T iếng cọt kẹt thuở nào vẫn trở đi trở lại trong những giấc mơ tôi. Thứ âm thanh quen thuộc của ngày thơ ấu mà tôi từng thắc thỏm mong ngóng khi những vòng xe của mẹ đi đâu đó trở về. Mỗi lúc ấy, tôi hân hoan chạy ùa ra, tay bám vào phía sau xe và đòi mẹ cho ngồi lên yên tới khi vào tận đầu sân mới chịu xuống. Tôi yêu chiếc xe đạp ấy như tình yêu tôi dành cho mẹ, chiếc xe đạp tận tụy thân thương đã luôn bên mẹ đi khắp những ngả đường có đủ nỗi buồn vui theo nhọc nhằn năm tháng.
Chiếc xe được mẹ mua lại từ một người ở làng khác rồi gắn bó bên mẹ như một vật bất ly thân. Khi trời tờ mờ sớm chưa rõ mặt người, khi anh em tôi còn lăn lóc trên giường ngủ, mẹ đã đạp xe để kịp tới những phiên chợ và mua bán mọi thứ hàng. Buổi nào mẹ trở về khi nắng còn đang thoai thoải bên hông vườn là hôm bán mua suôn sẻ, tiếng cọt kẹt từ lưng chừng cổng cũng nhẹ tênh và vui tai biết mấy. Chiếc thúng sau xe mẹ có thật nhiều thứ: Mấy lạng thịt hay con cá tươi, khi là quả bóng nhựa và con búp bê mới cho anh em tôi. Cả chiếc làn nhựa treo ở đầu tay lái phía trước có thêm túi bỏng ngô rất bùi hay miếng đường phên ngọt lịm rồi những viên kẹo giòn tan. Mẹ vừa múc gáo nước rửa mặt mũi chân tay cho tỉnh táo vừa nhìn anh em tôi ríu rít chia nhau quà mà mệt nhọc như vãn hẳn. Những hôm chợ ế cũng là những hôm nắng đứng bóng trên đỉnh ngọn cây, nắng ngổn ngang đầy ngõ, tiếng xe đạp cọt kẹt, đằng đẵng mà nặng nề, mẹ đèo hàng về để mai bán nốt. Nét mặt mẹ thoáng buồn đôi chút nhưng dường như đã quen bởi chợ búa có ngày nọ ngày kia, mẹ vẫn thường bảo như thế. Anh em tôi chẳng thể giấu được nỗi chưng hửng nhưng cũng biết bảo nhau không vòi vĩnh bánh quà.
Những phiên chợ gần, chợ xa với những con đường dải nhựa tít tắp rồi đường đất, đường đá gồ ghề đều có đủ. Thương lắm những khi trời mưa gió bất chợt, tôi ngồi sâu trong hiên nhà hay ngồi trong cửa bếp nhìn ra ngoài ngõ mà mong ngóng mẹ. Tôi lo mẹ bị dầm mưa ướt người, lo xe đạp của mẹ ngang đường bị hỏng, lo đường trơn trượt làm mẹ ngã. Chỉ tới khi nghe thấy tiếng xe cọt kẹt, thấy dáng mẹ lụp xụp đằng xa với chiếc nón và manh vải mưa vuông, tôi mới vỡ oà, quên đi nỗi lo đang canh cánh.
Những buổi chiều, tôi hay theo mẹ ra vườn cắt đám dây khoai lang xanh um mỡ màng trên những khoảng đất thịt, ngày ấy ở làng tôi nhiều nhà nuôi lợn nên họ mua rau lang để băm nấu. Dù bị muỗi đốt đỏ khắp hai chân, tôi vẫn loanh quanh bên mẹ chẳng rời và phụ mẹ mang từng bó rau lang về nhà để xếp gọn gàng vào một chỗ. Mẹ chằng dây chun qua đống rau lang cao ngất ngưởng, tôi theo mẹ ra chân con dốc làng và đẩy xe cho mẹ lên tới đỉnh dốc. Nhựa rau lang ứa ra từ những vết cắt, mồ hôi mẹ nhỏ giọt bết cả những sợi tóc mai. Nhìn từ phía sau, mẹ lọt thỏm trong những mớ rau. Nhìn từ phía sau, mẹ hun hút dần vào chiều tà.
