Lá qua mùa vu lan đang ngả sắc vàng, nắng đốt cháy mình ngang hạ đã hanh hao,thế là đã qua thêm một mùa tháng Bẩy, làn gió nhẹ giao mùa như níu kéo đưa tôi về với tháng Bẩy của những ngày thơ bé.
Tôi cũng như bao đứa trẻ sinh ra lớn lên ở làng quê, cuộc sống gắn liền với ruộng đồng, với hạt thóc, củ khoai. Vào độ lúa làm đòng, mấy đứa chúng tôi thường rủ nhau lúp xúp giữa những bờ ruộng, vụng trộm bữa tiệc đòng đòng lúa nếp ngọt thơm, mặc dù đã bị người lớn cấm đoán đe nẹt, còn chúng tôi vẫn thường gân cổ đồng thanh cái câu :”Ăn dòng đòng bà đánh còng lưng”, thế nhưng cái vị ngọt thơm của nó thật là quyến rũ chẳng thể cầm lòng .
Quê tôi vào ngày rằm tháng Bẩy thường nhà nào cũng gói bánh khoai sọ. Khoai để làm bánh phải là củ cái bánh mới bùi và ngon, bánh không bị nát. Bột để làm bánh là bột xay nước, gạo tẻ đem ngâm nước cho thêm chút muối, rồi xay bằng cối đá.
Mẹ tôi bận việc đồng áng nên giao cho tôi nhiệm vụ gọt khoai, tôi sợ gọt khoai để làm bánh lắm, gọt xong rổ khoai sọ toàn củ cái tay mỏi nhừ và đỏ ửng, khoai gọt xong được ngâm vào nước, rửa sạch, vớt ra để cho ráo nước, thái vát mỏng và đều. Bà tôi kê cối đá trên bậc thềm hiên nhà ngồi xay bột, bà cho gạo vào thớt trên của cối, một tay bà quay cối thật dẻo và đều, một tay bà nhịp nhàng múc từng ít nước đổ vào gạo.
Bà nói nếu quay nhanh gạo sẽ văng ra ngoài, lượng nước cũng phải vừa đủ thì bột mới mịn. Dòng bột sánh mịn trắng tinh chảy xuống chiếc thúng đựng tro phủ khăn vải, chiếc khăn phủ thường là khăn vuông thâm bà vẫn đội đầu đã được bà giặt sạch . Để lớp tro trải dưới khăn hút hết nước, bột đóng thành một khối, bà bóp bột trộn đều với khoai đã thái, trải một ít lên lá chuối, rồi một ít nhân đậu xanh đã nấu chín giã nhuyễn, thêm miếng thịt ba chỉ, cuộn chặt lại . Bánh khoai sọ gói to bằng bắp tay, dài khoảng một gang tay, buộc dây chuối, bánh luộc chín vớt ra để nguội, khi ăn thái thành từng khoanh bày lên đĩa.
Vị giòn mát của khoai sọ với vị bùi thơm của nhân đậu xanh, chút ngầy ngậy của thịt hoà quện với nhau thật là ngon! Sau này cứ mỗi khi rằm tháng Bẩy, tôi lại nhớ và thèm món bánh khoai sọ của bà, mùi thơm đặc trưng của bánh khoai sọ xông lên mũi, vị ngon bùi của bánh cứ xoắn nơi đầu lưỡi đến tứa nước miếng. Khoai sọ có thể đem luộc, nấu canh, nấu độn cơm, làm bánh, ngoài ra còn một món từ cây khoai sọ mà có lẽ bây giờ ít người ăn, đó là nõn lá khoai sọ nấu canh.
Tôi vẫn còn nhớ rõ cái vị ngọt ngai ngái của nõn lá khoai sọ bà nấu canh với nước tương . Bữa cơm quây quần rằm tháng Bẩy bà thường nói :” Qua rằm tháng Bẩy là bớt bão giông, không còn nước lớn, bớt đi nỗi lo lụt lội”. Ngày ấy, cứ mỗi khi nghe tiếng trống từ bờ đê vọng lại, tiếng trống thúc dồn dập là báo hiệu nước đang dâng cao, tôi lại nhìn thấy nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt bà và mẹ.
Nhà nhà chuẩn bị tinh thần chạy lụt, vì bố tôi công tác xa nhà, tôi là con lớn nên cũng cùng bà và mẹ đóng thóc gạo vào bao tải, gom sẵn những thứ thiết yếu cần dùng để phòng khi báo động có nguy cơ vỡ đê còn chạy. Nhưng rồi mối nguy hiểm của thiên tai cũng qua đi, trả lại cho lũ trẻ chúng tôi thơm ngọt đòng đòng lúa nếp, trả lại cho người dân lam lũ quê tôi ngon bùi bánh khoai sọ rằm tháng Bẩy.
Bao năm đã trôi qua, bà tôi đã thành người thiên cổ về với tổ tiên, cánh đồng quê tôi không còn những thửa ruộng trồng khoai sọ bờ nọ nối tiếp bờ kia, tôi sống xa quê, nhưng những thảo thơm được chắt lọc từ đồng đất quê hương qua đôi bàn tay tảo tần của bà, của mẹ ngày ấy đã mãi mãi hoà quện ngấm vào tâm hồn, ăn sâu vào ký ức của tôi.
Trong ánh nắng chiều chấp chới tôi thấy bà đang ngồi xay bột làm bánh khoai sọ trước hiên nhà, bà cười móm mém thật hiền hậu, tôi thấy mẹ mặc áo cánh nâu đang lúi húi hái nõn lá khoai sọ nơi thửa ruộng đầu thôn, tôi đang trở về với những ngày tháng Bẩy tuổi thơ ngọt lành trong trẻo.