Đã bao năm rồi mẹ không còn nấu món bò rim mật mía đặc sản miền Trung quê ngoại. Tôi nhớ như in cảm giác thèm thuồng của chị em tôi khi gắp những miếng thịt bò thái mỏng ngọt ngọt mặn mặn trong mâm cỗ Tết của mẹ. Hễ ăn một miếng là nỗi nhớ ngoại cuộn lên da diết trong lòng. Tôi nhớ những ngày hè cách đây hơn chục năm, ngoại từng cho tôi ăn ngày ba bữa món bò rim mật mía suốt một tuần tôi sống cùng ngoại.
Có lẽ với ngoại, đó là món ăn ngon nhất ngoại có thể nấu để đãi cháu gái ở thủ đô mấy năm mới có dịp về thăm ngoại một lần. Buổi sáng đầu tiên thức dậy trên chiếc giường ọp ẹp của ngoại, thấy ngoại chuẩn bị giỏ làn đi chợ, tôi bật dậy như tôm tươi, háo hức theo chân ngoại đi khám phá vùng quê nhỏ thân thương, nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên. Khi còn nhỏ, chị em tôi từng được mẹ cho về thăm ngoại vài lần nhưng mỗi bận về chưa kịp quen mùi của ngoại, mấy mẹ con bà cháu đã phải ngậm ngùi chia tay.
Ra khỏi nhà, hai bà cháu tôi đi bộ qua con đường đất nhỏ ven một cái ao lớn để rẽ lên đê. Đi dọc con đê là đường ray tàu hoả khoảng vài cây số sẽ đến chợ Hôm của thị trấn Đức Thọ. Ngoại năm đó cũng 80 tuổi rồi, lưng tuy còng mà đôi chân vẫn còn nhanh nhẹn. Tôi chạy theo ngoại, tay cầm chiếc máy ảnh bấm liên tục. Đó là chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu canon của Nhật tôi mượn thằng bạn thân trước khi lên xe về quê ngoại. Nhân chuyến này, tôi muốn lưu lại thật nhiều hình ảnh về ngoại và cảnh vật nơi đây.
Tới chợ, ngoại đi thẳng đến khu bán thịt bò lựa miếng nạc, thớ dày. Sau đó, ngoại sang hàng thịt lợn cũng lấy một miếng nhỏ, nhiều nạc. Cuối cùng, ngoại mua thêm vài con cá nục tươi rói, vảy lấp lánh màu bạc. Tay xách chiếc làn, tôi lon ton theo chân ngoại đi khắp con chợ nhỏ nhộn nhịp. Khi mặt trời dần lên cao, hai bà cháu tôi lại men theo con đê về nhà. Suốt thời gian ở bên ngoại, hai bà cháu không giao tiếp nhiều với nhau. Cùng tiếng Việt mà ngôn ngữ ngoại nói, tôi nghe như tiếng của nước nào xa xôi. Còn ngoại lại bảo giọng tôi như tiếng chim hót, ngoại nghe thì thích mà không hiểu gì. Tuy vậy, chỉ sau vài ngày, tôi và ngoại đã phối hợp ăn ý trong mọi việc. Chỉ cần nhìn ánh mắt, cử chỉ của ngoại là tôi hiểu ngay ngoại định làm gì. Hoá ra, khi người ta thực lòng muốn hiểu ai đó, lời nói cũng vô tình trở nên thừa thãi. Những âm thanh hay nhất, những cảnh sắc đẹp nhất, những tình cảm chân thành nhất đều phải được cảm nhận bằng trái tim.
Ngày ấy, bếp ga đã phổ biến ở quê ngoại nhưng trong chái bếp nhỏ xíu của mình, ngoại vẫn đun nấu bằng bếp củi. Sắp đồ trong giỏ ra, ngoại lấy bó lá trà xanh tươi đưa cho tôi rửa còn ngoại hì hục xếp củi, đổ mùn cưa xung quanh và nhóm lửa. Ngoại bắc một ấm nước trà xanh đặc trên bếp rồi mang thịt cá ra sân giếng. Tôi kéo mấy gàu nước đổ đầy thau nhôm và ngồi xuống kế bên quan sát đôi tay nhăn nheo mà thoăn thoắt của ngoại. Tôi giúp ngoại giã gừng, tỏi, hành khô, sả và ớt trong chiếc cối đá nặng trịch có khi nhiều tuổi hơn bác cả tôi. Khi ấm nước trong bếp sôi ùng ục, mùi lá trà xanh tỏa ra ngào ngạt, ngoại đổ vào một chiếc thau chờ nguội bớt rồi bỏ thịt, cá vào ngâm. Tôi đoán đây là cách ngoại làm để khử mùi hôi, tanh cho thịt cá. Trong lúc chờ đợi, ngoại lấy mật mía và nước mắm cá nguyên chất đổ vào chiếc nồi đựng hỗn hợp gia vị tôi vừa giã nhuyễn. Chai nước mắm này do bác tôi ở Cửa Lò tự mua cá biển về làm. Mỗi lần về quê, mẹ tôi đều được bác cho một chai ăn dành có khi cả năm mới hết. Mùi mắm nồng nặc quyện lẫn mùi thơm ngọt của mật mía cùng mùi của gừng sả tỏi ớt tạo thành một thứ chất lỏng thơm quyến rũ.
