Phải ở tuốt đầu đường đằng kia thì mới thấy được cái nóc nhọn kia, một chị nói, “nhà gì mà lớn ớn hồn”.
Trưa nào đụt nắng, ăn cơm dưới gốc cây trứng cá ngay góc quán của Bảy, lầu đài bên kia đường luôn là đề tài cho dân ve chai đưa chuyện. Bởi dinh thự đó chật trong tầm mắt, xén mất góc trời ở ngã tư đường, bóng vói qua tận chỗ họ ngồi, thành thử có nói chi một hồi cũng quay về chỗ nó. Một chị uống trà đá cho bớt nghẹn cơm kêu phải nhà tui được chừng cỡ một phòng của nhà bên đó, khỏi lo dột suốt mùa mưa. Chị khác rầy thôi đừng mở mắt mà mơ, ve chai thì ngó xuống đất kiếm ve chai thôi, ngước lên chi trật ót.
Hồi đầu chỉ một vài chị tấp lại nghỉ chân, giờ buổi trưa trước quán Bảy có cả chục xe thu gom ve chai đậu. Người giở cơm ra ăn, kẻ chải đầu gỡ tóc, kẻ nắn bóp đôi gối khô dầu. Thấy hai cái ghế đá chưa đủ cho họ ngồi, Bảy kê thêm một cặp nữa, như một cách níu họ nán lại, kể chuyện chân trời. Nhiêu đó đủ rồi, Bảy có thể ăn chuyện chân trời mà sống. Cây ớt chỉ thiên, đám rau càng cua, cải xanh, Bảy hào phóng bảo chị em thích gì cứ hái. Nghĩ thân người ta từ đồng quê thất lạc, như mình. Hoàn toàn không phải mưu cầu bán vài ba ly nước, thứ mà dân ve chai phải trúng đậm lắm mới dám kêu bà chủ làm cho một ly gì đó đường sữa thiệt nhiều vô.
Nhưng từ dinh thự kia mọc lên, nó ăn lẹm vô những chuyện chân trời gió cát. Bạn ve chai toàn nhìn nó, nói về nó. Ai đó nói quét cái nhà đó cũng phải cả ngày mới giáp. Ai đó nói ông này chắc cũng chức bự lắm nè, hèn chi nhà bự. Mặc định là vậy, dân ve chai học hành không tới đâu, nhưng thạo đời như thuộc làu những xó ngang hẻm cụt.
Nhà sơn trắng, lúc nào cũng kín cổng, chỉ mở lúc xe biển xanh trờ tới đón ông chủ nhà đi. Trừ hai con chó sủa ủng eo y như chó bên xóm, mọi thứ ở đó đều xa cách, cả cô giúp việc bước ra đổ rác mặt cũng vác hất lên trời. Bà chủ trắng như lõi hành tây, nửa năm chưa từng thấy mặt, có ra đường thì cũng bịt kín người, dù lái xe hơi. Không biết có trẻ con không mà chẳng thấy chạy giỡn ngoài sân. Chừng như tường dày sân rộng rào cao đã ngăn không khí trong đó với bên ngoài, và người nhà họ thở bằng thứ oxy khác. Sâu hút ở đâu đó sau những tường vách là một đời sống bí ẩn, mà xóm giềng khó nghe được tiếng nắp xoong rơi, tiếng vòi nước chảy, hay âm thanh giũ quần áo bên sào phơi.
Nhưng chuyện tồn tại song song hai thế giới là tưởng vậy thôi. Bữa rồi anh trưởng khóm ghé quán Bảy, bảo dân ve chai tụ tập đây làm nhà bên kia phiền, họ gọi xuống phường than ngủ trưa không ngon giấc. “Chỉ một chỗ nghỉ chân mà cũng không yên, là sao?”, bà chủ quán kêu thay cho những chân trời bị đuổi dạt đi.
Bảy kể hồi nhỏ mỗi bận lùa trâu qua đồng Thạnh Phú đều ghé nghỉ chân ở lầu ông Hội. Nằm ở chặng giữa kinh, ngôi nhà chỉ còn những mảng tường cháy xém. Bị đốt lâu vậy rồi mà mưa không sao rửa sạch vết lửa. Nhờ đám trẻ trâu lấy đó làm chỗ chơi trốn kiếm, đốt rạ nướng cá, mà cỏ dại dây leo không có dịp khoe sức mạnh của hoang tàn. Nghe nội kể đó từng là nhà của người giàu nhất xứ, Bảy cười xùy ra một tiếng, bĩu môi, “có một lầu mà giàu gì, thua xa nhà ông chệt ở gần trường con”. Nội cười, mấy chục năm trước nhà xây tường là nhứt hạng rồi, ờ, có cái đình, nhưng không được xây lầu, nguyên xóm mình toàn nhà lá cột cây mỗi mùa qua là rệu rã, bởi giông không tốc mái thì mối cũng ăn.
Mấy thằng chăn trâu trong xóm còn quả quyết, nhà này chính là nhà ông hội đồng Dư ác đức trong tuồng Tiếng hò sông Hậu hát hoài trên đài chớ đâu. Trong tuồng, cũng có nhà lầu mà mấy ông tá điền bị ăn hiếp hay nghiến răng nhắc tới. Nội Bảy cười, nói đây có phải là sông Hậu đâu, với lại ông Hội này nghe đâu ăn ở không đến nỗi, buổi giáp hạt hay tiếp gạo cho người nghèo. “Vậy sao người ta vẫn đốt nhà ổng?”, Bảy vuốt xoáy trâu hỏi.
“Ờ cũng không biết sao, cái nhà đâu có tội tình gì”, nội nói.
Sau này đọc mấy cuốn sách sử, thấy đốt phá cướp bóc là chuyện hiển nhiên sau mỗi cơn loạn lạc, cuộc đổi cờ. Những dinh thự xa hoa bị nhắm tới đầu tiên. Ở đó, một chiếc đĩa bạc, tay nắm mạ vàng cũng đáng giá bằng vài ba khạp gạo. Nhưng hơn cả lợi phẩm còn sót lại, là cơn giận dữ được trút xả. Người châm lửa đốt nhà ông Hội có khi còn chẳng nhận nỗi căm ghét tích tụ trong anh ta, khi mỗi ngày cày trên mảnh đất không phải của mình, nhìn về phía nhà lầu kiểu Tây sừng sững giữa xóm làng rách rưới.
“Giờ nghĩ lại, có khi anh nọ châm lửa chỉ vì có lần vác lúa tới nhà lầu trả nợ, bị người ta chì chiết bộ giò sình đất làm dơ thềm nhà họ”, Bảy kết luận, khi châm nước trà vô ly anh khóm trưởng, đang gãi đầu gãi tai vì buộc phải chọn phía. Anh không thể nào ở giữa được.
Bảy từng chọn vị trí ngoài lề, bên bờ, nghĩ nhà lầu kia có xây cao hơn, đồ sộ hơn cũng không can chi mình. Dù mấy ông già tổ hưu độc chiếm quán sáng – những người tổn thương nhiều nhất từ dinh thự mọc lên, bị bóng nó đè đến không ngủ nổi, mất máu vì nghĩ bọn quan lại nhởn nhơ không biết sợ nữa rồi – họ nói,“không chừng cái nhà bên kia xây bằng tiền thuế của bây đó Bảy”, dì lặng lẽ cho qua. Nhưng giờ Bảy sợ rằng tay mình cũng xòe lửa ra, hóa tro những xa hoa, một ngày nào đó.