Tác giả Vy Phong
Vẫn biết, thế gian có muôn nẻo để đi nhưng duy chỉ có một nơi rộng mở đón chân ta trở về, đó là cổng nhà. Chiếc cổng thân thương từ cổ chí kim vẫn ở đó, thủy chung như nhất nào có đổi thay. Dù ta buồn hay vui, dù ta thành hay bại, dù ta khóc hay cười thì cánh cổng vẫn mở toang để ôm ta vào lòng vậy.
Từ khi bước chân vào đại học, cổng nhà tiễn tôi đi xa. Cho đến khi ra trường, đi làm, lập gia đình xa quê hương, lâu lâu có dịp tôi mới được về thăm nhưng thường là mỗi năm một lần. Tôi về đây! Con đường bớt xa. Tôi vào đây, cổng ngõ chan hòa cho trái tim hoan ca, ấm áp. Tháng ngày, trí nghĩ chật chội bởi lo toan tính toán bỗng thoáng ra; con tim mệt mỏi, thương tổn bị đời làm cho xây xước như được tưới thêm dòng nước mát lành mà tươi tắn. Nhà tôi lưng chừng đồi, ngõ dẫn từ sân tới cổng là một cánh cung nhè nhẹ mà sắc lẹm. Tôi về tựa lưng vào hàng cau hai bên cổng mà nghe lá hát vi vu. Xanh xanh một màu nhựa sống từ hàng cau có dây trầu quấn quýt, từ cam, quýt, táo, ổi…trong vườn. Chim chuyền cành véo von bài ca tự thuở nào vẫn vậy. Hoa giấy đỏ, hoa sứ hồng, hoa cúc vàng…thắm đượm từng mùa qua.
Gỡ đôi dép ra khỏi chân, tôi để lòng bàn chân áp vào mặt gạch gồ lát cổng. Nhẹ nhàng và mát lịm, tôi nghe những viên gạch vuông vức thủ thỉ tâm tình. Thuở trước, khi ông bà cùng xóm làng di cư từ ngoài bãi sông vào vùng đồi này theo chủ trương của Nhà nước, cổng nhà chỉ là con đường đất trắng với bao đá sỏi lởm chởm. Đào đá, san đất, cổng ngõ ấy thấm mồ hôi của ông bà nội tôi, của cô bác tôi- những con người cần cù chịu khó. Bữa ăn dẫu chỉ có dưa cà mắm nhút nhưng nghị lực thì phi thường và tâm hồn cũng đẹp lạ thường.
Cổng đất đá sỏi nhưng hai bên cổng ông nội trồng hai hàng hoa hường cánh mỏng, thoang thoảng thơm, hồng hồng đỏ đỏ như những cánh bướm trong nắng lửa gió Lào. Mùa về, rơm rạ phơi khắp cổng ngõ, vàng ruộm. Đâu đó còn vẳng lại tiếng cười đùa của các cô bác, của bố tôi khi lăn lòng vòng từ trên mép sân xuống tận cổng. Rơm mềm như chiếc nệm êm che hết đá sỏi. Đâu đó, còn có bóng dáng của ông bà ngày mùa đi gặt về. Xe lúa dừng dưới chân cổng, rồi ới cả con cháu, láng giềng ai rảnh thì qua đỡ một tay đẩy xe lên dốc. Con trâu gò mình kéo, người người đưa tay đẩy. Rồi mùa mùa trôi qua, trên sân óng hạt thóc vàng.
Tựa lưng vào thời gian mà ngẫm chiếc cổng ấy đã in dấu chân của bao người đi. Có những bước chân đi về sớm hôm của ông bà, là gánh chè ra chợ khi tờ mờ sáng, là dẫn trâu khi hoàng hôn về, là đi mời xóm giềng bát nước chè khi trưa lại. Có những bước đi theo tiếng gọi của số phận, của cuộc đời. Các cô của tôi lần lượt theo chồng để lại ánh mắt của ông bà dõi theo mấy dặm trường đình; bố tôi mang ba lô nhập ngũ để lại sau lưng bao nhiêu yêu thương đầy vơi. Rồi lâu lâu, những bóng dáng ấy có dịp lại trở về thăm. Nhưng có những chuyến đi mãi mãi mang theo nước mắt và nỗi ưu buồn nhung nhớ, cánh cổng cũng ngậm ngùi dõi theo bởi biết sẽ không thể đón người về. Đó là ngày ông tôi, rồi bà tôi, bác cả tôi lần lượt đi xa mãi mãi bên kia núi xanh. Nhưng trong tôi, hình bóng ông bà vẫn mãi còn đó, sớm hôm đi về trên cổng ngõ của chính bàn tay của ông bà vát lên hình hài, để bao thế hệ con cháu trở về đoàn tụ.
Tôi về nghe tuổi thơ thầm thĩ những bước chân thơ bé, chân trần trên đá lởm chởm. Bởi người lớn đi làm nên trẻ con tự trông nhau. Thương thằng cu Thạch mặc quần chẻ đũng, mặt lem nhem theo đứa chị là tôi suốt ngày đi chơi. Có khi giận dỗi với bạn lại dắt nhau về, ngồi ở cổng nhặt đá chơi ô quan, chơi trò nấu ăn, bán hàng…Buồn tay lại bẻ mấy mầm hoa hường, tước bỏ lớp vỏ rồi bỏ mồm nhai phần ruột thân bên trong. Vậy mà cũng thấy ngon thấy ngọt cả tuổi thơ. Ngồi mà tiếc nhớ cái cảm giác đợi bà đi chợ về trong những ngày chợ phiên. Sáng sớm khi cháu còn ngủ say, cổng đã tiễn bà trên vai gánh mấy thức hàng trong vườn đi bán. Mấy bó chè xanh, mấy bó mùi tàu, khi quả mít, lúc trái trứng gà…Chừng đó, đủ để bà mang về cả tuổi thơ thơm thảo cho cháu. Có hai đứa trẻ ngồi vêu ở cổng, thấy nón trắng và cái dáng thân yêu: ôi! Bà về! Trong quang gánh của bà khi thì chiếc bánh đa, khi thì miếng cốm, khi là con tò he xanh đỏ để chơi mà không nỡ nướng ăn…Ôi còn đâu, còn đâu!
Năm tháng trôi qua, cửa nhà được thay áo mới. Bố tôi đã tôn tạo lại, đàng hoàng hơn, khang trang hơn. Hai bên cổng xây bờ dậu, nền lát gạch, cánh cổng màu xanh. Bốn mùa hoa thắm nở, chim ca rộn ràng. Tôi lại về đây, mang theo cả tuổi thơ về cho con. Hai đứa trẻ y như mẹ và cậu ngày nhỏ, suốt ngày lon ton dạo bước. Chúng theo ông đi tưới cây, chúng cầm điện thoại để lưu hình làm kỉ niệm, hay đơn giản chỉ thích chạy ù từ trên sân xuống tận cổng. Chỉ thế thôi mà vui, mà kể hoài với bạn bè không chán. Rằng “ Cổng nhà ông bà ngoại mình đẹp lắm…” Biết đâu sau này, có đứa lại ngồi viết “Thân thương cổng nhà” như mẹ nó bây giờ…Biết đây đấy…!