duc-hanh

Đổ bã trà bỗng rùng mình chảy nước mắt bởi liên tưởng đến không ít phận đời. Sau phút dâng hiến nồng nàn thì còn lại một chút này thôi. Quân tử né bước tiểu nhân đạp bừa. Ô hô. Có mấy ai biết bã trà đã nát vẫn còn thơm? Mới hiểu: Hương trà như ước mơ của loài người. Thơm và mong manh.

D ậy sớm pha trà. Bình minh chớm hé. Cây lá trong vườn còn ngái ngủ. Chỉ có tiếng chim miên man trò chuyện với hoa và gió. Rót trà mời cây và hoa. Tâm trí lửng lơ theo hương trà. Chuyện cũ lại ùa về.

Nhà xưa có một đồi chè. Gánh rạ phủ luống chè, tưới tắm chăm bón vất vả. Khi chè đến lứa phải hái trong ngày, đêm về bắc chảo gang sao bằng hai thanh tre hình mái chèo. Như thế gọi là sao suốt. Bếp lửa lúc cháy to lúc chỉ lim rim. Mặt cúi xuống chảo, mồ hôi rỏ xuống than hồng rực. Không biết số giọt mồ hôi tuôn xuống và số búp chè trong chảo kia bên nào nhiều hơn? Vừa mơn mởn xanh đã khô héo dần, rồi khô cong sau vò, rũ, đảo, xoa miệt mài, một mẻ chè sao tầm 7 đến 8 tiếng mới thật sự đạt yêu cầu.

Sao vội với thời gian ngắn hơn vẫn được nhưng trà không ngon. Nhìn người sao chè biết tâm tính nóng vội hiếu thắng hay khoan hòa sâu sắc. Sao chè như làm thơ. Uống chè như thẩm thơ. Lúc trẻ trung chỉ biết Uống trà thật nhanh và chẳng mấy khi quan tâm đến Màu – Hương – Vị.

Đến tuổi trung niên chuyển từ Uống trà sang Thưởng trà. Mới ngẩng đầu nhắm mắt đưa chén trà ngang mũi mà thưởng thức hương thơm. Mới ngắm màu nước xanh pha vàng nhẹ. Rồi chậm rãi nhấp từng giọt trước chát sau ngọt hậu của trà mà xuýt xoa, mà khà từng tiếng nhỏ. Thực ra tiếng khà ấy là biến âm của tiếng kêu sung sướng khi con người hưởng lạc thú. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó bởi thưởng trà thường trong đám bạn hữu ồn ào. Rồi say chuyện say người mà quên cả trà.

Phải ngoài 60 tuổi mới từ Thưởng trà sang Ngẫm trà. Cá biệt có người trẻ hơn nhưng sống nội tâm và từng trải thì chả cần đến tuổi 60. Ngẫm trà có bốn kén chọn: Kén bạn tri âm. Kén trà ngon. Kén chỗ ngồi lặng lẽ. Kén tâm trạng không cào cấu đua tranh hận thù. Nhóm ấy uống chậm và ít. Uống trong im lặng. Nhìn chén trà như nhìn lòng mình. Ngắm ấm trà như ngắm quãng đời đã qua. Hương trà như hương người yêu từng đến từng bay mất. Vị trà là số phận nếm trải có đắng chát mới có ngọt ngào.

Đổ bã trà bỗng rùng mình chảy nước mắt bởi liên tưởng đến không ít phận đời. Sau phút dâng hiến nồng nàn thì còn lại một chút này thôi. Quân tử né bước tiểu nhân đạp bừa. Ô hô. Có mấy ai biết bã trà đã nát vẫn còn thơm? Mới hiểu: Hương trà như ước mơ của loài người. Thơm và mong manh.
Nào, rót mời cây và hoa thêm chén nữa. Bỗng lẩn thẩn nghĩ về những lễ hội trà. Vài chục bàn tre trúc bày trên quảng trường. Trăm quý nhân khoan thai ngồi chờ đợi. Trăm trà nương xinh như tiên áo mỏng phất phơ đôi bàn tay như múa. Họ pha trà rót trà mời trà với nụ cười e ấp. Khách nâng chén uống trà ào ạt. Cảnh động Tâm động. Không gian thưởng trà như sân khấu. Dù muốn hay không người thưởng trà và trà nương buộc phải trở thành diễn viên. Vậy lúc đó hương vị của trà còn lưu giữ trên môi và trong tâm người thưởng trà được bao lâu? Uống như thế cũng không hề gì. Mỗi cách uống trà đều có giá trị và mục đích riêng khi đặt vào hoàn cảnh cụ thể.

Chợt nghĩ đến chuyện đọc và ngâm thơ trong phòng nhỏ. Chỉ trên dưới chục người nghe. Không gian nhỏ và tĩnh. Khách mời chọn lọc. So với đọc và ngâm thơ trên quảng trường hàng nghìn người thì vừa tương đồng vừa khác biệt vô cùng. Tương đồng ở chỗ vẫn là chuyện đọc thơ và nghe thơ. Nhưng thơ cổ động vang vang trên quảng trường phải dễ hiểu dễ nhớ. Người nghe có đủ mọi thành phần và trình độ. Nhiều người vốn ghét thơ, vậy mà hôm ấy nghe thơ lại thích phát cuồng. Thì ra đó là hiệu ứng lây nhiễm của tâm lí đám đông. Lúc đó thơ không hay nghe rồi cũng thấy hay. Nếu thơ hay vừa vừa sẽ trở thành kiệt tác. Vì mọi người xung quanh đều vỗ tay gào thét ngất ngây. Uống trà tập thể nơi quảng trường có lẽ cũng tương tự như thế.

Tôi cùng vài người bạn mê uống trà theo nhóm nhỏ trong tĩnh lặng. Như mê nghe quan họ mộc tại các làng cổ, nghe hát chay không cần nhạc đệm. Khi không được về ngồi trên chiếu hoa làng Diềm mà nhắm mắt lắc lư, miệng ngân nga câu huê tình ngọt thăm thẳm, thì đành chen thục mạng ra sân hội, tìm chỗ nằm thẳng cẳng mắt lim dim lắng nghe Người ơi người ở đừng về. Ấy cái việc thưởng trà tập thể nơi đông người huyên náo cũng giống như đọc thơ trên quảng trường cho ngàn người nghe. Cũng như xem và nghe quan họ trên sân khấu hiện đại. Chả có gì là xấu hay sai sót. Chỉ là có tuổi rồi, lại cổ hủ nên không thích mà thôi.
Đã đến chén trà thứ ba rồi. Nào, mời cây và hoa lần nữa.