Những mùa mây tím lưng trời về đâu

    858
    lam-tran

    Tôi là Lâm Trần

    Thành viên của Tản Văn Hay từ 17 tháng 11, 2019

    T huở ấy, ở làng tôi, nhà nào cũng có một hàng xoan đầu ngõ. Người ta trồng để lấy gỗ làm nhà hay lấy lá dấm chuối tôi không biết nữa. Chỉ nhớ mỗi tháng ba về con ngõ nhỏ như một bầu trời đầy mây tím biếc, bồng bềnh bồng bềnh trôi trong cả giấc mơ non dại của tôi.

    Lớn lên, tôi được biết người Nam gọi hoa xoan với cái tên mĩ miều gợi buồn sầu da diết: đóa Sầu Đâu, người miền khác gọi hoa xoan là hoa Đu. Chỉ ở làng tôi từ xa xưa cho đến bây giờ vẫn gọi những cây thân gỗ mốc meo hoa tím ấy là xoan.

    Tôi biết cây xoan không phải từ khi bố trồng hàng xoan đầu ngõ mà từ thuở bé trong câu chuyện cổ tích “Tấm cám” được nghe cô kể, rồi tự đọc khi đã biết mặt chữ. Hình ảnh “hai cây xoan đào mọc lên xanh tốt” … đã in đậm trong tâm trí tôi – một đứa trẻ thôn quê lớn lên giữa bộn bề khoai sắn. Tôi luôn thắc mắc “xoan đào” là xoan gì. Có phải loại xoan bố tôi trồng đầu ngõ hay là loại xoan khác đẹp hơn? Tôi chưa từng được giải đáp thắc mắc đó cho đến tận bây giờ. Nhưng trong tâm thức non nớt của tôi luôn hiện hữu hình ảnh những cây xoan có màu vỏ tím thẫm như vỏ quả cà tím và ruột hồng như màu ổi đào nên gọi là xoan đào. Hai cây xoan đào thẳng tắp, xanh tốt mọc lên bên hoàng cung tráng lệ.

    Ngày tôi còn bé, cây giống thật hiếm, vì thế để có một hàng xoan đầu ngõ bố tôi phải lượm hạt ươm cây cả mấy mùa mới đủ. Hàng xoan vì thế mà cao thấp khác nhau. Mùa đông đến cây trút sạch lá trông khô khốc như chỉ cần một mồi lửa là bùng cháy rừng rực và nổ lách tách. Những cành khô chĩa lên trời cao phủ đầy bụi mưa giữa màu trời đùng đục trông ảm đạm vô cùng. Thế nhưng mưa xuân vừa rơi, từ những cành khô khốc ấy đã nứt vỏ bật chồi rồi nhú lên những mầm xanh biếc.

    Những chồi xoan bụ bẫm nhô lên rồi xòa ra từng chiếc lá nhỏ nhắn rung rung trong gió như bàn tay trẻ nhỏ vẫy gọi vầng mây xanh.

    Mầm xoan vươn nhanh dưới làn mưa bụi giăng mắc. Khi nắng ấm vừa lên cả ngàn búp non như vẫy chào da diết.

    Tôi luôn ngửa mặt lên nhìn tha thiết những chồi non đếm đến mòn ngón tay những chiếc lá khum khum đợi gió xòe ra như đếm đợi tuổi mình.

    Lá xoan mọc thành chùm xanh biếc, mềm mại như những bông mây xanh non tơ mỡ màng. Những chùm lá trên cao lũ trẻ khó mà với được. Chỉ khi mẹ tôi dùng kều nều kéo xuống hái vào dấm chuối, chúng tôi mới có cơ hội cầm chúng trên tay.

    Điều lạ lùng là khi cho những chùm lá xoan đó vào thúng chuối xanh rồi đậy lại, ủ vài ngày là chuối chín vàng đều hết. Chuối dấm lá xoan ngon hơn và không độc như dấm đất đèn bây giờ.

    Tháng ba vừa sang, những vầng mây xanh ấy trổ ra màu tím trắng như màu khoai lang tím lơ lửng trong không trung. Vầng mây tím hiện ra mỏng manh giấu mình trong vòm lá xanh ngăn ngắt. Mỗi sáng thức dậy ngó ra ngoài ô cửa nhỏ như thấy cả một màu trời tím ngát, tinh khiết gọi ta.

    Chúng tôi đã đi qua bao mùa hoa xoan rụng. Cái nụ hoa như chiếc chuông nhỏ tim tím rơi đầy mặt đất mịn. Những cánh xòe ra như hờn dỗi ai vô tình giẫm lên vạt áo tím của đất mẹ.

