Thu. Mùa thu năm nay về cùng với những đợt gió nối nhau, hun hút. Nhà tôi ở một nơi khá cao nên hứng trọn tất cả. Cây ổi, cây sầu riêng, khóm hoa hồng hay vạt hoa cánh bướm tôi trồng đều phải oằn mình lên chống đỡ với những cái lá, cánh hoa bay tan tác khắp vườn.
Ngôi nhà trở nên hoang hoải, im lìm hơn, màu sơn cũ, mái ngói rêu phong càng tô đậm thêm cảm giác cam chịu trước từng trận gió đập chan chát, rít lên đầy thách thức, ngang ngược.

           Lũ chim đã quên mất thói quen hót vào mỗi sáng, gia đình sóc lâu rồi cũng chẳng còn chạn chọe đuổi nhau lóc chóc trên mái, còn tôi thảng hoặc giật mình vào mỗi đêm với những bất an, lo lắng.

                        Thường vào những ngày sống với sự gặm nhấm nỗi hoang mang như thế này, tôi hay nhớ về quá khứ, về những người đã đi qua cuộc đời và để lại trong tôi những dấu ấn đậm sâu. Trong quãng kí ức ngập tràn thương nhớ ấy, luôn hiện lên hai hình bóng thân thuộc đó là thầy cô dạy văn tôi hồi cấp ba.

Những năm tháng học trò của tôi, thật may mắn vì được gặp gỡ, được thầy cô dạy bảo, truyền tình yêu văn chương mà trở nên sống động và sâu sắc hơn nhiều. Tôi nhớ cách đây nhiều năm, tôi đã từng viết cho thầy cô những dòng thư nặng trĩu nỗi niềm:
“Một chiều mưa dầm, ngồi bất động nhìn ra cửa sổ, em vô thức mở cuốn sách cũ và bất chợt bắt gặp bài thơ cũ:

“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì….”

                         Lật từng trang, từng trang như lần giở về những ngày em được ngồi trên lớp nghe thầy và cô giảng bài. Dòng sông của hoài niệm cứ “trôi đi một dòng lấp lánh”, âm thầm chảy, ngỡ đã quên giờ đây lại dậy sóng ầm ào. Ai bảo ngày xưa vô tư, không biết tận dụng từng giờ khắc, không biết trân quý những lời thầy cô đã rút gan ruột của mình, chắt chiu từ những khốn khó, khổ đau, hạnh phúc… truyền lại cho học trò để bây giờ ngồi tiếc: giá như được quay ngược thời gian.

           Hoàng Cầm viết bài thơ từ những tiếng nói trong vô thức vọng về. Cái cảm giác “xót xa như rụng bàn tay”, nỗi đau về tinh thần đã được cụ thể hóa và so sánh với nỗi đau mất đi một phần thân thể khi quê hương đổ máu, khi ruộng khô, khi nhà cháy, khi mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa đôi ngả, khi đám cưới chuột tan tác về đâu… như truyền vào từng lời, từng lời của thầy cô.

Em không nhớ rõ cảm giác của ngày xưa thế nào nhưng bây giờ hồi tưởng lại thấy mắt mình rơm rớm. Những điều xuất phát từ tâm, từ cõi sâu kín của lòng người sẽ đến được với trái tim và tác động đến tận cùng những day dứt của hồn người một cách tự nhiên, sẽ ở lại đó như một niềm ám ảnh, dù lúc ấy em chỉ là một đứa trẻ tuy suy nghĩ có già dặn hơn những bạn cùng lứa nhưng vẫn chưa kịp trưởng thành.

                         Em nhớ một buổi chiều sau giờ dạy trong cái nhá nhem của trời đất, cô đã nói với em về cách cảm nhận cuộc sống, về việc hãy nhìn và thấy những vẻ đẹp vẫn luôn tồn tại xung quanh nhưng nhiều lúc chúng ta vô tình bỏ qua. E nhớ thói quen uống cà phê và dáng ngồi trầm ngâm của thầy mà em vô tình trông thấy vào một ngày nhiều nắng…

Em nhớ mái tóc dài của cô, dáng cao lớn của thầy. Nhớ giọng cô ngọt ngào, dịu dàng nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Nhớ nét chữ đẹp và những bài thơ thầy viết về mảnh đất Quảng Nam “chưa mưa đã thấm…” mà đến tận hè năm nay em mới có thể về thăm…

“Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng”

                          Có lẽ đó là hai câu thơ em nhớ nhất, ấn tượng nhất sau cái dáng nằm nghiêng nghiêng đầy bình thản, thật dịu dàng nữ tính của dòng sông Đuống. Nụ cười của những người con gái đất Kinh Bắc xua đi những khổ đau, tang tóc, nụ cười như ánh nắng ấm áp, nhẹ nhõm của mùa thu hong khô những giọt nước mắt của con người . Trong kí ức của em, hai câu thơ ấy đã được thầy cô giảng và bình rất hay để rồi tất cả ngưng đọng lại ở hình ảnh cuối – cũng là một nụ cười “Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”. Cái rộn ràng, tỏa rạng của mùa thu đã trở thành phút giây mê đắm. Tất cả đều khiến thời gian ngừng trôi và đều gắn với ánh sáng. Và với em, thầy cô cũng là ánh sáng.

