Tháng chín âm lịch, đã sang quá nửa mùa thu, khí trời mát mẻ. Bầu trời nhiều khi đen kịt, có những đám mây bay thấp sũng nước. Thỉnh thoảng có những trận mưa to như trút, nước chảy tràn qua ngõ, nước ngập đến ngang thân lúa. Lúa ngoài đồng đã trổ đều, hoa lúa rụng trắng đầy mặt ruộng.
Mưa nhanh, ráo nhanh, sau cơn mưa bầu trời lại hửng nắng. Từng đàn mối cánh bay ra la đà khắp mặt đất. Có mấy con cóc xù xì to như nắm tay người lớn không biết từ hang hốc nào chui ra, lè lưỡi đớp những con mối cánh béo ngậy. Chim trú mưa đâu đó bay ra hót líu lo trên những ngọn cây và cũng thi nhau đuổi mối cánh ăn đến no nê.
Dưới những thửa ruộng, từng đàn cá rô tranh nhau ăn hoa lúa và những con mối bị nước cuốn trôi xuống, chúng quẫy đuôi, đùa giỡn tạo nên những đợt sóng chồng chéo lên nhau lan từ giữa ruộng vào bờ hết đợt này rồi đến đợt khác.
Mùa này là mùa chúng tôi đi câu cá rô ruộng. Mồi câu là những con mối cánh hay những con giun đất nhỏ, bỏ vào trong cái ống bơ sữa bò cũ, được đục hai cái lỗ để xâu dây vào làm quai để xách. Trong thửa ruộng đầy hoa lúa, chỉ cần thả nhẹ lưỡi câu đã móc sẵn mồi xuống ở giữa hai bụi lúa hay ở chỗ góc ruộng. Lũ cá rô tranh nhau ăn, cứ thế đứa câu đứa gỡ chẳng mấy chốc mà được cả một giỏ cá đầy.
Người làng tôi nói “tháng chín cá vịn cần câu”. Quả có thế thật, cá cắn câu nhiều lắm, chúng tôi thay nhau để câu và gỡ cá. Cá rô có vây rất nhọn và cứng, khi bị dính lưỡi câu vây nó xoè ra, nếu gỡ không khéo sẽ bị vây nó đâm vào tay rất đau có khi còn chảy cả máu. Cá rô đựng trong giỏ con dưới cứ cố tình dựng vây lên móc vào thành giỏ hay móc vào con khác để leo lên phía trên giỏ. Chúng đua nhau phun một lớp bọt trắng xóa và có tiếng kêu rào rào như tiếng cơm sôi.
Câu ở ruộng chán chúng tôi lại rủ nhau ra câu ở suối hay những hố nước ở giữa đồng. Sau những cơn mưa nước suối và nước ở các hố đục ngầu, buông mồi xuống là cá lại ăn liền. Ở những chỗ này ngoài cá rô còn nhiều loại cá khác cũng cắn câu.
Người xưa nói thừa lúc nước đục thả câu là có lẽ trong những trường hợp này đây. Những con cá hình như say mồi trong làn nước đục, chúng tranh nhau cắn câu, chúng tôi giật cá và móc mồi mỏi hết cả tay.
Cá rô tháng chín to bằng cái lá sim béo lắm, con nào con nấy vàng ươm có con bụng căng tròn những trứng. Cá rô béo bởi trời mưa, những con mối cánh và các thứ thức ăn trên đồng cao trôi về nhiều, cũng do một phần nữa chúng ăn hoa lúa no nê cả ngày lẫn đêm trong những ruộng lúa đầy nước.
“Cá rô tháng chín nhịn cho mẹ chồng”.
Tôi nghe câu nói đó từ bà nội, rồi từ mẹ và hầu như người làng tôi ai cũng biết câu nói đó. Thế mới biết con cá rô ngày thường nó cứng thế nhưng đến tháng chín nó mềm và béo đến mức nào. Mang giỏ cá về, đổ ra chậu nước đàn cá rô lại bơi lội khoẻ mạnh như thường. Chúng chen chúc nhau trong chậu nước chật chội, miệng nhả ra cả một chậu bọt trắng xóa.
Mỗi lần đi câu về thường thì mẹ chia ra hai phần, một phần cá mẹ kho khô, phần còn lại mẹ đem nấu với khế. Những con cá rô rửa sạch, làm kỷ bỏ vào nồi với gia vị, không thể thiếu đó là nghệ tươi và củ hành chăm tươi giã nhỏ. Nồi cá kho được đun dưới ngọn lửa liu riu, khi cá chín mở nồi ra những con cá rô nằm nghiêng cong người lên như hình những con thuyền dưới nước, toàn thân cá được nhuộm một màu vàng của nghệ, tỏa mùi thơm lừng, tự nhiên nước miếng tứa ra và nghĩ ngay đến những bát cơm nóng hổi đang chờ được xới ra.
Những quả khế đã tròn mình, giã nhỏ ngâm vào nước sau đó vắt bớt nước cho đỡ chua, cứ một lớp khế một lớp cá. Một món ăn để dành cho những ngày mùa bận rộn hay những khi mưa gió, phổ biến của quê tôi mà không đặc sản ở đâu có thể làm phai mờ đi hương vị của nó. Một vùng quê thuần nông, trời phú cho cơm đủ ăn, cá có sẵn dưới nước.
“Muốn ăn đi tát, muốn mát đi câu”.
Cuối tháng chín những trận mưa rào thưa hẳn đi, lúa đã đỏ đuôi, để chuẩn bị cho mùa thu hoạch, người dân đi thăm ruộng và tháo nước ra khỏi ruộng lúa. Đồng ruộng quê tôi nhỏ, bị chia cắt cắt bởi núi đồi, khe suối, vậy nên ở giữa đồng có nhiều cái hố người ta không cấy lúa.
Khi nước trong ruộng rút cạn đi thì cá trong ruộng lại theo nước đi ra và vào sống chen chúc nhau trong những cái hố đó. Vào những ngày trời không mưa, bầu trời cao trong xanh, nắng hanh vàng rực rỡ, gió heo may se se lạnh bọn chúng tôi lại rủ nhau đi tát cá.
Đi tát cá tuy vất vả nhưng có nhiều lợi thế và cũng vui chẳng kém gì đi câu. Trong những cái hố đó không biết có cơ man nào là loại cá, tôm và có cả những con cua to nhỏ nữa. Chúng tôi lớn lên trên những cánh đồng làng với những con cua, con cá. Những buổi đi câu hay đi tát những buổi học đã trôi vèo theo tuổi thơ. Nay mái tóc đã hoa râm, cánh đồng làng đã biến đổi đi nhiều, những mảnh ruộng, những cái hố năm xưa nay đà đổi khác.
Lớp trẻ bây giờ cũng có nhiều trò chơi cuốn hút hơn, không có đứa nào còn đi câu hay đi tát cá nữa. Ruộng đồng đã cải tạo lại bằng phẳng, thuốc trừ sâu, hoá chất đã làm cho cá ít đi. Những buổi đi câu đi tát đã trở thành kí ức, nhưng mùi vị cá rô kho nghệ, cá rô nấu khế thì không thể phai mờ trong tâm trí chúng tôi.