Thịt cá sau khi ngâm nước trà xanh đặc được ngoại để nguyên miếng xếp vào nồi gia vị và trộn đều. Ngoại ủ nồi thịt cá như vậy đến gần trưa mới cho lên bếp. Khi nấu, ngoại còn múc gáo nước mưa trong chum đổ ngập thịt và bỏ vào đó đủ loại gia vị khác như hạt tiêu tươi, hoa hồi, quế… Tôi nghĩ bụng công phu như vậy rồi chắc chỉ cần chờ thịt bò chín là xong. Ngờ đâu, ngoại cầu kỳ đến mức đun hai lần. Lần đầu, ngoại cho lửa thật to để nước trong nồi nhanh sôi. Sau đó, ngoại bắc nồi ra bỏ vào chiếc rế đợi nguội hẳn mới nấu tiếp lần hai bằng lửa nhỏ. Những thanh củi đỏ rực lửa được ngoại rút ra chuyển sang bếp bên cạnh nấu nồi canh rau tập tàng – mấy thứ rau dại được hai bà cháu hái trong vườn. Giai đoạn canh bếp nhỏ lửa để om đối với tôi như tra tấn vậy. Vì nó thơm, thơm đến nức mũi, thơm đến cồn cào dạ dày. Ngửi mùi thơm ấy thôi, tôi nghĩ mình chắc phải ăn được tới ba chén cơm.
Ngoại om có lẽ hết buổi chiều cho đến khi nước mật sệt lại đặc quánh, thịt lên màu đỏ hấp dẫn, ngoại dùng đũa chọc nhẹ vào miếng thịt bò mà các thớ thịt cũng tự tách ra, ngoại mới bắc xuống. Vừa kịp giờ ăn tối, tôi háo hức chờ ngoại cho thịt ra đĩa. Gắp một miếng thịt bò mềm nhừ bỏ vào miệng: vị mằn mặn của mắm, vị ngòn ngọt của mật và vị cay của gừng, ớt, tiêu ngấm vào đầu lưỡi, đi xuống cuống họng rồi đọng lại hoài ở đó. Đám rau tập tàng dân giã quẹt qua nước thịt đặc quánh có kém gì sơn hào hải vị. Đến tận giờ nghĩ lại, mâm cơm ngày nào của ngoại vẫn ấm nóng trong ký ức xa xăm. Nồi thịt ấy được ngoại hâm đi hâm lại ăn cả tuần. Ngoại để phần thịt bò cho tôi còn ngoại chỉ ăn thịt lợn và cá. Ngoại bảo ngoại không có răng nên không nhai được thịt bò khiến lòng tôi chợt rưng rưng nhớ mẹ. Mẹ cũng thường bảo mẹ không thích ăn phần nào đó để nhường cho mấy bố con tôi.
Một năm sau, ngoại mất, tôi không còn được ăn món ấy từ ngoại lần nào nữa. Từ đó, vào mỗi dịp Tết, tôi thường nài nỉ mẹ làm. Phiên bản của mẹ, thịt bò không mềm như của ngoại mà khi ăn sẽ phải thái lát mỏng chấm với tương ớt. Dù mẹ nấu rất ngon, cả nhà ai cũng thích nhưng riêng tôi vẫn không thấy giống vị của ngoại. Có lẽ khác vì không có mùi khói bếp, không phải vị mắm cá, vị mật mía ngoại từng dùng. Hay do tôi nhớ bàn tay nhăn nheo, gầy guộc, nhớ hoài tình yêu của ngoại bỏ vào nồi bò rim mật mía năm nào…