A nh bảo, mùa này bàng vuông vừa kết nhụy, anh không có trái bàng nào để tặng em…
Trong ba lô người về từ đảo thường có những món quà quen thuộc của biển. Những cụm san hô mảnh như một nhánh cây, trắng ngà ngọc tưởng chừng như trong veo, những con ốc biển đủ hình thù, kích cỡ, những viên đá nhỏ được sóng và thời gian mài giũa, trên đó ghi nắn nót dòng chữ theo phong cách thư pháp. Những trái bàng vuông như búp tay con trẻ… đẹp giản dị vô cùng.
Nhưng trong ba lô của em từ đảo về còn có những món quà không giống ai. Anh có biết không, nó chiếm một góc rất lớn cả theo nghĩa không gian, cả theo nghĩa tâm hồn. Nó hiện hữu và không hiện hữu, hữu hình và vô hình. Nó làm em nhung nhớ, day dứt khôn nguôi.
Anh có biết không. Ở đảo Phan Vinh, em lẩn mẩn đi ngắm từng gốc cây, ngọn cỏ. Cây ở Phan Vinh xanh ngút ngát. Những cây tra, bàng vuông, phong ba, bão táp… phiến lá nào cũng xanh, dường như cây nghĩ mình chỉ có màu xanh nên cứ xanh thẫm lên, xanh khắc khoải yêu thương khắc khoải đợi chờ.
Phan Vinh có nhiều cây, những gốc tra lâu năm, cành to nhưng uốn lượn cầu kỳ, từng tán lá điệu đà đan vào nhau tỏa bóng mát. Dưới bóng mát ấy, em gặp những người lính hải quân đang ngồi giải lao sau giờ huấn luyện. Em đã ngồi cùng họ, uống nước trà đặc chát môi, đặc như xắt ra thành miếng, như cầm nắm được. Chén trà đưa lên nặng trĩu vị đất liền, thơm chao chát cả trời chiều.
Nhấp một ngụm trà, thấy cả miền Thái Nguyên cả miền Mộc Châu cả miền Trung du… thấy vị đất liền đắng đót nhớ thương. Em đã hát cho những người lính nghe những bài hát về mẹ, về Hà Nội. Chao ôi, ánh mắt người trai Hà Nội chiều hôm ấy, vời vợi nỗi niềm.
Những người lính đảo ấy, họ có gì mang hết ra thết người ở đất liền, nhiều người ghé lại, gốc tra hôm ấy trở thành điểm hội ngộ. Không còn ghế thì ngồi bệt xuống nền xi măng, có sao đâu, những người lính cũng ngồi thế mà, đôi bàn tay có thể lấm, bộ quần áo có thể lấm, chỉ có trái tim không lấm láp, trái tim yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu biển đảo một tình yêu vẹn nguyên không sạn gượng.
Có một chiếc ghế hình thù khác lạ, các chiến sĩ nhường cho em ngồi. Chiếc ghế ấy tự tay các anh làm, nhựa cứng được hơ nóng, uốn dẻo và hàn lại, ở giữa khoảng rỗng được ken một tấm gỗ để tăng sức chống. Ghế ở đây làm không chỉ để ngồi, mà để thử làm cho vui, thể hiện sức sáng tạo của bộ óc và sự khéo léo của đôi bàn tay. Em đã thốt lên: “Chiếc ghế thần thánh này, em thích nó”. “Em thích thật ư”? “Thật, cho em nhé”. Niềm vui chợt sáng lên trong “ánh mắt Phan Vinh”. Em từ đất liền ra, nơi đó có bao nhiêu chiếc ghế được thiết kế nghệ thuật, điệu đà, cớ gì em thích chiếc ghế mộc mạc này. Nhưng em thích thật, em nghĩ trong đó có sự kiên nhẫn, có niềm vui, có dấu vết đôi bàn tay chai sạn, có vị muối, vị mồ hôi.
Món quà gửi theo xuồng trở về tàu cho em là chiếc ghế, được bọc kỹ, và anh biết không, trong túi còn 2 hộp sữa Elsua nước. Ở đây không có hoa hồng, không có quà lưu niệm, không có thiệp và không những lời có cánh, chỉ có sự quan tâm chân thật đến thật thà. Hai hộp sữa ấy em còn giữ nguyên không dám bóc, không nỡ bóc. Nó theo em về đất liền, đặt ngay ngắn ở Góc Trường Sa, em vẫn ngắm nghía nó những lúc một mình, vẫn rơi nước mắt vì món quà ấy.
