Tôi lại về ngả mình vào cánh đồng quê, đây Ao Ba, kia Bắc Biên, bên này Đồng Cả. Hương lúa, mùi bùn vẫn thân quen ngan ngát một vị quê. Tôi thả lòng mình nghe gió thổi hàng thông. Tôi đắm mình trong thoảng bay dịu nhẹ hăng hắc lao xao lá bạch đàn. Cỏ may quấn quýt bước chân. Rì rào lúa hát…
Mỗi lần bên cánh đông quê, cảm xúc luôn dẫn dụ tôi về lại những ngày tháng cũ, những thân thuộc thủa ấu thơ gắn bó với ruộng đồng. Nhưng rồi cánh đồng quê hiện hữu ngay trước mắt lại kéo tôi về thực tại.
Theo đà phát triển của cuộc sống, những cánh đồng lúa quê tôi cứ dần thu hẹp lại, thay vào đó là những khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều. Vẫn là những ngọn gió xưa, nhưng sóng lúa không còn mượt mà tít tắp, nó bị bầm dập, đứt quãng giữa những thửa ruộng bị bỏ hoang cho cỏ mọc.
Tôi tự hỏi mình, hình ảnh cánh đồng lúa quê bạt ngàn ngút ngát, thẳng cánh cò bay phải chăng chỉ còn trong ký ức? Lòng tôi dâng lên cảm giác luyến tiếc, xót thương đồng đất quê nhà. Câu nói”tấc đất tấc vàng” hình như đang xa rời đồng ruộng quê tôi! Tôi nhớ tới bà cụ đi mót thóc rụng cùng xóm ngày nào.
Bà cùng đứa cháu trai khoảng bốn, năm tuổi, sống trong căn nhà mái lợp rạ, vách chát rơm trộn đất, bà không có lấy một mảnh ruộng, khoảnh vườn. Bà hay nhắc với lũ trẻ đi mót thóc chúng tôi:“Cơm gạo là ngọc thực. Mỗi hạt thóc được làm lên từ tinh hoa của đất trời, cùng mồ hôi công sức của con người đấy các cháu ạ”.
Tôi không biết lý do tại sao ngày ấy bà không vào hợp tác xã. Bà không tham gia mọi công việc đồng áng của hợp tác xã như bà, như mẹ tôi, như hầu hết người lớn thời ấy. Bà đi mò cua bắt ốc, mùa rỡ khoai bà đi mót khoai, mùa gặt lúa bà đi quét thóc rụng. Thời còn hợp tác xã, vào vụ gặt lúa, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi mót lúa ngoài đồng. Khi mót lúa ở ruộng đang gặt, chúng tôi cứ phải mắt la mày lém nhìn ông canh đồng, thấy bóng ông từ xa là tìm cách dấu nắm lúa mót được vào chỗ nào kín đáo nhất để khỏi bị ông tịch thu.
Hợp tác xã cấm mót lúa trên cánh đồng nào chưa gặt xong. Mấy ông canh đồng có người dễ tính, người nghiêm khắc. Bà và chúng tôi thường bảo cho nhau biết hôm nay là phiên canh đồng của ai. Có khi bà mải quét thóc không để ý, ai nhìn thấy đồ nghề của bà thì giấu hộ bà để không bị tịch thu, bởi ai cũng thương và cảm thông cho hoàn cảnh của bà.
Trước đây ở quê tôi, giữa cánh đồng nọ với cánh đồng kia được ngăn cách bởi những con mương dẫn nước,mặt bờ mương rộng, hai xe cải tiến có thể tránh nhau được. Trên bờ mương là những hàng cây phi lao, bạch đàn cao vút, bốn mùa gió thổi vi vu. Lúa cắt, lượm xong thường được gánh lên bờ mương đánh đống, để xe cải tiến chở về sân kho hợp tác.
