T răng đã suông từ lâu, trên những mái đầu, trên những mái đình, trên những nơi mà người ta nghĩ thời gian đã quên mình. Trên những thảng thốt giật mình. Trên những tự tình, điếm canh.
Trăng đang xanh, trăng đang mải mê tròn vành, trăng đi từ biển, trăng về từ núi, trăng ngã dúi dụi vào đồng quê. Người ta bảo trăng ở biển thì ấm, trăng lên núi thì lạnh, trăng về đồng bằng trăng tạnh chiêm bao.

Nào ai biết trăng đã tạnh chiêm bao, tôi trở về quê hương sau những hao gầy, sau những mải mê cơm áo no đầy, sau những chập chờn mộng mị, sau những ngày đi tháng nghĩ, sau những bước chân bền bỉ, chỉ thấy một đêm trăng đang lên em xanh.

Điếm canh làng Việt, một thứ quê hương đã tựa lưng vào những  vui buồn, đã âm ỉ những mùa nắng cạn, đã thơi thới những mùa mưa giông, đã trông chừng những mùa mắt anh mắt em ngập ngừng. Thương nhớ!

Điếm canh chỉ như một dấu chấm xanh nhỏ nhoi vậy đấy, mà điếm canh đã như một nốt nhạc in lên khuông đời em, in lên khuông đời tôi, ngân nga và tha thiết. Điếm canh là một kiến trúc công cộng được xây dựng khá phổ biến ở nông thôn, ra đời trong quá trình hoàn thiện đơn vị cư trú cơ bản ở nông thôn Việt truyền thống: làng, xã. Chỉ một thôi điếm canh mà ngôi làng xanh lên bờ bãi. Chỉ một thôi điếm canh mà triền đê ngọt ngào mãi mãi. Chỉ một em, chỉ một tôi, chỉ một dòng sông lở bồi và ở đâu tự bao giờ bồi hồi điếm canh trong mắt ai xanh?

Tôi ngập ngừng khi điếm canh đơn sơn sơ dựng bằng  tre pheo. Tôi bền chắc và chững chạc khi điếm canh  xây bằng gạch, đá ong, kèo gỗ, lợp ngói. Nhưng dù lớn đến mấy tâm hồn tôi cũng không thoát nổi một điếm canh không quá 3 gian, dáng dấp gọn gàng, tường xây bít đốc.

Điếm canh làng Việt thoạt nhìn tưởng chừng như không có trang trí, như một gã nông dân quê mùa. Nhưng nhìn kỹ ta lại thấy điếm canh chi tiết khúc chiết gọn gàng, mộc mạc, không  hề có cái thừa ở điếm làng. Các chi tiết như hơi to, thậm chí quá cỡ so với khung và khối của điếm, đắc dụng ở cái chắc, thưa thoáng, cái nào ra cái ấy. Bởi vậy mà nhìn từ xa điếm canh như một chỗ tựa lưng để thở, ngả vai để yêu và dõi mắt lên trời xanh mây trắng để mùa vụ nối tiếp tháng ngày.

Theo những ghi chép từ xa xưa điếm canh có lẽ là công trình được hưởng đặc quyền  nằm ngoài lũy tre làng, có khi ta thấy nó khá xa mép làng do chức năng như một trạm canh phòng của làng xóm. Cũng bởi vậy mà điếm canh như một nơi giữ nhịp tim làng, người ở xa về tìm hướng điếm canh, người ở nhà chầu chực điếm làng. Chẳng phải đó là nơi cho ta hò hẹn những mùa bể dâu.

Một chiều vãn năm, tôi từ phương xa trở về. Đứng trên triền đê Trà Lý mà nhìn dòng sông âm thầm biển cả. Dõi mắt về phía xa xa ở dưới chân đê, ở dưới những chân khói nhà ai ngơ ngác đang bay, điếm canh nhập nhòa trong hơi thở của dòng sông trễ nải.
Đã bao năm rồi, đã bao tháng rồi, đã bao ngày rồi, đã bao đời rồi, điếm canh vẫn tồn tại và hiện hữu từng chân quê, thửa ruộng bờ đê. Quê hương tôi đã lên thành phố từ lâu rồi, dòng sông tôi đã kè đá hai bên bờ từ lâu rồi, vậy mà những điếm canh vẫn còn đó nghiêng ngó cuộc đời.

Có gì mà lạ đâu, điếm canh vẫn như những con mắt nhân gian của anh, của em, của muôn vàn nương náu hồn quê, tình quê mà thao thức dòng đời. Điếm canh cũng chính là con mắt của lịch sử, chứng kiến những đổi thay, ghi dấu những tốt xấu, ám ảnh những trái ngang buồn thương còn vương mai sau đời sau ngày sau, ai nắm tay nhau.

Chiều lại chiều thêm, ngày lại ngày thêm, tiết trời cuối năm đổ lên đầu con đê bao khói sương bảng lảng. Đời ai huyền hoặc, chân ai thoăn thoắt, đời ai ngoảnh mặt, bàn tay ngoăn ngoắt? Vội gì đâu mà qua điếm canh, buồn gì đâu mà sầu điếm canh, yêu gì đâu mà tình điếm canh, quên gì đâu mà nhìn điếm canh?
Thả xuống dòng trôi đâu đây những nụ cười chín đỏ hây hây. Dòng sông Trà lặng thinh soi gương điếm canh, tôi lặng thinh soi gương lòng em, ai lặng thinh soi gương đời ai. Bờ vai phủ đầy bóng tối.
Bóng tối đã triền xuống ải đê bao, đê vùng, bao nhiêu con đê làng xưa lũy xưa, bao nhiêu tình quê, nghĩa quê, đời quê cũng ngả vào dáng dấp điếm canh nửa tỉnh nửa mê.

Dòng sông trôi như tôi, thời gian ngang như vai, đời ai mặn nhạt,thân ai ngọt bùi, đời ai dấp dúi, cơ hồ điếm canh? Tôi ngả về đâu những vạt ngô non mùa vụ thương nhớ cỏn con. Tôi bới ở đâu khoai vùi đầu bãi. Lòng tôi rộng rãi, phố xá chật chội. Đời tôi ái ngại dòng sâu đời xa.
Ai đã vén màn đêm trên con đê quê nhà ăm ắp kỷ niệm, tôi bước lại gần điếm canh mà nhắc những chặp tha hương. Bóng tôi nhỏ bé, bóng trăng đổ dài, thương yêu nhỏ bé, điếm canh vươn vai. Tình tôi nhỏ bé, hồn tôi nhỏ bé, đời tôi bé nhỏ điếm canh dông dài…