Thương nhớ Thành Vinh

    1170

                   Tôi vốn không sinh ra ở Vinh, cũng chẳng phải Nghệ An, nhưng gốc tích về một dòng họ luôn mách bảo tôi cúi đầu nguồn cội. Ấy là khi tôi mang Nghệ An như một mạch nước ngầm âm thầm xứ sở và đã bao năm bao tháng bao ngày chảy vào thương nhớ Thành Vinh.

    Nhằm ngày rằm tháng chạp mỗi năm, về quê cha giỗ tổ, tôi thường được nghe bác trưởng họ nói về thủy tổ của mình. Gốc gác của tôi ở mãi làng Quỳnh nơi sóng mê mải hát, nơi gió mê mải nói về dòng họ Hồ ngàn năm. Thủa ấy tổ tôi đã giương buồm vượt khơi đến khai hoang lập ấp ở một vùng ven biển mà bây giờ là Thụy Trường – Thái Thụy – Thái Bình. Nói như vậy để phần nào bao biện cho cái vị thế Nghệ An và những khi tôi neo đậu Thành Vinh để mà nhớ thương khắc khoải.

    Tôi là kẻ ham đi, ham vui, ham những chân trời xa lạ, một phần ba cuộc đời tôi đã bỏ lại sau lưng những hải cảng muôn trùng, những con người không nói tiếng Việt, những thành quách cũ, những đền đài gọi bão táp thời gian. Bởi vậy thương nhớ Thành Vinh có gì lạ đâu.

                   Hà Thành có vẻ gì đó kiêu kì, cố đô Huế lại quá ư cổ kính thâm nghiêm còn Thành Vinh có chút gì đó khiêm nhường nhưng lại quá ư nồng hậu, hơi hướng cởi mở thân thuộc như phố Hoài phố Nhớ Hội An. Tôi từng viết ở đâu đó : Phố cổ ở Huế trang nghiêm và quí phái, như thấy đâu đây còn phảng phất ngựa xe âm tướng hồn binh, bởi vậy lại thấy kiêu sa hơn là thân mật. Nhiều những con phố tỉnh lẻ dọc đường ngang qua tôi lại thấy quá nhạt nhòa bởi thiếu vắng linh hồn… Nhưng chắc hẳn một điều sự vồn vã Nghệ An cái mặn mà Thành Vinh đều khiến những bước chân trở về. Lạ thật, sao ngày xưa tôi không yêu đổ một cô gái Thành Vinh.

    Tôi đến xứ Nghệ lần nào cũng vội, có khi chỉ băng qua một đêm với những ánh đèn bàng hoàng sân ga, có khi dìu dặt trong gió để thoảng nghe mơ hồ từ phía dấu chân người đi biển. Vội vã và vội vã nhưng cơ hồ tôi đã mắc nợ xứ Nghệ mắc nợ người Vinh quá nhiều. Đôi khi chỉ là nợ một cái hẹn thôi mà mỏi mòn không gặp. Ấy cũng như một sự bất tín ở đời.

    Thế nhưng cái duyên Nghệ tình Vinh cứ xoắn xuýt lấy cuộc đời tôi như một sân ga nườm nượp đi, bộn bề nhớ, ngổn ngang về, mà muôn trùng sấp bóng, mà hổn hển giăng tơ đợi chờ.

              Trở về quá khứ tôi là một sỹ quan hàng hải lại kiêm cái chức danh đại diện chủ tàu, bởi vậy mà tôi có cái quyền riêng: chiêu mộ nhân tài. Không hiểu thế nào những người thân tín bên tôi thường là người miền Trung, Nghệ An, Quảng Bình và đặc biệt là mấy anh đầu bếp.

    Nhớ mùa hè năm ấy, phía bên kia bán cầu, nóng tới mức độ ở trong phòng điều hòa chúng tôi vẫn cởi trần một bầy, vậy nhưng các món ăn hàng ngày bếp trưởng vẫn không hề giảm ớt, giảm cay, đặc biệt là thứ ớt bột màu đỏ nồng tới hốc mắt, cay tới hốc mũi. Thủy thủ đoàn phàn nàn: anh ạ, anh xem thế nào, mọi người mọc đèn pin kín mặt rồi.

              Tôi gọi bếp trưởng lên phòng riêng nói chuyện phải quấy. Thế nhưng ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa tình hình chẳng có gì thay đổi, đời vẫn cay và mặt vẫn đèn pin. Giữa buổi, tôi lẻn vào bếp và bắt gặp ngay lúc bếp trưởng ( anh Hùng ) tay cầm bịch ớt bột miệng vừa huýt sáo thẩy vào chảo thịt.

    Quay ra nhìn thấy tôi anh giật mình rơi bịch ớt bột xuống sàn, ớt bay lên làm tôi chực khóc. Anh nói như mếu phân trần: em ạ ớt nó ngấm vào máu thịt anh rồi, bảo anh nấu nướng không cho ớt anh không làm nổi. Tôi đấu dịu: em không bảo anh phải từ bỏ, chỉ cần anh giảm bớt đi thôi.