Vậy nên trên bờ mương thường có thóc rụng. Bà cụ mót thóc ít khi lội xuống ruộng nhặt lúa bông như bọn trẻ chúng tôi, mà bà thường quét những hạt thóc rụng trên bờ mương. Đồ nghề của bà có một đôi quang gánh, hai cái thúng, một cái sàng mắt thưa lọt hạt thóc, một cái sàng mắt mau, một cái liềm, một cái hót rác và một cây chổi móc chuyên dụng có quai cầm được làm bằng tre.
Bà quét những hạt thóc rụng trên bờ mương lẫn trong đất sỏi, phần nhiều là những hạt thóc lọt dưới gốc đám cỏ dầy, lúc này bà phải dùng liềm gọt bớt đám cỏ đi rồi mới quét. Một tay bà cầm cái chổi móc, một tay cầm cái hót rác hứng theo chiều hất của cái chổi, đôi tay bà cứ thoăn thoắt nghiêng ngả tứ bề, những hạt thóc lẫn lộn cùng đất sỏi, cỏ rác được hất gọn vào lòng cái hót rác, bà đổ cái mớ hỗn độn đó vào thúng.
Cuối buổi, ngồi dưới hàng cây bên bờ mương, bà đổ từng mớ nhỏ một thứ hỗn hợp vào cái sàng, đôi bàn tay gân guốc, sạm đen thô ráp của bà lắc cái sàng dẻo như một nghệ sỹ múa. Thóc cùng những thứ có kích cỡ tương đồng lọt qua mắt sàng rơi xuống dưới, trên sàng còn lại những đất sỏi hạt to, cùng một đám rơm cỏ nhẹ hơn thì tụm tròn xoe lại trên cùng, bà hất bỏ chúng đi.
Sàng xong bà lội xuống mương để đãi thóc. Bà đổ từng ít một vào cái sàng mắt mau, bà khéo léo xoay xoay lắc lắc dưới mặt nước, hạt thóc lép cùng rơm cỏ vụn nổi lên, bà nhẹ nhàng nghiêng tay chao cho chúng trôi ra ngoài, đồng thời những hạt thóc ít ỏi dồn tụm lại một góc, bà bốc chúng bỏ vào thúng.
Thành quả cả ngày quét quét, đãi đãi chẳng được là bao, ngày được một mèn thóc, ngày may mắn được đôi mèn( mỗi mèn khoảng 1,40 kg). Cả vụ gặt bà cứ cần mẫn nhặt nhạnh, nhiều lắm cũng được vài chục cân thóc. Đó là những hạt thóc vàng quý giá, góp phần vào bát cơm phần nhiều độn khoai, độn sắn hằng ngày của hai bà cháu. Mùa gặt chẳng kéo dài được bao lâu, nên bà phải tranh thủ, đội nắng cõng mưa, cặm cụi lê la hết bờ mương cánh đồng nọ đến bờ mương cánh đồng kia.
Cuối thời kỳ hợp tác xã, người ta không gặt tập chung nữa mà chuyển sang khoán sào, khoán lượm để tính công điểm. Tuy còn nhỏ, mới khoảng mười tuổi đầu, tôi được mẹ huy động giúp mẹ đi gặt lúa lấy công điểm, tôi không đi mót lúa nữa. Khi giúp mẹ chất lúa lên xe cải tiến trên bờ mương, nếu thấy bà cụ mót lúa, tôi đảo mắt trước sau, rồi cố tình day mạnh bàn chân vào đầu lượm lúa cho thóc rụng để lát sau bà quét.
Đến khi chia ruộng khoán sản cho từng nhà, mùa gặt nhà ai cũng nhặt nhạnh kỹ càng cẩn trọng, chẳng còn bông lúa nào rơi vãi, khi tập kết lúa lên bờ mương, người ta rải bao dứa phía dưới để thu những hạt thóc rụng.
