Về nhé quê mình

    940

    Tôi gọi nơi đó là thung lũng theo cách của riêng mình, thung lũng nằm lọt thỏm dưới con đường dài rợp một sắc hoa. Thung lũng sưa vàng trong tiềm thức. Về nhé quê mình! Phố hoa vàng, lễ hội hoa sưa .

                          Tôi về lại quê vào một buổi chiều vàng bên dòng sông xanh thơ mộng, nơi có những gốc Cừa già nằm khiêm nhường một bên bờ chẳng biết lở hay bồi, chỉ biết gốc cây mỗi năm thêm to hơn, gốc thêm già đi, xù xì như bàn tay chai sần của bác nông dân quen dãi dầu không ngại ngày mưa buổi nắng.

    Còn nhớ đó là những trưa tiết trời oi oải, bọn chúng tôi sau khi trốn ba mẹ thành công tụ tập nhau dưới vườn Cừa để bày bao trò chơi thú vị của tuổi hoa niên. Đường từ nhà tôi đến vườn Cừa tầm hơn cây số, xa nhất trong cả bọn. Con đường dẫn vào vườn Cừa được đắp cao như thể để chắn nước lúc lũ về. (Quê tôi vốn là rốn lũ mà!)

               Hai bên đường là những gốc Sưa già trơ trụi lá như vừa qua trận càn khốc liệt. Những thân cây thật to quá vài vòng ôm, vỏ nứt nẻ xam xám, là nơi lí tưởng cho bọn sâu lông trú ẩn, và là chốn tuyệt vời để lũ ve sầu thay xác lúc mùa sang. Bằng chứng là chúng tôi vẫn thường nhặt xác ve nơi những hốc cây đầy bí ẩn này. Sở dĩ tôi gọi bí ẩn vì với tôi Sưa có một điều gì khắc khoải huyễn hoặc vô cùng.

    Trong cái quan sát đầy thiển cận của mình tôi vẫn thấy Sưa như ấp ủ điều gì trong sâu thẳm, khi mà mùa xuân từng khóm hoa đua nở, từng đọt cây đâm chồi mơn mơn xanh tràn đầy nhựa sống thì Sưa trút sạch lá đứng hiên ngang giữa đất trời, như thách thức, như bất cần trước nét rạng rỡ của xuân.

               Thiên nhiên tựa gã họa sĩ tài ba ngạo nghễ, gã vẽ lên đời những bức phù điêu mê hoặc lòng người trong muôn ngàn sắc thắm, lại xổ toẹt vào góc đời mình những nét ngô nghê tan vỡ, những nỗi đau âm ỉ đến tuyệt vời. Tôi gọi nỗi đau vì không hiểu sao khi nhặt những mảnh nhựa Sưa khô quánh bám nơi hốc cây lúc trong veo như những giọt sương đêm, lúc lại đỏ bầm như máu rỉ ra từ vết thương tím tấy, lúc lại vàng nhừa nhựa cứ khiến lòng tôi hoang mang nghi ngại. Tôi không biết Sưa có là hiện thân của nỗi đau nào mà lại oằn oại đến vậy.

    Cứ phải trải qua những ngày nắng cháy khét cả da đầu, những ngày hầm hập dưới tiết trời oi bức, rồi thì mấy trận giông ầm ầm khiến bọn con nít ốm lên ốm xuống, lúc đó Sưa mới chịu nở. Sưa dè dặt từng khóm hoa li ti vàng như đợi chờ người xa quê chưa về kịp, thảng hoặc vài hôm Sưa lại bung bít cả một vùng quê. Rồi thì rộ vàng khoảng tầm tuần sau đó. Cứ có một cơn gió nhẹ thoảng qua là Sưa ngập cả lối đi, Sưa dặt dìu trong gió, Sưa nhuộm cả dải sông quê, Sưa trải thảm nơi con đường làng quanh năm yên ả. Là ra rả tiếng ve, là vàng tươi xóm lá, là những trận đòn roi nhớ đời.

               Nếu Cừa được người dân quê tôi trồng dọc ven sông để giữ gìn bờ khỏi bị xâm thực thì Sưa lại được trồng để giữ đất khỏi bị xói lở. Hai loại cây sống độc lập cho riêng mình nhưng đối với dải sông này chúng như đôi bạn khó tách rời cùng nhau lo chuyện đất chuyện nước. Từ hàng trăm năm nay người dân xứ Hương Trà này đã biết cách giữ gìn bờ cõi bằng những kinh nghiệm sống quý báu được lưu truyền từ thời ông cha để lại. Tấc đất tất vàng, và Cừa đã giữ vàng cho dòng thôi xâm lấn. Sưa mặc nhiên vững vàng xuyên suốt rợp cả một khúc sông.

    Và như thế chúng tôi lớn lên và bên nhau nơi gốc Sưa già, nơi thung lũng Cừa với bao vị chát. Nơi thế giới như bị lãng quên trong tình cảm ấm áp chân chất quê nghèo. Để mỗi khi nhớ tới tôi lại lặng lẽ tìm về, đứng bên chiếc cầu cũ kỹ lặng ngắm dòng Trường Giang xanh ngắt lượn lờ, lặng nghe lòng mình ngân lên những thanh âm êm ả, và không quên nhắn nhủ những kẻ xa quê, những du khách gần xa mau book vé tìm về dự lễ hội quê tôi . Phố hoa vàng, lễ hội hoa sưa.

    Hình ảnh: vnexpress

    Đường về Pù Luông