                 Vậy đấy có những thói quen tưởng chừng có thể bỏ đi dễ dàng nhưng với người Nghệ cái gì đã ngấm vào máu thì nó là của máu.

    Đầu mùa gió năm ấy chúng tôi từ 3 độ nam ngược lên phía Bắc. Càng lên phía trên bầu trời ngày đêm xám xịt, sóng bổ nhào vào gió, gió bổ nhào vào tôi, con tàu lầm lũi bò như một ả rùa rụt cổ. Sáu ngày đêm thủy thủ đoàn chỉ ăn cháo cầm hơi vì thú thật ngồi cũng không nổi chứ mong gì ăn ngủ. Tôi quyết định cho tàu đi tiếp hải trình đã tác nghiệp mà không cắt ngang sóng để hòng mong gần bờ, vì lúc này cho tàu chạy ngang sóng thì quá nguy hiểm. Chỉ còn một cách duy nhất là đối mặt.

                                 00h hôm ấy tôi lên ca thay cho thuyền trưởng, chúng tôi phải đứng để điều khiển tàu thay vì ngồi, bởi tất cả vật dụng trên tàu giờ đây ngổn ngang như một bãi chiến trường. Một lúc sau trong ánh sáng xanh phản xạ từ màn hình ra đa tôi nhận ra anh Hùng đang đứng cạnh mình tay cầm chai whisky. Tôi nói: anh xuống động viên anh em cố gắng ăn uống để giữ sức chỉ còn 80 hải lý nữa là tới Trung Quốc rồi. Tôi nói vậy để trấn an chứ thực ra 80 hải lý trong hoàn cảnh này dài như là thiên thu.

                    Anh Hùng nói với giọng Nghệ đặc quánh: anh em mặc áo phao sẵn sàng cả rồi chỉ còn anh và em là không mặc thôi, giờ này anh biết em cần thứ ni này. Vừa nói anh đưa tôi chai whisky đã bung nắp, tôi cầm lấy ngửa cổ lắc và nốc. Sảng khoái tôi cười: vậy ý anh bảo rượu đã ngấm vào máu thì nó là của máu phải không. Cả hai anh em cười giòn như hai đứa khùng, trong phút giây của sống và chết tôi thấy thân thương quá Nghệ An, tôi thấy ngọt ngào quá Thành Vinh.

    Bẵng đi nhiều năm không gặp, một hôm phẳng lặng như bao ngày dừng bước bôn ba, tôi nhận được cú điện thoại của anh Hùng. Lạ thay anh vừa nói vừa khóc trong điện thoại. Tôi hỏi: anh lại bị thuyền trưởng cấm bỏ ớt vào đồ ăn à? Anh khóc to hơn: anh nghỉ hưu rồi hôm nay anh gả con gái cho người ta rồi, vắng em, anh nhớ, anh khóc vậy thôi. Tôi lặng đi trong giây lát nhưng lấy lại ngay vẻ cứng cỏi năm nào nạt nộ: anh trẻ con quá, lo cho cháu đi, nhà trai họ thấy họ cười cho, anh em mình không gặp nay thì gặp mai chứ sá gì!

                              Nói vậy nhưng lòng tôi chùng vô hạn, tôi buông điện thoại, thoáng hiện lại trong tâm tưởng những con đường tôi và Hùng đã đi qua. Giọng nói, hơi khóc của người xứ Nghệ lại đặc quánh chảy vào trí não tôi. Tôi lẩm bẩm: nước mắt đã chảy vào máu thì là của máu.

    Lại nói từ ngày tôi quăng neo ghim chặt lấy đời mình ở cái thành phố Vũng Tàu bé nhỏ thân thương này, nhiều khi đôi chân hát lời tù tội. Có những khi buổi sáng đi làm, chạy xe qua con phố Lương Thế Vinh, mùi cháo lươn, mùi súp lươn, mùi miến lươn như đánh bả vào khứu giác, làm tôi mê man tưởng mình đang lạc lối ở 51 Trần Quang Diệu quán lươn niêu đặc sản xứ nghệ nức tiếng Thành Vinh.

                              Người Vinh ở Vũng Tàu nhiều lắm, nhưng không hiểu sao mỗi khi tiếp xúc với họ điều làm tôi khao khát ấy là sự trở về. Trở về Thành Vinh mặc hồn dông dài những quán ăn quen, trở về Thành Vinh ngửa cổ lên trời mà cười hào sảng, trở về Thành Vinh mà đặc quánh ngữ điệu thổ âm. Ai bảo thương nhớ Thành Vinh.

    Một hôm chẳng phải như bao hôm nào tôi đi mây về gió ngỡ mình đang ở Phượng Hoàng Trung Đô kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết. Tôi lại nhắc nhở mình về gốc tích dòng tộc, nhớ tới tổ tôi căng buồm thuận gió băng khơi, và lại trắc ẩn thương nhớ Thành Vinh. Những cái gì đã ngấm vào máu thì nó thuộc về máu.