Tôi vẫn gọi những ngôi nhà soi bóng bên dòng sông Tam Bạc là những quán trọ. Chiều, thảng một mùa đông đi ngang qua đây, bất chợt man mác những con đường soi gương, mây trời soi gương, quán trọ soi gương. Tôi dừng lại, hít hà một khoảng không vô định giữa lòng thành phố. Nhìn dòng đời trôi thật chậm giữa nhá nhem, chạng vạng, mênh mang giây phút yên bình.
Thành phố đã qua bao thăng trầm. Từ dòng sông chảy sâu vào trung tâm mà xưa kia là thương cảng sầm uất, những cái tên Cầu Đất, Cầu Quay có lẽ cũng bắt nguồn từ đó. Bên hồ Tam Bạc, chợ Sắt vẫn còn đó như minh chứng về lịch sử giao thương, buôn bán. Giữa biết bao sự đổi thay vẫn những mái nhà với lớp ve vàng thách thức thời gian và không gian. Tôi mường tượng ra một bức tranh sinh động mà lắng trầm từ thời Pháp thuộc.
Ở đó có một phố thị ồn ào những bán mua, có những xe thồ, xích lô, người trên bến, kẻ dưới thuyền. Những ngôi nhà họ xây bền bỉ lắm, vôi ve không thể tróc, mái pờ rô xi măng còn nguyên. Tôi ngước nhìn những cánh cửa chớp – những cánh cửa sơn xanh, bất chợt như có cảm giác ai đó đang nhìn mình, ai đó còn tiếc nuối khôn nguôi màu phố thị, nét kiến trúc cổ kính, hoài niệm này.
Thời đó, người Pháp đã cho xây dựng những khu phố bàn cờ. Họ quy hoạch giao thông đầy khoa học và văn minh. Từ nhà hát lớn thành phố, tôi thường đạp xe dạo trên những con đường rợp bóng cây xanh, mê mải ngắm nhìn, mê mải đắm chìm. Có những gốc cây xà cừ cổ thụ tỏa bóng dài, bóng đổ. Có những dinh thự Pháp dọc phố Hoàng Diệu, phố Hồ Xuân Hương, Minh Khai, Lê Đại Hành… vẫn nguyên vẹn bao dấu tích như chẳng thể nào phai xóa thăng trầm của thời gian.
Dòng Tam Bạc đã thay da đổi thịt. Phía bên này với những mái nhà hiện đại xen lẫn nét xưa. Phía bên kia trước là xóm chài ven sông giờ thành phố đi bộ hiện đại, khang trang. Tôi nhìn ngắm đàn Thiên Nga bơi lội. Dường như chúng chưa quen lắm nét bình dị, bình yên lọt thỏm giữa trung tâm thành phố này. Có lẽ chúng mơ hồ giữa hiện tại và quá khứ mà ngơ ngác, mà sửng sốt. Dòng Tam Bạc hiền hòa lắm, bình lặng như một người mẹ già đã trải qua bao nhiêu đắng cay, khổ ải kiếp người, nay rũ bỏ muộn phiền, bi lụy mà an tịnh, thanh thản. Có lẽ thế, tôi cảm nhận sâu trong lòng chút nhẹ nhàng, trong vắt khi nhìn đáy nước. Ở đó, có những gam màu đen trắng sơ khai, nguyên thủy không thể lẫn.
Hải Phòng có rất nhiều sông, mỗi khúc sông bao bọc vỗ về, quanh co, chảy trong lòng phố. Dòng sông Cấm, dòng Lạch Tray… và dòng Tam Bạc đã đi suốt chiều dài lịch sử. Tôi hướng về phía cầu Lạc Long, hướng về bến Bính… những cái tên đã bao đời gắn bó với cha ông. Tôi lại hướng về phía cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ… ở đó có lớp trẻ đam mê, hừng hực khí thế, mạnh mẽ song hành đưa thành phố tôi đi lên. Dù đã thay đổi, dù đã khác xưa ít nhiều nhưng tôi dám chắc rằng những người con đi xa thành phố cảng một ngày nào đó trở về không khỏi rưng rưng, bùi ngùi, thương nhớ những cái tên tưởng chừng quá vãng, đã xưa rất xưa này.
Phố bên sông đẹp lắm. Đẹp như một bức tranh, ở đó người họa sĩ không chỉ bằng sức sáng tạo, bằng trí tưởng tượng phong phú mà có thể thả hồn bay bổng được. Phải nghiên cứu, phải tìm tòi, phải trăn trở, phải thao thiết lắm mới có thể cho ra đời tác phẩm nghệ thuật này. Lẫn trong khung cảnh, tiết trời đông lạnh giá, dường như càng khiến con người ta man mác ru lòng tĩnh lại. Phố đã lên đèn. Những quán trọ đã lên đèn, nồng nàn hơi thở cuộc sống.
Đâu đây, từ những ô cửa nhỏ thơm mùi bếp, mùi cơm, phảng phất làn khói mỏng đầm ấm gia đình. Dòng Tam Bạc lúc này lung linh lắm, như bừng tỉnh sau ngày dài ngủ nướng. Tôi chợt nhận ra, giữa bộn bề cuộc sống, ai đó có những lúc thanh tịnh theo sông, khấp khởi theo sông, cháy bỏng, cồn cào, da diết theo sông. Sông có bao nhiêu cung bậc thì lòng người có bấy nhiêu cung bậc. Có lẽ chính sự đồng cảm ấy mà con người khi đứng bên sông cứ im lặng mãi dù cảm xúc đã tràn đầy.
Quán trọ, chỉ để những suy nghĩ, giấc mơ bé nhỏ dừng chân. Quán trọ, chỉ vỗ về những bộn bề, bon chen cuộc sống. Nhưng quán trọ lại ôm ấp bao cõi tạm trần gian quá vãng. Ở đó đầy quá khứ, đầy thăng trầm. Quán trọ vẫn soi mình bên dòng Tam Bạc, vẫn lắng sâu nghe hơi thở cuộc sống vỗ về.
Những quán trọ đã lên đèn, nồng nàn hơi thở cuộc sống. Đâu đây, từ những ô cửa nhỏ thơm mùi bếp, mùi cơm, phảng phất làn khói mỏng đầm ấm gia đình.