20 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Nhớ hoài mùi tết quê hương

Trong Mắt TôiNhớ hoài mùi tết quê hương

Chẳng biết có phải trong tâm trí những người xa quê thì những gì thuộc về tuổi thơ nơi quê nhà đều đẹp, hay tại vì thời xa xưa nghèo khó, thiếu ăn, “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”?  Vậy nên ký ức về những ngày Tết được ăn ngon, mặc đẹp luôn in đậm trong lòng của những người con xa xứ. Để mỗi khi ngắm nhìn những cánh hoa mai khoe sắc vàng tươi rực rỡ, lòng ta lại bồi hồi, thổn thức, da diết nhớ về những mùa Xuân quê hương.

           Tôi nhớ. Dù nhà có khó khăn đến mấy thì năm nào bố mẹ cũng cho chị em tôi, mỗi đứa dăm ba đồng tiêu Tết. Cộng với tiền “vốn riêng” dành dụm từ con cua, cái tép, sáng hăm tám mấy chị em tôi cùng hăm hở đi chơi chợ Tết.
Chợ Bình ở xa, phải băng qua những hai cánh đồng và ba làng xóm. Nhưng chẳng sá gì, từ gà gáy tinh mơ, lũ trẻ xóm tôi đã í ới gọi nhau rồng rắn đi chơi chợ. Vừa qua cổng, điểm đầu tiên chúng tôi nhắm đến là hàng cháo lòng.
                         Khi chân tay lạnh run run và bụng sôi èo ẹo. Mùi nước dùng ngào ngạt vừa béo ngậy vừa thơm lừng bốc lên theo nghi ngút khói khiến cho bất kỳ ai đi ngang cũng phải ứa nước bọt. Riêng với anh em tôi, được ngồi vào hàng giữa phiên chợ Tết còn là một niềm ao ước của cả một năm trời.
Gọi bát tô thật to với những miếng lòng dồi béo ngậy, những miếng dạ lợn giòn tan, chúng tôi xì xụp hít hà từng thìa cháo nóng mà ấm từng khúc ruột. Bước ra khỏi hàng cháo lòng, chúng tôi len lỏi trong đám người đông nghịt để đi ngắm chơi các hàng trong chợ.
           Ở mé bờ sông Bến Đồn là hàng cây cảnh với những cây quất vàng tươi sai trĩu trịt, những cành bích đào hoa kép đỏ thẫm người ta mua về cắm trên bàn thờ tiên tổ. Kế đó là hàng pháo đủ loại, người bán kẻ mua đốt thử, tiếng nổ, tiếng hú inh tai, mùi khói pháo bay lên nồng nặc.
                        Ở một góc chợ, người ta bày bán đủ các loại tranh màu và câu đối Tết, nhiều nhất vẫn là tranh mâm ngũ quả, tranh gà và cá chép. Chen chân qua các hàng quần áo, vải vóc, hoa quả, đồ chơi, xem các nghệ nhân nặn tò he và hàng quà bánh cho tới gần trưa, mỗi đứa chúng tôi ra về trên tay hí hửng nâng niu một con gà đất, vừa đi vừa thổi inh ỏi cả cánh đồng.
Chiều ba mươi, bố đặt lên bếp than đỏ rực một nồi nước tắm, dùng chung cho cả nhà. Mùi lá sả, lá hương nhu, lá bưởi, lá chanh và những gốc mùi già quyện vào nhau tạo nên một mùi thơm nồng nàn và ấm áp. Mẹ bảo, cả nhà cùng tắm “tẩy trần” để giũ bỏ mọi điều phiền muộn của năm cũ, đón chào năm mới thật thơm tho và sạch sẽ. Vừa tắm tôi vừa hít thật sâu từng làn hơi nước bốc lên mà cảm nhận hương thơm thấm vào từng tế bào trong khí quản.
          Bữa cơm tất niên chiều Ba mươi. Trước khi ăn, bố tôi bảo đây là bữa cơm cuối cùng trong năm. Trong năm qua, ai có điều gì còn sơ sót thì tự mình nhận lỗi, ai chưa vừa ý chuyện gì thì cũng có thể tỏ bày ý kiến rồi bỏ qua. Mấy chị em tôi nhìn nhau lí nhí, con có lỗi gì mong bố mẹ tha thứ. Bố tôi ôn tồn nói về từng đứa, khen mười, trách một mà trách cũng nhẹ nhàng như một lời chỉ bảo. Mẹ cười dịu dàng rồi gắp thức ăn cho từng người một. Cả nhà vừa ăn cơm vừa trò chuyện, thật đúng là “vui như ngày Tết”.
Tối ba mươi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng chờ đón giao thừa. Bố với mẹ cùng nhau kể cho mấy chị em nghe những câu chuyện của một thời gian khó. Thuở ấy, bố mới ở chiến trường về làm cán bộ thủy lợi địa phương. Bố mẹ lấy nhau, đám rước dâu đi bộ qua mấy quãng đồng giữa những ngày đông giá; cả nhà phấn đấu năm sau sẽ mua một chiếc đài bán dẫn để mỗi tối cùng nghe cho thoả thích… Tôi buồn ngủ, đôi mắt khép dần rồi khép hẳn, chả biết câu chuyện tới khi nào thì kết thúc.
                          Sáng mùng Một, khi tôi thức dậy thì bố mẹ và các anh chị đã làm xong mâm cỗ cúng đầu năm. Đĩa xôi gấc mẹ đồ trong chiếc chõ đất nung đỏ thẫm như màu huyết. Chú trống choai mã mật hôm nào còn nhảy lên nóc đống rơm gáy te te giờ đã ngậm cành hoa đồng tiền dâng lên ông bà, tiên tổ. Trong làn khói nhang nghi ngút, bố tôi trịnh trọng làm lễ trước hương án. Xong, bố tôi bảo, các con cầu xin các cụ phù hộ cho năm mới được nhiều sức khỏe và học hành tiến bộ.
Lễ xong, bố đốt bánh pháo khai xuân nổ giòn ngay trước hiên nhà. Mùi khói pháo quyện với mùi nhang, mùi những món ăn, bánh trái đặc biệt là mùi thơm của những cánh hoa đào đang nở trong làn mưa Xuân dịu mát tạo thành một mùi thơm rất linh thiêng, trầm ấm. Đó là mùi hương rất đặc trưng chỉ có riêng trong ba ngày Tết. Để rồi mai này khi xa quê hương, mỗi lần Tết đến Xuân về, mùi hương ấy lại bay về trong tiềm thức.

Check out our other content

Most Popular Articles