(Viết cho kẻ phiêu bạt hơn 20 năm trời Âu trở về)
Thế là hắn kéo vali đi.
Cái vali chưa đầy ba mươi kí. Hai chiếc ba lô, một chiếc đeo lưng, một chiếc xách tay. Chuyến du học nước ngoài đầu tiên ở tuổi hai mươi tư. Ừ tuổi hai mươi tư đâu còn bé mà sao cái hành trang của hắn nhẹ tênh, trống trải vậy?
Chỉ đọng lại những giọt nước mắt của mẹ đè nặng tim hắn. Cha hắn còn biền biệt đâu đó từ chục năm nay. Âu cũng là một số phận con người.
Ôm mẹ vào lòng. Một ước ao rình rập bao nhiêu năm mà ngay cả trước giờ xa mẹ hắn cũng không thể làm việc đó. Và mẹ hắn nữa, sao mẹ không ôm hắn vào lòng mà cứ bịn rịn giấu hai hàng nước mắt, tay chống bức tường bung vôi trát, trơ ra những viên gạnh mốc. Bức tường cổng nhà cũng loang lổ, chắp vá như cuộc đời bà.
“Con đi đây u à!”.
Hắn lên xe.
Đến sân bay, nhìn những vali hành lý quấn chặt bằng băng keo nâu, kẻ đón, người đưa, tấp nập, nghe những tiếng sụt sịt của kẻ ở, người đi, hắn thấy cũng tủi.
Hà Nội – Bangkok – Paris. 1992.
Một chặng bay dài với ba người được nhận học bổng cùng trường năm đó. Hắn trẻ nhất nên được các đàn anh quan tâm, chăm sóc.
Phải bao năm sau, hắn mới dám lộ cái “bí mật” mà hắn khoá chặt trong trí óc: Khi nói lời chia tay với mẹ, trong đầu hắn đã ghi một câu: “Mẹ ơi, có thể con sẽ không về ngay đâu.”
Từ thời sinh viên hắn đã mong sao một ngày được bay bổng, được học, sống ở nơi xa, rất xa. Liên xô. Anh. Pháp… Đâu cũng được, miễn là được xa nhà, xa cái nơi mẹ đã đau lòng, đứt ruột sinh ra hắn, cái xóm làng quanh năm lo cày, cấy, gặt hái mà vẫn nghèo rớt mồng tơi.
Nắng hè, ve kêu cào lòng mẹ
Ầu ơ nựng bé khóc chào đời
Tháng bảy khô chờ hạt mưa rơi
Hỏi ai nỡ vắt nước trời giải hạn
Ngủ đi con mẹ ra đồng ruộng cạn
Tuốt sợi vàng chờ tả ngạn mang giông.
Paris, một sáng tháng tám 1992.
Bốn anh em đi du học loay hoay với tấm bản đồ, mắt không rời tờ giấy ghi hướng dẫn đến nơi nhận học bổng tháng đầu tiên và địa chỉ ký túc xá. Oai lắm chứ. Dân học bổng chính phủ Pháp đấy!
Kéo được hành trang du học đến khu nội trú nằm ở ngoại ô Paris thì trời cũng về chiều.
Tuần đầu, bốn người đàn ông thay phiên nhau đi chợ, nấu chung, ăn cùng. Sau giờ học, họ ghé chợ Ed – siêu thị thức ăn siêu rẻ mà chỉ có những đối tượng nghèo đến để mua rau cỏ, thực phẩm. Đôi khi nhìn những chú gà nuôi thả tự do trang trại vàng óng nhưng họ không dám “nhặt” vì giá đắt gấp ba, bốn lần chú gà công nghiệp trắng ởn như miếng thịt lợn luộc.
Nhiều tối ăn xong trời vẫn còn sáng lắm, họ rủ nhau ra đứng bám thành cây cầu vắt qua cao đường cao tốc, nhìn ô tô chạy vụn vụt phía dưới. Họ nhìn nhau, an ủi. Sinh viên mà. Paris đấy. Nước Pháp đấy. Lúc đó họ đâu biết cuộc sống sinh viên ở Paris còn cực khổ hơn thế. Thế là họ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình.
Sau một tháng học, ai cũng muốn rời ký túc xá xa và bất tiện. Mỗi người tìm cho mình một chốn ăn ngủ khác nhau.