Hành trang về đất liền của em còn có cả cỏ hoa và những chiếc lá khô. Cỏ dại và hoa dại, từ đảo Trường Sa Lớn, em chơi trò đám cưới với tụi trẻ con. Chúng nó vần em ra bãi cỏ, hái hoa và cỏ dại cài lên mái tóc em làm cô dâu. “Không cần chú rể, chúng mình chơi trò đám cưới nhé”. “Cô đưa tóc đây con cài hoa”, “Cô nhớ hoa của cô dâu cô không được ném, con buồn”. Em đã cài nó vào một ngăn cạnh của ba lô, mang nó lên máy bay trong cái nhìn lạ lẫm của nhiều người, rồi đưa về đất liền. Anh biết không, nó vẫn còn vẹn nguyên trong chiếc túi kỷ niệm của em.
Hành trang về đất liền của em có tệp lá tra, lá bàng khô. Chúng mình đã đi dọc buổi chiều, anh bảo, mùa này bàng vuông vừa kết nụ, anh không có trái bàng nào để tặng em. Nhưng anh ạ, ai cũng muốn hái hoa, ai cũng muốn mang quả về thì còn đâu màu xanh cho đảo, còn đâu hoa trái cho người sau đến ngắm. Em không tiếc nuối đâu. Nếu đúng vụ bàng vuông trái đã đầy, em cũng sẽ không hái. Kể cả những trái khô đã rụng, trái để cho nẩy mầm, cây mọc cho mùa sau. Em nhặt những chiếc lá khô bay xạc xào dưới gốc cây. Những chiếc lá bàng vuông, dài hiền hòa như con thuyền nhỏ, đậm lên một thứ ánh vàng như hoàng hôn trước bão; những chiếc lá tra điệu đà uốn lượn, như hình lá trầu khuyết, vàng nhạt trăng non.
Anh đừng thắc mắc. Em mang quà ra Trường Sa chưa đủ, em không muốn lấy gì từ nơi đó về đất liền nếu nó còn có ích cho Trường Sa, nhất định không.
Em đi, không chỉ chăm chăm với những bài báo trong chuyến công tác. Có những lúc chỉ đi, rất chậm, ngắm nhìn như đóng dấu vào nỗi nhớ hình hài đảo nhỏ và những gương mặt dấu yêu. Anh bảo đảo thường mang hình giọt nước. Giọt nước mưa hay nước mắt hả anh? Hay là giọt sữa từ bầu vú mẹ. Cho nhớ thương, cho ngọt ngào, cho day dứt. Giọt sữa chắt ra từ cơ thể mẹ, là thân thể Tổ quốc nơi sóng gió đấy anh.
Hành trang của em là những cái ôm không muốn rời. Mùi mồ hôi mặn mòi, không nước hoa, không mỹ phẩm, cái mùi khiến người ta muốn vùi mặt vào mà không gợn lên chút hoài nghi.
Trường Sa mùa này đang bão phải không anh? Những cơn bão chồng lên bão. Em nhận được một cuộc điện thoại qua sóng vệ tinh. Người lính Hải quân nói với em rằng đang cùng đồng đội phòng bão tới. “Bão thiên tai là chuyện bình thường, bão nhân tai thì cũng không đáng sợ đâu em. Cứ bình tâm nhé. Các anh sẽ bình yên trở về”.
Và ngày nào em cũng gọi điện thoại cho người lính ấy, rồi gửi một tin nhắn, gửi đi lời chúc bình yên. Những cuộc điện thoại không có sóng phản hồi, những tin nhắn cũng không hồi đáp. Dù rất vững tâm nhưng lòng vẫn xa xót mong chờ. Hàng tháng trời lênh đênh đầu sóng ngọn gió, giữ đảo, giữ biển, đối diện với hiểm nguy, gian manh rình rập, không mong chờ sao được. Khi nào điện thoại có tín hiệu bắt sóng, khi nào tin nhắn có phản hồi, tức là các anh đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Họ sẽ về phải không anh. Biển này là của ta, đảo này là của ta!
Giờ thì em đã hiểu, quà của biển không chỉ là san hô, ốc biển, bàng vuông. Quà của biển là ân tình, anh ạ. Với em bây giờ, món quà lớn nhất là sự bình yên của các anh – tín hiệu bình yên gửi về từ biển đảo.