    Trong làn mưa bụi tháng ba, sắc tím hoa xoan đầu ngõ từng chùm lơ lửng trên không trung hay từng vạt mỏng li ti trên mặt đường quê sao mà nao lòng đến thế.

    Hoa xoan đẹp là vậy nhưng chả mấy đứa trẻ quê dại khờ ôm nó vào lòng. Bởi đứa nào cũng đã từng bị bọ xoan đốt nên cảnh giác đến khôn ngoan chỉ nhìn ngắm hoa mà không mấy khi trèo cây để hái. Cũng bởi để hoa trên cây là thấy mây trời bồng bềnh ngưng đậu như dùng dằng với tháng ba mà không vội vàng trôi miên man nữa.
    Nhưng có lẽ thứ mà lũ trẻ con nghèo của thế kỉ trước chờ đợi nhất là mùa quả xoan xanh. Những chùm quả trĩu nặng cong cong như chùm nhãn, cúi mình như bông lúa uốn câu. Quả xoan hình bầu dục, bằng ngón tay, thi thoảng có chùm quả tròn như viên bi ve. Cái màu xanh non, mỡ màng đẹp đến mê hồn đó kéo theo bao trò chơi dân gian của lũ trẻ nghèo.

    Chúng tôi buộc từng chùm xoan lại như người ta buộc chùm nhãn, rồi dùng dây chuối làm quang, que rào nứa làm đòn gánh kĩu kịt đường quê đem ra chợ bán. Đứa nào cũng muốn được thử gánh hàng đẹp mê hồn trên đôi vai bé nhỏ. Chùm xoan trĩu trịt, đòn gánh trĩu trịt, tấm lưng đẫm mồ hôi sau làn áo mỏng cũng giả bộ đặt gánh hàng xuống chợ, quạt lấy quạt để như thấy bộn bề vất vả lo toan từ áo mẹ áo cha chảy tràn sang tuổi thơ mình. Có phải thế mà luôn lo lắng, nỗ lực học hành và nghĩ suy trước khi làm bất kì việc gì vì sợ mẹ cha buồn?
    Những quả xoan chơi trò cùng lũ trẻ sôi nổi nhất là ở những chỗ đào ô ăn quan. Con ngõ gầy đầy đất mịn xốp là nơi lí tưởng để chúng tôi lấy vỏ ngao đào sáu cặp ô thẳng hàng mười hai lỗ.

    Quả xoan được xem là cá thả vào các ao. Mười ao con và hai ao cái. Mỗi người chơi có một dãy sáu ao thẳng hàng để thả cá giống và chạy cá ăn quân của đối phương. Trò chơi thú vị đó chỉ ăn thua bằng những quả xoan xanh mà níu chúng tôi nhiều giờ nơi ngõ nhỏ. Những bàn tay lấm lem đất vì vét ao đi cá. Những cái đầu căng ra vì tính toán đi làm sao cho một lần chạy quân mà “ăn” hết cá trong nhiều ao của bạn. Những trò tiểu xảo nhanh mắt nhanh tay cũng từ đây mà biết. Những tiếng cười vang vang phá tan buổi trưa hè oi ả. Tất cả như có bóng xoan trùm lên mát rượi. Chúng tôi đã đi qua tuổi thơ mình như thế. Lớn cùng những mùa hoa xoan tím biếc. Gãi sồn sột khi bị bọ xoan tìm đến da thịt non tơ nhưng vẫn đợi tháng ba về để ngửa cổ nhìn hoa.

    Giờ đây, ở quê tôi ngõ đường đã bê tông hóa, hàng rào cũng bằng gạch xây. Chẳng còn thấy những hàng xoan đầu ngõ. Và cũng giờ đây tôi mới biết gỗ xoan xẻ ra rất đẹp, màu trắng sáng, nhẹ và bền với những đường vân uốn lượn như núi. Vì vậy, nhiều người săn tìm để làm sàn nhà, vách ngăn và vật dụng trang trí. Chúng tôi, những đứa trẻ quê hồi đó giờ cũng ở tuổi bốn lăm, năm mươi cả rồi. Xa quê cũng đã vài chục năm. Tôi là đứa may mắn ở gần nhất. Mỗi lần về quê, từ trên con đê làng tôi đưa mắt nhìn quanh và thấy dịu lòng khi bắt gặp một hàng xoan ngoài đầu bãi. Hàng xoan xanh tốt nơi bãi bồi ven sông an ủi tôi, níu giữ tôi, cho tôi cảm giác trở về tuổi thơ nơi ngõ nhỏ yên bình. Tôi tự hỏi mình: những mùa mây tím lưng trời về đâu?