Hắn chọn thuê một phòng riêng ở một ký túc xá trong nội thành Paris. Anh em bạn bè mắng hắn:
“Bao nhiều tiền học bổng mày nướng hết vào tiền thuê phòng, thằng này ăn chơi quá!”
Mấy anh bạn kia thuê phòng trọ hoặc ở đổi việc lấy phòng ở trong gia đình Việt kiều hay gia đình Pháp.
Gần đến kỳ thi kết thúc khoá học, một anh bạn lăn đùng ra ốm. Bệnh tâm lý.
Bạn bè đến thăm anh tại căn phòng khoảng chín mét vuông chỉ kê đủ một cái giường. Bếp nước, nhà vệ sinh bên ngoài, dùng chung với những người ở trọ khác trong căn hộ.
“Tiền đây, tiền đây, tiêu đi! Tiền là cái gì mà phải giữ?”
Anh bạn hắn cứ bãi tiền học bổng chắt chiu hàng tháng trên giường và nói lảm nhảm.
Nhìn anh, hắn để rơi hai hàng lệ. Hắn là hạng người mau nước mắt.
Ngày hôm sau, anh bạn không đến lớp. Anh phải nhập viện. Cho đến giờ hắn cũng không biết anh đổ bệnh do sức ép của học hành, bài vở hay vì sức ép vừa học kiếm tiền trời Tây để trợ cấp vợ con quê nhà.
Tốt nghiệp Học viện Hành chính ở Pháp. Hắn tìm cách ở lại nơi đất khách quê người, rồi cuối cùng hắn không tìm ra kế gì để có được một chỗ đứng dưới trời Tây.
Vé máy bay trở về đã cầm trong tay. Hắn tư lự đóng gói những hành lý của cả năm qua để gửi về quê nhà. Chẳng muốn vứt đi thứ gì: sách vở cũ, những đôi giầy mùa đông thô kệch, những chiếc áo măng tô dài đến gối, những chiếc khăn len hắn bới, chọn, mua giá rẻ từ đống đồ cũ ngoài chợ trời, chiếc đài cát xét, chiếc đầu đọc băng từ video. Đấu tranh tư tưởng mãi thì hắn cũng bỏ lại được cái tivi nặng cả chục kí.
Hắn lên máy bay về nước. Hành lý về sau bằng tàu biển.
Hà Nội 1993.
Ngày “hàng” về nước, chắc gia đình hắn háo hức lắm. Hàng của thằng đi du học ở Tây về. Nhiều người nghĩ hắn giàu phải biết. Có kẻ đùa ác độc còn nói là hắn đã mang theo cả va li tiền về.
Buồn. Tủi. Hổ thẹn. Hắn mở hết thùng này đến thùng khác, chỉ toàn sách vở và tư trang mà người đời gọi là “chổi cùn, rế rách”. Con chó chạy pin làm sao vẫn sống sau cả tháng trời lênh đênh trên biển? Hắn bật nút “ON”, con chó bông ngoáy đuôi, kêu ăng ẳng và chạy như robot. Chắc nó chạy đến khi pin kiệt sức mới dừng.
“Cái đồ này ở nhà đầy, hàng Tàu, rẻ không à!” Đúng là đồ chó chạy pin!
Hắn sống lặng lẽ. Trầm tính. Thu mình. Một thời gian sau hắn biết mọi người gọi cái “lặng” của hắn là bệnh “trầm cảm”. Có thể hắn đã sống với cái nghèo khổ từ năm này qua năm khác ở quê nhà và chưa hưởng thụ cái giầu sang của xã hội phương Tây nên hắn còn quá lạc hậu so với sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của quê nhà hơn một năm qua.
Hắn vô tình gieo thất vọng vào lòng những người thân để rồi hắn cũng lững lờ trôi cùng nỗi thất vọng của bản thân.
Hắn là kẻ du học trở về với tấm bằng to nhưng vẫn khố rách, áo ôm.
Thế rồi hắn lại mơ đi xa. Đi càng nhanh càng tốt. Càng nhanh càng tốt. Chỉ chưa đầy hai năm sau, ước mơ thành sự thật. Hắn lại chuẩn bị hành trang ra đi.
Paris. 1995.
Vẫn cái ga tàu đầu tiên của ba năm trước đón hắn trở lại. Nhưng lần này hắn có lý trí hơn, quả quyết hơn.
