Ngước lên trời cao, những vì sao như muôn ngàn đốm lửa hồng tần ngần choàng vào bờ vai người ấm áp. Ở đâu bập bùng, nơi đâu ngập ngừng, con thoi đưa đẩy những buồn vui của người Pà Thẻn nương náu những vùng yêu thương.
Tôi lại đi và đi, vùng cao cứ như một phép bùa chú nhiệm màu khiến đôi chân tôi mấy bận xoắn xuýt những cung đường Tây Bắc, những nụ cười vắng mặt, những lời yêu sâu mắt, những hoang vu còn ngày đêm dìu dặt trong hơi thở của người Pà Hưng.
Tôi đã biết bao lần hoài nghi, truyền thuyết như một sớm mai tỉnh giấc, như một chiều kia ngủ vùi, như con thú hoang tru chơ bên vạt rừng Pà Thẻn, Than Lô. Người ta vượt biển, người ta đâm rừng, người ta ngả kế sinh nhai từ nương từ rẫy. Dẫu có đến từ đâu, từ những biên ải chẳng phải con Lạc cháu Hồng thì người Pà Thẻn với tôi đã là máu thịt của vùng cao, máu thịt của núi sông bờ bờ cõi cõi.
Lặn lội vùng cao, chiêm bao những ngày ngắn tháng dài nơi Tuyên Quang, Hà Giang ngọt ngào tổ quốc. Tôi đã mấy mùa cứu chuộc, những thanh âm khung dệt thọc mạch thời gian. Những tiếng thoi đưa của người Pà Thẻn xì xoạch mà dẫn lối con người ta phiêu lưu trong từng đường tơ, trong từng bụi lửa than hồng, trong những bàn tay ấm nồng ngày đông vụng dại.
Lâu nay, phụ nữ dân tộc Pà Thẻn luôn tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Niềm vui, tự hào ấy được nhân lên khi Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống bản My Bắc (xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) được thành lập với mục đích bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Người Pà Thẻn có bộ sưu tập các mẫu hoa văn phong phú như chính cuộc đời họ, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Hoa văn hình học cơ bản như hình chữ thập, tam giác, hình vuông, hình thoi… phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, thân váy. Tôi có cảm giác như những hoa văn ấy như một thứ ẩn ức ngọt ngào còn bám víu trên những chặng đường lưu lạc, những trầm tích đầu sông ngọn nguồn của người Pà Hưng.
Cô gái trẻ Pà Thẻn nào cũng đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu. Đó là của hồi môn thiêng liêng mà bà, mẹ trao cho con gái. Ngắm nhìn những hình thù các hoa văn xuất hiện trong từng đường khâu, mũi chỉ tôi lại như thấy người Pà Thẻn ngàn xưa rừng sâu mà vòi vọi trở về.
Một ngày mãn xuân, tôi lại ngược về Tây Bắc. Lại nhớ Tây Bắc như mùa thu gấm vóc bao bọc những nẻo đường. Nghe bạn bè nói nhiều về Pà Thẻn tôi chẳng thể không chiều lòng đôi chân ham đi, ham vui. Bản văn hóa du lịch My Bắc, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang là một bản văn hóa với 100% số dân là người dân tộc Pà Thẻn.
Suốt chặng đường dài từ huyện Bắc Quang đến Quang Bình, tôi bất ngờ gặp rất nhiều những sắc đỏ rực rỡ trên các bộ trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn chen lẫn giữa màu xanh mê man của núi rừng cao nguyên. Màu đỏ của người Pà Thẻn như muôn ngàn chiếc đàn lồng dẫn dắt tôi vào những ký ức cội nguồn mơ mơ thực thực thực.
Nhìn những bộ quần áo truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn, tôi nhận thấy rất rõ màu đỏ là gam màu chủ đạo trên toàn bộ trang phục, từ quần, váy, áo, khăn, thắt lưng… Trước đây, người Pà Thẻn thường tự trồng cây lanh lấy sợi để dệt thổ cẩm và may quần áo, vài năm trở lại đây họ thường mua chỉ công nghiệp về dệt cho đỡ tốn sức, tốn công. Và liệu ngày mai, ngày kia, thêm ngày mai ngày kia nữa, những cô gái Pà Thẻn thương yêu của tôi có bỏ lại khung cửi bên những biến tấu cuộc đời.
Cầm trên tay những bộ trang phục truyền thống, ngắm nhìn những họa tiết hoa văn nhảy nhót, những sắc màu lảnh lót, khó ai có thể hình dung được những người phụ nữ Pà Thẻn đã phải mất bao đêm, bao tháng, bao ngày, bao nỗi nhớ người lạ người quen, mà dệt lên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của dân tộc mình. Pà Thẻn cứ nhịp nhàng như những con thoi vốn có, lặng lẽ đưa, lặng lẽ sang, lặng lẽ thêu dệt sắc màu.
Thời gian để dệt hoàn thiện một bộ trang phục với một người cũng phải mất hơn một tháng. Trong đó, khó làm và mất nhiều thời gian nhất là những họa tiết, hoa văn cầu kỳ. Phụ nữ Pà Thẻn ở My Bắc hầu như ai cũng biết dệt quần áo vì trước khi về nhà chồng người con gái được mẹ truyền dạy cho kỹ thuật và từng công đoạn dệt, họ phải tự tay dệt cho mình bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới. Bởi vậy mà ngày cưới với một cô gái Pà Thẻn là cả một cuộc đời.
Khi dấu chân tôi ở lại mảnh đất này, cũng là lúc mà người Pà Thẻn dệt quần áo ít dần hơn so với trước, trang phục truyền thống cũng chỉ được mặc vào những ngày lễ, ngày tết, ngày làng có đám cưới và chợ phiên… Điều đó cứ khiến lòng tôi day dứt, nhớ thương cứ ở đâu sục sạo như con lợn đói rừng …
Ở lại Pà Thẻn đêm ấy lòng tôi không khỏi rộn ràng bởi sắc màu thổ cẩm, bởi những con thoi khung dệt lấp loáng qua những khung cửa Pà Hưng, mà tôi còn bị cuốn vào không gian của vũ điệu than hồng. Păng…păng…păng, tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy cúng mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần.
Họ bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người thanh niên nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực. Khi cơ thể đã rung lên, nguồn sức mạnh đã đến dồi dào, vạm vỡ, thì đôi chân như được mách bảo, được kéo đi, trượt trên những đám than hồng.
Càng lúc thanh niên tụ tập xung quanh thầy mo càng nhiều và lần lượt thay nhau ngồi lên chiếc ghế dài. Lòng tôi cũng rùng lên, đôi tay hoan hỷ, đôi chân như muốn thoát ra khỏi cơ thể mà nhảy múa. Trong phút chốc họ lại rung lên, trong phút chốc tôi lại bay lên và nhảy vào đống lửa. Vừa nhẩy vừa đưa tay bới tung than hồng, như bới tung những con đường đi, như bới tung những nẻo đường về, thỉnh thoảng lại bốc lên một viên than cho vào miệng nhai, như nhai thứ linh thiêng nguồn cội.
Trong tiếng hò reo không ngớt, trong tiếng gõ rộn ràng nhịp nhịp của thầy mo, những sắc màu thổ cẩm như tan ra chảy vào than hồng. Và đâu đây hay là quanh đây con thoi vẫn đều đặn tháng ngày qua ô của của người Pà Hưng. Pà Thẻn những mùa thoi đưa…