T

hì nó đang là cuối mùa khô, cái mùa mà nắng như là thừa thãi nhưng lại cũng rất chi chút khi cứ phải tõe mình ra giữa những cơn gió, những cơn gió như đám ngựa hoang tràn trên thảo nguyên, mà phóng, mà phi, mà dập dênh khiến những đám dã quỳ sin sít nhau như thế cứ ràm rạp mà ngã, mà đổ xiêu, nhưng nhờ thế mà nó lại có cái dáng rất đặc trưng của cái xứ mà mỗi khắc cuối năm lại khiến ta day dứt…

Vốn dĩ dân Tây Nguyên bản địa không nhiều như bây giờ. Thuở ấy đất với trời gần như nhập một. Ở giữa, cái khe hẹp ấy, cái khoảng trập trùng chênh vênh ấy, là cái màu đỏ bất tử của bazan và màu vàng lắt lay của dã quỳ. Những người Tây Nguyên ẩn hiện giữa cái màu vàng và đỏ phối sắc tự nhiên ấy. Họ thênh thênh trên thảo nguyên, họ tự tin và bất tử trên Tây Nguyên cho tới bây giờ.

Bây giờ, mùa quỳ tàn. Bây giờ, nói tới Tây nguyên là người ta nhắc tới dã quỳ, như một đặc sản Tây Nguyên, trong khi thực ra, nó có ở nhiều nơi, kể cả… Hà Nội. Thì mấy năm nay dân Hà Nội chả đua nhau đi ngắm dã quỳ ở Ba Vì đấy thôi. Và té ra, quỳ tàn có vẻ đẹp của nó.

Lúc viên mãn, dã quỳ biến tất cả những gì dưới chân nó, xung quanh nó thành một thảm vàng rực, hùng vĩ và rợn ngợp. Con người lạc vào một thế giới vàng mê mải, ngất ngây, thế giới của an nhiên của lan tỏa, của tan chảy và ngưng tụ, thế giới hòa sắc và hòa tan, con người vừa nhỏ bé vừa tự tin, vừa phong thái quốc vương vừa thân phận nô tì…

Nhưng, té ra không chỉ thế. Khi tàn, dã quỳ cũng dâng hiến cho con người những vẻ đẹp kỳ lạ, những cảm xúc thánh thiện, đến vô ngã, đến như là không tưởng, trong veo. Nó không tròn đầy mà hao khuyết, nó không tưng bừng mà rưng rưng, nó không thăng hoa mà ngậm ngùi, nó là một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp xao xuyến và tiếc nuối.

Và nó cũng gây xúc động cho con người. Nghĩ cho cùng, bất cứ điều gì mà tạo cho con người sự xúc động, sự thánh thiện, hướng con người tới triết lý nhân văn, tới những hành vi mỹ cảm… thì đều là cái đẹp.

Và té ra dã quỳ cuối mùa cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Những khẳng khiu khô đét nhưng vẫn vươn lên trời như một minh chứng cho sự bất tử của dã quỳ, những tương phản giữa nắng tươi mỡ màng và màu đen của xác hoa, của quả, những tạo hình kỳ dị như dệt như đan thành những vệt kỷ hà giữa trời xanh nắng vàng và gió khiến con người phải ngác ngơ tự hỏi, lẽ nào cho đến phút cuối của cuộc đời, dã quỳ vẫn còn muốn gửi gì đó vào trời xanh, vào thiên nhiên những khát vọng vươn tới và cả khát khao về sự tự do bất diệt của mình.

Và, lá bắt đầu xanh. Khi hoa bắt đầu khô thì lá lại mướt. Một vòng dã quỳ như thế, mãi mãi là như thế, để nó trở thành một biểu trưng sống mãi của thượng đế gửi xuống cuộc đời này, nhắn con người cái ý chí không bao giờ khuất phục, cái cách biết tự nuôi mình, dưỡng mình để mãi non tơ trong khắc nghiệt, mãi mãi biết tự tái tạo để luôn luôn những vòng đời hữu ích khi nó phô bày cái đẹp bất vụ lợi trong sự ngạc nhiên đến bình thản của con người…

Người Tây Nguyên bản địa không ăn tết truyền thống như người Kinh. Họ có hệ thống lễ tết riêng của họ. Đơn giản vì họ theo hệ văn minh nương rẫy, còn người Kinh hệ văn minh lúa nước. Cùng làm nông nghiệp nhưng lúa nước và lúa rẫy khác nhau hoàn toàn. Và văn hóa của con người cũng theo đấy mà hình thành, đời này qua đời khác, rồi thành quy luật, thành truyền thống.