Và ánh sáng luôn là điều mà người ta hướng tới phải không ạ?Nếu có thể quay lại, em sẽ làm được nhiều hơn từ những gì đã được nhận từ thầy cô. Cái thời ngây ngô tuy biết ơn từ trong sâu thẳm nhưng lại chưa biết mình cần và phải làm gì để thể hiện điều đó. Vụng dại, non nớt khiến thầy cô buồn, những bài văn hời hợt, nông cạn khiến ánh mắt thầy cô thoáng niềm thất vọng. Những tự ti, nản lòng khiến sức ỳ của bản thân tăng lên.

           Em cứ nghĩ thầy cô sẽ mãi ở đó và em có thể đến thăm thầy cô bất cứ lúc nào. Nhưng cuộc sống nào có như mình nghĩ. Ngày gia đình thầy cô chuyển đi, em thật sự đã khóc. Khóc vì phải xa, khóc vì tiếc nuối, khóc vì hụt hẫng, khóc vì ân hận… Lúc ấy em đã tự hứa với mình nhất định sẽ về thăm thầy cô và bây giờ em đã thực hiện được lời hứa ấy. Cứ mỗi lần đi qua ngôi nhà, nơi có cô, có thầy, có bé Na, bé Mi đã từng ở, nơi em đã từng được đọc những cuốn sách quý, nơi em đã từng được nghe những bài giảng hay…em lại bất giác nhìn vào. Đó trở thành một thói quen. Mỗi lần như thế kí ức lại hiện về – vẹn nguyên, thật gần nhưng cũng thật xa…

Em thấy mình may mắn. Nếu không gặp thầy cô, ngọn lửa được thắp lên từ tình yêu văn chương trong em có lẽ đã tắt hoặc chỉ còn le lói, chẳng đủ sức để em sống với nó đến tận bây giờ.

           Nghĩ về thầy cô, trong em luôn hiện hữu hai từ “xin lỗi” và “cảm ơn”. Em xin lỗi vì ngày xưa đã thất bại, đã không cố gắng đến cùng, đã làm thầy cô buồn, đặc biệt là thầy – người đã dạy em trọn vẹn ba năm cấp III. Em xin lỗi vì đã không biết hết mình trân trọng những gì thầy và cô truyền dạy bằng tất cả nhiệt thành trong những năm tháng ấy….

                         Và tự đáy lòng mình, em muốn nói với thầy cô lời cảm ơn. Cảm ơn những yêu thương đã cho em ấm lòng, cảm ơn những tận tình dìu dắt đã giúp em vững vàng và trưởng thành lên qua những năm tháng của cuộc đời, cảm ơn những lời động viên đúng lúc để em có thêm niềm tin, cảm ơn những niềm tin đã tiếp thêm cho em sức mạnh vượt qua mọi khó khăn…
Ngày hôm nay, em ngồi đây viết những dòng này gửi tới thầy cô như một lời tri ân chân thành của người học trò luôn hướng về thầy cô với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc.

Kính chúc Thầy Cô – những người đã, đang và sẽ cống hiến công và sức mình cho sự nghiệp trồng người thật nhiều sức khỏe, luôn sống những ngày thật ý nghĩa và ngập tràn hạnh phúc, yêu thương trong từng giây phút!”

           Mùa thu về, kỷ niệm theo về và bức thư cũng trở về đầy day dứt. Tôi đã không thể về thăm thầy cô vào hè này như lời hẹn vì dịch bệnh. Tôi tự trách mình vì khi cô gặp nỗi đau và mất mát quá lớn tôi không thể ở bên cạnh cô, khóc cùng cô và ôm cô một cái ôm thật lâu, thật chặt.

Nhưng tôi tin, thầy của tôi, các em của tôi sẽ luôn ở bên cạnh cô, là chỗ dựa vững chắc cho cô vượt qua những tháng ngày đầy giông bão. Và hơn hết, tôi biết cô của tôi là một người phụ nữ can đảm, giàu nghị lực, thông minh và thấu suốt mọi lẽ ở đời. Vậy nên, cô sẽ vượt qua được biến cố bằng sự dũng cảm, tình yêu thương và bằng ngọn lửa đã được thắp lên và luôn tỏa sáng trong trái tim của mình.

                         Nỗi niềm của mùa thu dù có nói bao nhiêu vẫn là chưa hết và chưa đủ. Xin gửi về miền đất Quảng một cái ôm thật chặt từ xa nhé, thầy cô ơi! Thời gian trôi qua nhưng lòng người luôn ở lại, những trân quý và yêu thương của người trò nhỏ nguyện một đời khắc ghi!