Bà Cụ mót thóc bỏ nghề. Bà chuyển nghề đi buôn. Vẫn đôi quang gánh đi mót lúa, bà sắm thêm đôi dép cao su sỏ ngón được làm từ lốp ô tô hỏng. Quần chân què thâm đất, cùng cái áo cánh nâu được điểm tô thêm những mảnh vá bạc màu, bà rong ruổi khắp nơi. Cứ buổi chiều hàng ngày, bà đến tận vườn những nhà quanh vùng cất hàng, sáng mai gánh ra chợ bán.
Mùa nào buôn thứ đó, mít, dứa, ngô, khoai, sắn đủ cả. Bà biết cây mít nào của nhà này ngon, khóm dứa góc vườn nào của nhà kia ngọt. Đàn ông con trai trong làng không ai đi bộ giỏi như bà, đàn bà con gái khắp thôn không ai gánh khỏe và dẻo bằng bà. Chợ gần chợ xa, có ngày bà gánh bộ hàng chục cây số. Nắng mưa, bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông, đòn gánh kĩu kịt trên vai làm bạn mưu sinh.
Lũ trẻ mót lúa chúng tôi lớn lên, phần nhiều ở lại với ruộng đồng, tôi trong số ít mấy đứa thoát ly, làm ăn sinh sống xa quê. Nhân một dịp về quê ăn Tết, tôi đến thăm và chúc Tết bà. Bà ôm chầm lấy tôi rồi xúc động:” Thật là quý hoá quá! Chị vẫn còn nhớ và đến thăm già này, năm mới già không có gì đáng giá,già xin mừng tuổi chị sức khỏe và tuổi thọ của già”.
Ngót nghét chín mươi tuổi bà vẫn mạnh khỏe,minh mẫn, da dẻ hồng hào. Những tháng ngày gánh gồng, bán buôn cực nhọc đã tôi luyện cho bà có sức khỏe hơn người. Bà nói:” Bây giờ cuộc sống sung sướng rồi chị ạ, ăn ngon, mặc đẹp. Không như cái đận tôi đi mót lúa, ngày ấy tôi chỉ ao ước có mảnh ruộng để cấy trồng”. Rồi vẻ mặt bà chùng xuống:” Lớp trẻ làng mình chúng không còn mặn mà với ruộng đồng đâu chị, chúng chả thích làm ruộng nữa. Xưa không có ruộng để cấy cày, giờ có ruộng thì tôi già rồi không làm được nữa”.
Mà cũng đúng thôi, lương của lao động phổ thông làm trong khu công nghiệp, hai đến ba tháng bằng làm ruộng cả năm. Chỉ còn lớp người già gắn bó với nghề nông, lớp trẻ không đi làm ăn xa, thì cũng xin vào làm công nhân trong các khu công nghiệp, chúng không còn muốn cảnh chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời,mà cũng không còn mấy đứa thạo việc nhà nông.
Làm ruộng bây giờ cũng đã được máy móc hoá, nhàn hạ hơn rất nhiều. Những con mương xưa đã bị lấp, hàng cây phi lao bạch đàn cũng không còn. Thay vào đó là máng bê tông nổi dẫn nước vào tận ruộng.
Vậy mà ruộng vẫn bị bỏ hoang! Phải chăng mất đi những hàng cây phi lao, bạch đàn soi bóng bên dòng mương, đã bao đời một lòng đầy vơi trong đục với ruộng đồng, thiếu vắng những chiếc xe cải tiến kéo tay, những cuốc, những liềm trong trái bếp mỗi gia đình thôn quê, thì những cỗ máy sắt hiện đại, những cái máng bê tông tiện lợi kia chẳng đủ khát khao để mời gọi mùa màng?
Ánh nằng chiều đang nhẩy nhót trên những mảnh ruộng bị bỏ hoang. Dáng bà cụ quét thóc rụng ngày nào nhạt nhoà chấp chới, bà gánh những hạt vàng mải miết đi về phía chân trời. ..Tiếng hát từ loa phóng thanh đầu thôn theo gió bay ra cánh đồng, lên lỏi vào từng gốc lúa, trong trẻo mà da thiết: