cuộc sống, mới là con người. Những khi nào thấy mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Còn mệt quá thân ta này. Nằm xuống với đất muôn đời.