16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Phải lòng Như Nguyệt

Trong Mắt TôiPhải lòng Như Nguyệt

Chẳng biết tự khi nào tôi phải lòng dòng sông ấy. Dòng sông không ào ào cuộn chảy. Dòng sông không khúc khuỷu thác ghềnh. Dòng sông biết tiết chế cái hoang sơ bản thể từ khi còn là những khe nước ở dãy núi Tam Tao nơi thượng nguồn (thuộc xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn), cho đến khi các nhánh nhỏ rủ nhau làm cuộc du ngoạn qua bao ngàn lau, bao nương lúa.

           Có lúc, dòng chầm chậm trôi lắng hồn trong điệu Sli dìu dặt của người Nùng, chảy miên man trong điệu hát Then rộn ràng bên suối của người Tày, mơ màng nghe tiếng vòng bạc chạm nhau của người Dao ven bờ, để rồi về đến đồng bằng châu thổ, sông dịu dàng như sương, mềm mại như khói, lãng đãng giăng mùng vào câu Quan họ của người Kinh Bắc.

                         Những buổi chiều đầy gió. Nắng mới chỉ hây hẩy sau vài ba ngày mưa. Sóng sông lao xao lấp lánh reo vui đón từng tia nắng nhỏ ánh lên đầu mùa hạ.Tôi thích cái khoảnh khắc ngồi bên kè đá ven chân đê nhìn ra con dốc thoai thoải dẫn xuống bến đò Như Nguyệt. Dưới gốc cây vông cành khum khum như bông sen còn chưa kịp xòe cánh, tôi ngồi bên cạnh một người bạn nhỏ cũng muốn hòa mình vào nắng gió cùng ngắm dòng sông thao thiết chảy.

Thỉnh thoảng hai chị em lại ngước mắt nhìn một cánh diều thong dong lưng chừng trời thấp thoáng lẫn vào mảnh trăng chiều mọc sớm, hay phóng tầm mắt sang bờ Bắc đang dập dềnh mấy chiếc thuyền rồng nằm duỗi dài chờ đến lễ hội bơi chải làng Mai. Chốc chốc một chiếc tàu chở sắt thép, phoi gỗ hay cát vàng từ phía Thái Nguyên đi lừng lững qua giữa dòng làm sóng dạt cả vào ven bờ.

           Trước dòng sông hiền hòa tôi tự hỏi, có lẽ sông đã giữ cho mình bao kí ức, bao trải nghiệm về sự đổi thay dâu bể, nên lắng sâu dưới lòng sông là tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa lịch sử qua mấy ngàn năm. Khiêm nhường, không kiêu ngạo dù rất kiêu hùng, những chiến công trên dòng sông đã được ghi vào sử vàng đất nước.

Vị Thái úy uy phong năm nào đã khiến cho quân thù phải kinh hồn bạt vía lại rất tài hoa, hào sảng với bài thơ Thần tạc vào Sông núi nước Nam muôn thuở. Trong chiến công đánh đuổi quân Tống lẫy lừng, ngoài sức mạnh đoàn kết quân dân một lòng và tài thao lược của Thái úy, còn có cả hồn thiêng sông núi đã hiển linh giúp dân qua hai vị thần tướng Trương Hống, Trương Hát và thiên binh của các Ngài. Tên tuổi của Lý Thường Kiệt gắn bó với dòng sông đẹp như một vầng trăng sáng rọi trời Nam, trở thành biểu tượng thiêng liêng của khắp một dải non sông bờ cõi.

           Con đò ngang hối hả từ bến Tiếu sang bến Như Nguyệt đón đưa khách đôi bờ không dám trễ nải sợ để khách chờ. Tiếng máy xịch xịch âm âm trên một quãng sông ngắn. Tôi đã từng đôi lần làm khách trên chuyến đò ấy để từ giữa sông nhìn đến hết tầm mắt dòng chảy đưa những đám bèo lênh đênh trôi chầm chậm qua Ngã Ba Xà xuôi về phía Đáp Cầu.

Nhìn dòng sông uốn lượn mềm mại ôm lấy bờ dâu bãi mía, nhẫn nại bồi đắp từng chút từng chút phù sa cho đồng ruộng mới hiểu vì sao người dân nơi đây yêu dòng sông đến thế. Đất bãi bồi chắt chiu cho cây mía tre ngọt lịm, cho cải Tiếu mát lành, cho dâu lá dày xanh đôi bờ ngăn ngắt, cho những buồng chuối chín vàng thơm nức gọi tiếng chim ríu rít rủ nhau về…

                       Tôi đã từng ngắm dòng sông vào đêm trăng mười sáu, muốn đi tìm cho mình một lời lí giải vì sao dòng sông chảy từ thượng nguồn về đến xứ này lại có tên là dòng Như Nguyệt. Dưới trăng, sông lấp lánh, ánh vàng mênh mang huyền ảo khó có thể cảm nhận cái dòng chảy lững lờ dưới chân đê kia là dòng nước hay dòng trăng.

Ảnh: Ngô Thanh An

Hương xuyến chi theo gió bay khắp không gian làm hồn tôi ngơ ngẩn như chìm vào cõi mộng. Vẻ đẹp của dòng trăng khiến tôi chợt nghĩ về nàng công chúa Lý Nguyệt Sinh lộng lẫy kiêu sa. Nàng đã mê đắm cảnh sắc sông nước nơi này rồi gặp gỡ và đem lòng yêu chàng trai người làng Vọng Nguyệt Chu Đình Dự ngay lần đầu chạm mặt.

           Từ đó nàng ở lại muôn đời với dòng sông, mỗi đêm trăng nàng nằm nghe tiếng hát của những cô gái giặt lụa, tiếng sáo trai làng thổi vi vút triền đê. Có lẽ để thể hiện tình yêu với dòng sông đã bao bọc che chở đôi bờ nên bao xóm làng ven sông đã đặt cho làng mình những cái tên bình dị tình tứ gắn với dòng sông: Vọng Nguyệt, Như Nguyệt, Nguyệt Cầu, Vọng Giang…nghe thân thương biết mấy.

                         Chiều nay, tôi lại ngồi trong mái lá nhỏ đơn sơ trên triền đê nhìn màn mưa giăng mờ dòng Như Nguyệt. Con đò ướt sũng vẫn miệt mài qua lại giữa đôi bờ. Mấy chú bò vàng cắm cúi gặm cỏ trong mưa. Xóm làng ven sông vẫn thanh bình yên ả như nghìn năm trước. Giọng bà cụ hàng nước trầm trầm mỗi lần kể về huyền tích vùng đất cổ lắng lại lòng tôi bao nỗi niềm yêu.Tôi đã phải lòng Như Nguyệt nên vừa xa đã thấy nhớ thương vời vợi, dẫu nắng dẫu mưa vẫn khắc khoải tìm về. Về để ngồi thật lâu nghe dòng sông thì thầm kể chuyện ngày xưa…

Check out our other content

Most Popular Articles