Mùa này, người Tây Nguyên mới bắt đầu chớm vào mùa của các lễ. Khoảng tháng 3 mới là đỉnh mùa lễ. Lúc này mùa khô nhưng vẫn còn hơi hướng của những trận mưa vớt cuối mùa. Đất chưa khô lắm, rừng chưa cằn lắm, những chồi non vẫn kịp quẫy lên những sắc vàng non, đồng cỏ đương độ xanh, và đêm vẫn nghe rõ những mầm cỏ tí tách. Sương treo từng tinh khôi dưới lá, và cái lạnh mùa khô bắt đầu len vào da thịt, vào hơi thở nhẹ bâng như khói của các cô gái Tây Nguyên mà cái đám người Kinh nông nổi hay gọi sơn nữ.

Thì già làng đang ngồi ngậm cần rượu phác việc làng. Tháng ning nơng của người Tây Nguyên bắt đầu như thế. Mùa chơi, mùa quên, mùa say và là mùa tình. Tình từ con người tới con nai con hoẵng con công con phượng con rùa con rắn mối trong rừng. Tất cả bừng men tình ái, bừng sức sống, bừng cái rạo rực thẳm sâu phải nén, phải lèn, phải dồn lại từ những tháng những ngày mùa mưa trước đấy. Mùa này đến đá cũng hổn hển, đến núi cũng nôn nao, đến gỗ mục cũng bật dậy lên chồi, và những hạt sương cũng biết khiêu vũ dưới ánh trăng huyền hoặc kia.

Huống gì người. Bao nhiêu năm ở Tây Nguyên chúng tôi cũng thường chọn những ngày tháng này để xuống làng. Cứ tới làng thì anh là khách quý. Khách của cả làng chứ chả của riêng nhà ai. Ngủ thì lên nhà rông. Cái nhà rông có rất nhiều chức năng, từ chức năng tâm linh tới vật chất, chứng năng hùng mạnh tới làm duyên. Lên đấy ngủ, khuya sẽ đọc được rất nhiều mảnh đời, nhiều số phận… bởi nó là nơi thanh niên chưa vợ, góa vợ đêm đêm lên ngủ. Mỗi người một thế giới, cứ nằm im mà nghe. Người ngủ ngon ngáy pho pho, người trằn trọc thởi dài. Người bó gối ngắm trăng, người lấy đàn Goong, K’ní ra chơi… cứ thế, đêm nhưng lại không đêm, nó là sự huyền diệu, sự bất tử.

Mà đang là mùa lễ kia mà. Nhà rông là trung tâm của làng, trung tâm của lễ. Mà lại đương trăng, cái cây nêu cứ chập chờn trong trăng. Rượu ghè xếp thành dãy, thịt vun đống trên lá chuối. Người ăn cứ ăn, uống cứ uống, ngủ cứ ngủ, nói chuyện cứ nói chuyện. Cứ nhìn những đầu mày cuối mắt của bọn thanh niên thì biết, chúng đang “đong” nhau, là thuật ngữ mới bây giờ nói thế, chứ tình yêu nào mà chả ngập ngừng, run rẩy, chả mơ hồ sợ hãi nhưng lại cũng đầy quyết tâm bạo liệt.

Tất nhiên là chiêng nữa, thổn thức lắm, da diết lắm, vang xa lắm, cuồng chân cuồng cẳng lắm. Lại còn lửa, cái đống lửa như muốn đốt cháy cả lồng ngực. Cứ chập chờn, cứ rừng rực, cứ thiêu cứ bỏng, cứ khiến đôi mắt đã lung linh càng lung linh, ngực phập phồng càng phập phồng, chân đã ríu lại càng càng ríu, vòng xoang cứ nhập lại rồi bung ra như sóng. Thì nhao ra thôi, thì díu lại thôi, thì tan thì hòa thôi…

Đầu làng, cây pơ lang lập lòe, cũng như muốn cháy, mà thực sự thì, nó cũng đang cháy. Cháy như lần cuối cùng được cháy. Mà thật, mai thì những bông hoa đỏ như mặt trời kia nó sẽ rơi xuống, sẽ như những đốm than rắc trên cỏ, trên cái lối nhỏ vừa bàn chân đầu làng. Nơi ấy, có những cặp đôi cũng đang dẫn nhau xuống suối. Họ đi gùi nước về thôi, để đổ vào rượu cần, còn tại sao họ đi lâu, tại sao họ lại đi với nhau, chỉ họ và… Yàng biết. Ning nơng mà, biết khi nào xong, biết sao được những câu chuyện chỉ trái tim mới biết… Cứ ăn tết cổ truyền của người Kinh xong thì tới tháng Ning nơng của người Tây Nguyên, bao giờ cũng thế… Tất nhiên năm nay, vui gì thì vui vẫn không quên 5K, và chắc chắn không thể đông như mọi năm. Thì cũng như người Kinh ăn tết vậy, lấy an toàn là trên hết.