Sáng thức dậy trời se se lạnh, mưa lây phây như rắc bụi trên những phố dài , ngang qua ngõ nhà ai chợt nghe tiếng hát đầy không khí mùa xuân vọng qua ô cửa đã nhuốm màu thời gian “…rồi dặt dìu mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy….” đó là ca từ bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao luôn làm lòng người lắng lại, bình yên và dâng đầy cảm xúc trong những ngày áp tết.
Phố ngoài kia những ngày cuối năm đã bắt đầu tưng bừng, hối hả, đất trời vạn vật nở hoa, mùa xuân đã đến thật gần trên từng búp lá non tơ. Cuối năm ai cũng thấy mình bận rộn hơn, vội vã hơn trên từng khuôn mặt. ai cũng mong chờ một năm mới tốt đẹp hơn, an yên hơn. Lòng luôn tự hỏi lòng, mình đã làm được gì và chưa làm được gì trọn vẹn trong một năm đầy biến động đi qua. Những vui buồn, được mất của thiên tai, của đồng loại cũng sẵn lòng gác lại một bên mỗi khi tết đến, xuân về.
Những ngày áp tết ai cũng muốn lòng mình thanh thản, bình yên bên gia đình và những người thân yêu. Ai cũng muốn dành cho mình một khoảng lặng để ngồi ngắm phố phường, ngắm từng dòng người, dòng xe qua lại, ngắm từng nụ hoa đào còn lấm tấm hơi sương. Mùa xuân đã ngập tràn trên phố, mùi tết đã bắt đầu phảng phất trong gió xuân,mưa bụi.
Chẳng còn mấy ngày nữa là đến ngày ông công, ông táo về trời. Trong tâm thức mỗi người, đây cũng là một trong những ngày cuối năm rất quan trọng, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo một cách long trọng nhất có thể. Nhà nào cũng cúng cá chép và mong cá chép hóa rồng để làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Sau ngày ông Táo là những ngày tảo mộ ở quê. Những người đi xa thì về sớm, những người ở làng thì tảo mộ vào chiều 30 tết, cả cánh đồng nghi ngút khói hương, người nhổ cỏ, chặt cây, người quét dọn, tu sửa mộ phần cho ông bà, cha mẹ và những người thân sao cho sạch sẽ, đẹp đẽ, đồng thời thắp hương cúng khấn mời các cụ về sum họp, ăn tết cùng con cháu. Tảo mộ cũng là một việc làm cuối năm đầy ý nghĩa đã trở thành phong tục truyền thống cho con cháu nhằm tỏ lòng biết ơn những bậc sinh thành, về cội nguồn dòng tộc của mình.
Hoài niệm và kí ức luôn mang đến cho con người chật đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ lắm những đêm 30 thủa còn thơ nhỏ bên ngôi làng nằm ven bờ sông Đáy, tôi nhớ mùi hương trầm, huệ trắng trong những đêm cuối năm mưa bụi lây phây, nhớ mùi vỏ trấu nếp âm ỉ cháy bên nồi bánh chưng xanh khói cay xè mắt, nhớ chương trình tiếng thơ được phát sóng qua chiếc đài radio cũ kỹ của nội. tôi nhớ mùi nhang trầm đen mỗi lần nội thắp trên bàn thờ gia tộc. mùi nhang đen cứ lẩn khuất đâu đây mà sau này đi xa tôi không tìm lại được. kí ức luôn là một điều gì đó thật hiện hữu mà khó gọi thành tên và cũng không bao giờ phai mờ trong mỗi người chúng ta.
Một mùa xuân mới lại sắp về, những giai điệu về mùa xuân đang ngân dài trên phố nơi mỗi bước chân đi, ta nghe đâu đây những giọt mưa xuân đang rơi tí tách trên cành đào hé nụ và lâng lâng đắm chìm trong những ca từ “lắng nghe mùa xuân về” của nhạc sĩ Dương Thụ:
“Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường
Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng
Và anh đợi em, đợi em như đã hẹn…”.
Vâng ! Những ngày áp tết đang đến thật gần.