Tác giả Nguyễn Hòa Bình
S áng nay khi tôi mở cánh cửa, ngoài trời còn chưa sáng hẳn. Hơi lạnh phả vào mặt, những hạt mưa bay lất phất làm tôi nhớ về mùa đông nơi quê nhà xa xôi. Đã lâu, lâu lắm tôi chưa cảm nhận được cái giá rét như tháng ngày tuổi thơ. Để rồi hôm nay lướt Facebook người bạn líu ríu khoe một món ăn làm tôi như khựng lại, món ăn mà cả thời niên thiếu tôi gắn liền với mùa đông.
Đĩa tro chín được sắp xếp ngay ngắn trên bàn, với nhiều người có lẽ không biết đây là món ăn gì. Với người con xứ Nghệ thì khác, hầu như ai cũng biết quả tro. Tro là cây thuộc lớp cây cau, dừa thường sống nhiều ở bìa rừng được người dân mang về trung du trồng.
Công dụng của cây tro là lấy lá lợp nhà, ấy là ngày xưa chứ bây giờ người ta không dùng lá tro để lợp nữa. Mỗi năm cây tro cho trái vào đầu mùa đông sang cả mùa xuân, tro có quả theo buồng như dừa nhưng buồng tro dài hơn. Quả tro lúc chưa chế biến thì có màu tím xanh, vị rất chát.
Ngày xa xưa ấy hồi tôi còn nhỏ quê tôi đầy rẫy cây tro, đơn giản vì lá tro sẽ hư sau vài ba năm nên người dân trồng để lấy lá lợp mái nhà. Hơn thế quả tro là thực phẩm vừa như lương thực cho mùa đông, mùa giáp hạt. Tro thường được chế biến làm món luộc và muối, gọi như món luộc thì thật ra tro không ai đem luộc như luộc rau mà chế biến cầu kỳ hơn đòi hỏi người nấu phải am hiểu gọi là om tro. Om tro trước tiên đem làm sạch lớp vỏ bên ngoài nhằm làm món ăn không bị chát, các bà các mẹ ngày xưa dùng một nắm tay mây (gọi tay mây vì mây thân mềm không tự vươn lên cao được mà cần bấu víu vào cây khác để leo lên nên cây này có những cái tay đầy gai dùng bám vào thân cây khác).
Bỏ tro vào trong cái rổ tre cho ít tay mây vào úp thêm cái rổ bên trên và bắt đầu lắc khi quả tro tiếp xúc với thành rổ và gai của tay mây sẽ bong tróc phần vỏ ra. Quả tro sau khi làm sạch phần vỏ thì có màu nâu nhạt, để cho ráo nước. Lúc này mới đem đi om, nước dùng om tro là nước chưa sôi hẳn ngày đó các bà thường dùng tay để thử nước khi đang nấu mà thò tay vào cảm giác nóng muốn rụt tay ra là được khoảng năm mươi độ. Nhắc nồi nước xuống khỏi bếp và bỏ tro đã làm sạch vào sau đó đem để bên bếp lửa và ngồi chờ. Việc để bên bếp lửa giúp nước trong nồi luôn ấm tro sẽ từ từ chín. Khoảng bốn mươi lăm phút sau thì tro chín.
Qua tro chín lúc ăn sẽ có vị chát nhẹ vị bùi và vị béo, ngày xưa khi lương thực còn hiếm thì việc ăn tro om như việc ăn nhẹ bây giờ. Nếu để ăn với cơm người ta sẽ chấm với mắm ruốc, vị mặn của mắm hoà vào vị chát, vị bùi, vị béo của tro tạo nên một thức ăn đặc trưng làm cho những người xa xứ không thể nào quên được. Có người đem tách bỏ phần hạt chỉ lấy phần cơm của tro đem xào lên để có một món tro lạ miệng.
Vì tro có nhiều trong vườn nên các bà, các mẹ đem muối tro để ăn dần. Khi muối tương tự như muối cà nhưng tro để nguyên vỏ mà không làm sạch. Vị chát của vỏ tro sau một thời gian ngâm trong muối sẽ mất đi nhưng lúc ăn vẫn còn cảm giác nhám nơi đầu lưỡi.
Ngày nay xã hội phát triển nhà tranh tre đã được xoá sổ thay vào đó là nhà mái ngói vừa đẹp vừa sạch sẽ lại không gây hoả hoạn như nhà tranh (tro). Khi cuộc sống đi lên người ta chặt bỏ cây tro để trồng các loai cây có giá trị kinh tế cao hơn, giờ đây ở Hà Tĩnh nói chung và Hương Sơn nói riêng tro chỉ còn ở những vùng cao. Cũng chính vì cuộc sống tốt đẹp hơn xưa mà con người lại hoài niệm họ tìm về với những món ăn của ngày xưa, món ăn làm ấm lòng trong mùa đông giá lạnh. Tro bây giờ đang là đặc sản của người miền Trung, như mang lại hương vị quê hương ấm nồng bên bếp lửa.
Với ai, những người con xa xứ có lẽ sẽ chạnh lòng khi nhìn thấy món ăn đã từng gắn bó với mình suốt thời gian thơ ấu. Tôi một người con như thế vẫn đau đáu nhớ về quê hương, nhớ về quả tro bùi béo. Nơi ký ức miền quê êm đềm dù gian khó.!