Mẹ kể có lần tay lái xe lảo đảo xiêu vẹo rồi đổ kềnh càng ra vệ đường, dóng chân bị va vào đá bị tím đen tím đỏ, chiếc lồng xe méo cả đi, có những khi dây chun phía sau bị tuột ra lõng thõng rồi quấn xiết vào trục xe bao nhiêu vòng phải gỡ mãi. Đôi gấu quần của mẹ bị xích xe cọ vào lâu ngày thành những vết sờn rồi thủng lỗ chỗ nham nhở, lại bị những vết luyn từ xích xe bám chặt, chà giặt mãi mà chẳng thể nào hết. Nhưng nhờ có chiếc xe đạp ấy mà mẹ ngược xuôi buôn bán muôn nơi để có tiền lo cho gia đình, lo cho những đứa con bé bỏng. Chiếc xe đạp duy nhất trên đời có vẻ đẹp và ý nghĩa thật đặc biệt với tôi.
Tôi nhớ ngày mẹ đưa tôi ra đầu làng để bắt xe ô tô đi nhập học ở tỉnh xa. Chiếc túi du lịch đựng quần áo và bao thứ đồ cứ bật lên bật xuống sau yên xe đạp. Tôi lớn quá rồi, chẳng thể nào ngồi trên yên xe để mẹ dắt nữa nhưng tôi vẫn thích bám tay vào yên xe phía sau và lảnh lót chuyện trò. Mẹ đi băng băng trên con đường làng và dặn dò con gái đủ thứ cho tới khi tôi lên xe. Mẹ trở về chăm chút cho vườn rau lang, chăm cho đôi lợn, vẫn tảo tần những phiên chợ và làm thêm bất cứ việc gì để dành dụm thành tấm món gửi cho con gái ăn học. Tôi xa nhà, xa những ngày thơ thẩn ngồi gỡ cỏ may nơi ngã ba làng vì chờ mẹ, xa những ngày bồn chồn nơi cổng ngõ mà đợi tiếng xe cọt kẹt trở về. Tôi nhớ mẹ tôi!
Thời gian đã dần lấy đi màu đen trên mái tóc của mẹ như thể màu sơn trên chiếc xe đạp cũng bị bạc tới độ chẳng còn nhận ra màu. Mẹ tôi vẫn làm lụng chẳng ngơi tay, cái hay lam hay làm của người phụ nữ ở nông thôn muôn đời vẫn thế, đẹp trong lam lũ, bền bỉ và khiêm nhường. Đôi mắt mẹ trũng sâu lại bừng sáng lên mỗi lần con cháu trở về thăm nhà, mấy nếp nhăn trên nền da nâu của khuôn mặt xô lại vì phấn khởi. Tình yêu thương của mẹ ẩn trong những lo toan cơ cực đã in dấu lên hình hài như thế. Câu ca dao của ngàn đời thấm vào lòng tôi miên man không dứt:
“Lòng mẹ như bát nước đầy
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao”
Tôi hạnh phúc vô chừng khi được còn mẹ. Ngày xưa mẹ đèo tôi đi, thì hôm nay tôi đèo mẹ bon bon trên chính con đường làng năm ấy. Vẫn tiếng cười rộn rã, tiếng cười chứa đủ tình thương yêu vô bờ. Tiếng cười mà cả tuổi thơ tôi giòn tan từ những vòng quay xe cọt kẹt. Chiếc xe đạp bình thản tựa vào bên chái bếp như dáng mẹ hiền hậu ngồi nơi thềm nhà. Biết bao mùa nhọc nhằn đã qua, chỉ có mùa yêu thương luôn ở lại…