“Đi, và đã đến thì đừng mang bàn chân trở lại!” Hắn tự hứa với bản thân. Một cuộc đời mới. Phần tiếp theo của cuộc đời hắn kéo dài ba năm. Hoàn thành nhiệm kỳ công tác, trưởng đại diện một tổ chức tín dụng tầm cỡ quốc tế, hắn không để mất cơ hội lập nghiệp trên đất người. Hắn xin nghỉ việc và quyết định thi vào một trường đại học thương mại nổi tiếng ở Paris.
Hắn vượt qua hai trăm thí sinh để lọt vào top hai mươi theo đuổi cái tấm bằng MBA. Trường tư, phí học cao. Phải cố gắng thôi. Thu nhập của hắn là khoản học bổng của một đại sứ quán ở Hà Nội và tiền thù lao đi làm thêm, đôi khi làm chui, như rửa bát, phục vụ ở nhà hàng, kế toán cho một hiệp hội. Tiền có được hắn đổ vào học phí, thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, vé tàu điện ngầm… Đừng nói hắn có tiền dư mà gửi về quê biếu mẹ già.
Paris. 2000.
Học xong, có tấm bằng mới trong tay, hắn vẫn chỉ là kẻ nhập cư với cái thẻ cư trú sắp hết hạn. Hắn hoang mang.
Hắn xin vào làm ở một vài công ty. Vất vả lắm vì các công ty ở nước ngoài vẫn đào thải nhân viên và người thất nghiệp còn quá nhiều. Hắn dùng cây bài chót. Cây bài định mệnh: Thành lập công ty riêng.
Paris. 2015.
Thế là mười lăm mùa đông lạnh lẽo tiếp theo đã qua. Hắn đã thử sức trên nhiều lĩnh vực. Một mình cầm chèo công ty trách nhiệm hữu hạn. Buôn bán hàng thủ công mĩ nghệ nhập từ quê nhà, thiết kế đồ trang trí nội thất, quần áo, buôn bán đồ may mặc, dịch thuật, giáo viên tiếng Việt, tư vấn, hợp tác với các đài truyền hình…
Hắn bươn chải với cuộc sống nơi đất khách mà hắn tự cho là “khi ta ở chỉ là nơi đất ở”. Pháp, quê hương thứ hai của hắn. Hắn cũng không buông lơi cuộc sống yêu đương. Nếu nói về các cuộc tình hắn đã ấp ủ như gà mái mẹ, nuôi dưỡng và tan biến như tuyết gặp mùa hè thì bao kẻ chống cằm nghe để thốt lên mọi động từ, tính từ mạnh: lãng mạn, cuồng si, ngọt ngào, cay đắng, hạnh phúc, thất vọng, thăng hoa, mù quáng… Khi hắn yêu thì công việc cũng chỉ đứng hàng kế. Khi hắn yêu và tình yêu được đáp lại thì súng nổ vang trời hắn vẫn thấy hắn là người hạnh phúc nhất. Hắn làm thơ. Thơ tình.
Ta dắt em về trong ngất ngây chiều tím
Nắng ghen rượt đuổi phím đàn thu
Môi chạm hạt men, hồn say hoa cùng nụ
Ta trộm tim em giấu vũ trụ tình.
Nhiều đêm giấc ngủ không làm bạn với hắn. Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mông lung để rồi hồn hắn nhào vào một ước mơ: trở thành cây bút lãng mạn. Hắn chui ra khỏi chăn và viết. Những ngày tiếp theo hắn vẫn mải mê với cây bút, với bàn phím. Hắn đổ hồn vào thơ, vào văn, vào những cảm xúc không bờ bến. Có khi đang làm việc hắn cũng lôi cuốn sổ tay bé tí xíu, ghi ghi, chép chép cái ý tưởng vừa vụt qua trong óc. Bắt, tóm, gói chúng vào một mẩu giấy để rồi một đêm mất ngủ hắn lại lôi chúng ra giày vò, xoay tứ phía, cắt gọt thành một câu chuyện để kể cho mạng xã hội.
Ngồi trên tàu điện ngầm buổi sáng đi làm hay buổi đêm trở về căn hộ thuê, mắt hắn đảo ngang, ngược nhìn cuộc đời xung quanh, lúc nhắm tịt và mơ về một nơi chỉ có dòng sông chảy, chỉ có những đàn cá tung tăng dưới chân đàn vịt trời. Một dòng sông ôm trọn bóng lâu đài tình ái.
