Cuối thu mặt nước mềm như lụa, cây điền thanh thiu ngủ ở góc ao cuối vườn. Đâu đây thoảng nhẹ hương ngọc lan, ngọt dịu hoa móng rồng.
Nắng đã phai trên nhành hoa lựu. Lửa lựu không còn lập lòe như đầu hạ nữa. Trên giàn hoa mướp thảng một vài con chuồn chuồn cõng nắng qua mặt ao sen. Một vài nụ sen trắng gầy cuối mùa còn sót lại lặng lẽ tỏa hương thanh khiết.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Cầu Đông quê bà nội tôi. Ngôi nhà tổ trầm tư trong cây lá, rêu phong và chứng tích thời gian làm tôi ứa nước mắt, hoành phi câu đối vẫn ngời nét vàng son mà những người muôn năm cũ đã rời xa tôi.
Đây là chỗ cụ nội tôi ngồi dạy học, cụ đồ nho của lớp môn sinh cuối cùng triều nhà Nguyễn. Án thư, nghiên mực như vẫn còn soi bóng thời gian. Nhớ ngày còn bé theo bà vào ăn giỗ, tôi thường lân la sang thư phòng của cụ, mân mê chiếc ống quyển trên tay, bà nhắc tôi tránh xa, lấm tay không được động vào sách thánh hiền. Cụ tôi lại mỉm cười độ lượng “ Kệ con cún ! Sau này nó cũng theo nghiệp bút nghiên đây”.
Và lời tiên đoán của người quả không sai. Tôi cứ miên man trong hồi tưởng chợt giật mình khi người bác họ trông coi từ đường gọi bà tôi là cô ruột đặt vào tay tôi ba nén nhang thơm: “ Thắp hương vái các cụ đi con! Lâu lắm rồi con mới về quê bà nội con nhỉ? Ôi chao! Con lớn quá rồi! Nếu con không xưng tên bác chẳng nhận ra”. Tôi thành kính ngước nhìn lên trên bàn thờ tổ, cây đàn đáy vẫn nghiêm cẩn treo trên giá lâu lắm rồi không cất lên tiếng ti tiếng trúc.
Nội tôi thường kể rằng cụ tôi còn là một người cầm trống chầu cự phách, là người chơi đàn đáy nổi tiếng cả một vùng. Những đêm thu thanh vắng cụ dạo tiếng đàn cất tiếng ca than “ Thủa trời đất nổi cơn gió bụi … Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên ”. Người yêu Chinh phụ ngâm khúc và thường dạy con gái thuộc thơ Đoàn Thị Điểm. Nhưng cụ nghiêm lắm không cho cô gái út bén nghiệp cầm ca.
Kỷ niệm xưa ập òa trong tôi khi cầm chiếc túi thơm bằng gấm ngọc lục trên tay. Mùi hương long não vẫn còn ngan ngát. Nước thời gian không làm cho màu gấm phai màu. Túi gấm thêu hoa phù dung thoảng nhẹ như chiêm bao, ùa dậy trong lòng tôi bao thương nhớ. Chiếc túi gấm bọc vòng ngọc gia bảo mà bà nội đã làm quà cho tôi ngay từ lúc mới được sinh ra. Mẹ tôi còn nhắc mãi lời dặn dò của bà nội cho tôi nghe: “Sau này dù khó khăn đến đâu cũng không được bán chiếc vòng đó, hãy giữ gìn thật cẩn thận thì nó sẽ đem theo may mắn cho mình”.
Tôi giữ chiếc vòng như báu vật. Màu ngọc xanh Phỉ Thúy óng ánh mát lạnh trên tay, câu nói của bà nội tôi như vẫn còn hiện lên trong tôi: “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Thế mà có bận gia đình tôi gần như khánh kiệt vì lỡ tin theo một kẻ làm ăn chung. Nhà chẳng còn gì để vượt qua cơn bĩ cực. Chẳng lẽ nhìn lũ con chết đói. Mẹ đành bấm bụng đợi trời tối hẳn mới sang làng bên cầm chiếc vòng ngọc.
Ơn giời người cầm đồ lại là người nhân đức. Nhìn mẹ tôi khóc khi giao chiếc vòng, ông ngắm chiếc vòng đang tỏa sáng trong đêm tối và nói : “Đây là ngọc Phỉ Thúy của thượng phủ. Qua bao tao loạn mà vẫn sáng đẹp thế này. Cháu có nhìn thấy ánh xanh như linh khí của trời đất hội tụ hay không? Ngọc này thường ban cho văn nhân hay chữ. Đây chính là đồ gia bảo nhà cháu ông chẳng dám nhận đâu… Cố mà giữ lấy bởi ngọc thường đi tìm chủ. Đây ông cho vay dăm thùng thóc, cố gắng ăn dè bao giờ có lúa mới nhớ trả ông. Ông cũng là người cầu Đông học trò của ông ngoại cháu”.
Mẹ tôi rưng rưng cảm tạ tấm lòng của cụ chủ cầm đồ. Thế là chiếc vòng ngọc được giữ lại cho tôi. Những đêm trăng mùa đông rợn lạnh, gió vi vút trên đám chuối sau hồi, cây cau già đứng trầm tư xào xạc trong gió đông, tôi đang ngủ say bỗng chợt bừng tỉnh, nhìn thấy bóng bà in trên vách, người cầm chiếc túi gấm với ánh mắt xa xăm vô định tận phương trời nào. Bà khêu to ngọn nến bỏ một nhúm trầm vào lư hương mắt cua. Lư trầm nghi ngút khói càng khiến bà xa vắng hơn.
Bà nội tôi là con gái cụ đồ hay chữ nhất Cầu Đông. Cụ chỉ có một người con gái nên cưng như trứng mỏng, ngoài tầm tang canh cửi cụ đồ vẫn cho con gái học chữ thánh hiền như các con trai. Những đọt dâu non ngoài bãi từng ngơ ngẩn mỗi khi con gái cụ đồ đọc ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”… “Lòng trẻ còn như cây lụa trăng” đã bao lần con gái cụ đồ mơ ước được nên duyên cầm sắt với anh Khóa hay chữ cuối làng. Nhưng người trai hay chữ ấy vài lần thi không đỗ đã phẫn trí tha hương không trở lại.
Duyên phận phải chiều bà về làm vợ ông nội tôi. Nhưng nếp nho gia vẫn không bỏ bà, tôi lớn lên đã thấy bà buồn hoang vắng tự khi nào? Bên gánh hàng xén, nội tôi tảo tần gồng gánh việc nhà chồng. Những đêm hoa quỳnh tôi thường được bà dắt tới xem hoa nở. Tôi lớn lên theo những đêm quỳnh. Tôi thuộc những câu Đường Thi bà đọc trong đêm hoa… Nước thời gian không phai màu gấm phủ giờ rưng rưng trên tay tôi…Nửa đêm túi gấm phơi màu nhớ.