Mơ ước của hắn được trả giá. Cuốn sách đầu tay ra đời. Hắn háo hức giới thiệu khắp nơi. Hội sách, thảo luận đài, báo, tivi. Cho, biếu, tặng, cứ như ai biết đọc là sẽ được hắn tặng sách. Sách của hắn cũng ngồi oai phong trên kệ của một số nhà sách lớn trong và ngoài nước.
Hắn đảo qua các nhà sách nếu thấy cả đống sách vẫn nằm đó thì hắn có cảm giác như một kẻ hành khất không nhà, ngồi khép mình bên một góc phố lớn chờ lữ khách quẳng vài đồng xu vào bát, hắn tưởng tượng cuốn sách đầu tay của hắn chẳng khác gì một tờ báo cho không bị hành khách quẳng lại trên ghế chờ của ga tàu điện ngầm khi tàu vào ga.
Có ai tránh được cái vòng quay cuộc đời? Hắn cứ bám việc qua ngày. Dừng làm việc có nghĩa là chết. Thế mà hắn vẫn khẳng định hết yêu mới là chết. Có những năm hắn chẳng có một mảnh tình nào đậm đà vậy mà hắn vẫn sống. Giờ cứ thách hắn nghỉ một năm không làm việc, kiếm tiền thì chắc đời sẽ loại thải hắn.
Thế là cái lý do cần vật chất để tồn tại vẫn thắng. Hắn phải bám trụ với công việc. Cuối ngày hắn lại lầm lũi, đơn côi lê bước qua các cây cầu để trở về với bốn bước tường vắng.
Đêm
Mệt nhoài
Uể oải
Những toa tầu
Chìm sâu hồn mưa bụi
Đêm
Oằn mình
Lầm lũi
Nhận một chuyến tầu vơi
vào bến hậu
Ngày dài trôi đâu
Cọng buồn tím tái
Mắc kẹt trong bánh lái
Nhức nhối
Nối vào tiếng xe phanh
Cuộc đời mong manh
Lần theo vết
Bánh xe
Thôi lăn
Vắng lặng
Một nhà ga
Chờ một đông qua
Bước chân đêm nhạt nhòa
Tìm về xóm quạ.
Đất khách, quê hắn. 2015.
Ngoảnh lại nhìn những chặng đường hắn qua, hắn thấy đời gai góc. Bốn tấm bằng tốt nghiệp và hơn hai mươi năm trời trôi dạt trên bao quốc gia, giờ hắn chỉ có hai bàn tay trắng. Hắn muốn về quê hương. Tưởng như hắn đã chấp nhận những cái nhìn xoi mói, khinh bỉ của thế giới xung quanh. Thế cũng là kiếp đi Tây. Làm lại từ đầu? Trên đời có ai nói bắt đầu cuộc đời ở tuổi bốn bẩy? Dằn lòng để tìm cho một lý do chính đáng tự an ủi, động viên: hắn sẽ không làm lại từ đầu mà hắn sẽ bắt đầu một giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Hắn sẽ phải cố gắng và không cho phép mình lùi bước. Hắn nhớ mẹ già. Nhớ đồng quê.
Ta mong là cơn mưa
Mẹ muốn trời xanh thắm
Ta xin là vực thẳm
Mẹ cầu đỉnh núi cao
Mẹ mơ những vì sao
Ta mải bờ cát trắng
Khô hanh mẹ – hạ đắng
Ta vùi hồn tuyết đông
Cồn cào con sóng mộng
Lệ nhòa cõi hư không.
Khi đôi chân con người mệt mỏi, không biết cất bước về đâu thì chỉ còn một cõi đi về: Quê hương.
Còn chăng cái bóng mẹ già thấp thoáng bên bức tường vôi loang lổ, rêu phong để mở rộng vòng tay ôm hắn vào lòng?
Chắc lúc đó hắn chỉ biết van lơn: “Mẹ ơi, mở cửa, con về!”
Hồn ai như dải cát trắng. Sóng nào như lòng mẹ vỗ về triền miên, cồn cào, không mỏi mệt. Nước mắt mẹ mặn như biển sâu, gột rửa từng hạt cát cuộc đời.
Nắng. Gió. Cháy bỏng. Bóng dáng con thuyền lập lờ, nhấp nhô trên các ngọn sóng xa bờ.
Kẻ chèo thuyền có biết thuyền đang ra khơi hay vào bến?