TVH Đêm buông xuống. Bóng tối phủ kín khoảng không gian bao la của rừng núi. Vẳng trong đêm thanh vắng là tiếng chuột gọi đàn, tiếng con chim gật gù trong giấc ngủ hoang và đâu đó trên các lưng đồi là tiếng ru con ầu ơi của người đàn bà trên núi. Người đàn bà trên núi ru con gọi thanh xuân về. Người đàn bà trên núi ru con đợi thanh xuân trở lại…
Đêm trên các rẻo cao, những ngôi nhà lá xập xệ suốt bốn mùa lại càng trở nên cô quạnh và hiu hắt. Ánh lửa trên bếp than đã vạc, le lói hột sáng qua phên tre, phên nứa trong sự tĩnh lặng của đêm. Vì thế, nhón bước đi nhè nhẹ trên nền đất lạnh cũng thấy âm thanh rõ mồn một bám lấy gót chân trần.
Trên chiếc giường ọp ẹp, bừa bộn những áo quần, chăn màn cũ kỹ đang bốc mùi ngai ngái, hôi hôi, lờm lợm vì lâu không được giặt giũ, đứa trẻ giật mình khóc hờ như đánh thức người đàn bà đang mơ trở về với thực tại. Đàn bà trên núi có mơ cũng chỉ nghĩ đến ngày mai đủ gạo cho con no bữa sáng, đủ rau cho con ăn bữa chiều.
Người đàn bà trên núi có mơ cũng chỉ là sự hối tiếc mơ hồ vì tiếng sáo, tiếng khèn thuở nào còn vang vọng trong đêm. Người đàn bà trên núi có mơ cũng phải chờ mùa xuân khi chợ tình họp lại họ mới bước qua thực tại để chìm đắm men rượu, men tình chợ phiên. Đời người đà bà trên núi, có bao lần được sống cho mình để mà mơ những giấc mơ đời thực như thế?
Một ngày của họ tự bao giờ? Từ khi trời mới tang tảng sáng, con gà rừng le te gáy gọi bình minh, người đàn bà đã nhóm bếp củi đặt nồi cám cho con lợn con gà. Cất mẻ rượu ủ lá rừng đã ngấu để chắt giọt cay nồng, mặn mòi cho chồng thưởng thức mỗi đêm. Cơi nồi cơm trộn mèn mén cho chín kỹ rồi chia đều cho cả nhà khi trời vừa sáng. Đến lúc ông mặt trời chống cằm ngạo nghễ trên đỉnh núi nhìn về phía Tây là lúc con lợn, con gà rủ nhau vào rừng kiếm ăn thì người đàn bà lại địu con lên rẫy, cõng cả giấc ngủ còn ngái của chồng trên lưng.
Những mùa ngô lớn lên từ hốc đá, những mùa lúa trĩu bông từ tay người đàn bà cứ thế mà đi qua mưa nắng của cuộc đời. Rồi những đêm sương rơi, tuyết vãi trắng cả cánh rừng khuya thì trong túp lều lụp xụp, khét mù khói bếp, người đàn bà để trần nhũ hoa, hầu rượu cho chồng. Đến lúc trăng lên, con dế, con chuột rúc đầu đi ngủ, người đàn bà xộc xệch váy áo ngồi canh than sưởi lửa, thả lòng ngủ quên với giấc mơ thời trẻ dại đã xa…
Những tưởng một câu chuyện từ thời tiền cổ được kể lại nhưng nhìn thân xác héo tàn như cây non thiếu nước của Dợ tôi mới chợt giật mình về những gì mình đang được nghe. Ngày ấy, Dợ đẹp như bông hoa ban, hoa chuối của rừng già. Trai bản rập rình theo Dợ lên nương, ra chợ hay thập thò ngoài cửa suốt mùa hoa cải trổ vàng rồi đến mùa hoa ban rụng, mặc mưa nắng của trời.
Tiếng sáo, tiếng khèn dập dìu lưng đồi suốt đêm khiến con trâu, con ngựa trắng đêm không ngủ. Ngày nối ngày, mùa nối mùa, tiếng yêu Dợ chưa kịp nghe, quả pao cũng chưa kịp bắt mà bố Dợ đã nhận cả cặp trâu nghé nhà anh họ: Mày không lấy chồng, cái tuổi nó qua đi, đến con nghé tao cũng không có chứ đừng nói gì con trâu.
Đêm mùa đông, gió thốc ngược từ khe sâu lên đỉnh núi rồi cuộn thành cột lao vào khoảng không vô định. Gió hú như tiếng hàng ngàn con sói bị sập bẫy thợ săn, cầu cứu trong kiệt cùng tuyệt vọng. Bếp lửa của người Mông trên núi đốt ấm cả ngày cả đêm. Đàn bà chọn củi, giữ lửa và hầu rượu cho chồng chờ mưa xuân mới đi nương tỉa hạt.
Dợ lớn lên như thế! Lớn lên từ bếp lửa đượm củi rô, củi táu. Lớn lên từ hơi rượu ngô mẹ nấu cho cha. Bao mùa đông đi qua, bếp lửa đã đốt biết bao củi rừng già, Dợ thành thiếu nữ đẹp như trăng treo đỉnh núi mùa thu. Trai bản này, trai bản khác muốn có Dợ nhiều như sao ở dải Ngân Hà mùa hạ.
Dợ chưa chọn người thương, chưa chọn người yêu, chưa muốn lấy chồng là bởi nỗi ám ảnh về cuộc đời những người đàn bà trên núi cao. Họ sống chỉ biết núi biết rừng, về nhà chỉ biết chồng, biết con. Xã hội phát triển rồi, thời mẹ có biết điện thoại là gì nên mẹ không biết ngoài bờ rào đá nhà mình bao người đàn bà đã được sống cho mình? Thời nào rồi, đàn bà trên núi vẫn cứ phải hầu rượu cho chồng mỗi đêm? Thời nào rồi mà đàn bà cứ phải phục dịch cho chồng như người ở?
Họ cam lòng hay vì nếp nghĩ lạc hậu đã ăn đời ở kiếp với số phận của họ? Dợ không biết. Nhưng Dợ thì khác. Dợ biết dùng điện thoại thông minh, biết nghe những cái hay ho ở trên đài, biết cần phải thay đổi để đàn bà được hạnh phúc hơn…Bên bếp lửa, đôi má hây đỏ vì rét, vì ấm của Dợ cứ hồng lên theo mỗi ý nghĩa xa xôi…
Nghe tiếng mẹ húng hắng ho đầu hồi, Dợ lo bệnh hen của mẹ tái phát mà chạy ra đỡ mẹ. Rồi từ phía sau, chiếc túi vải đem trùm kín mặt bằng động tác rất nhanh nhẹn, họ cột tay Dợ sau lưng bằng sợi dây thừng vặn vỏ cây gai và vác Dợ trên vai đi ra khỏi nhà. Dợ gào khóc như tiếng gió đang hú ngoài núi nhưng vẫn nghe tiếng mẹ cố nói với theo: Nhà anh họ nhiều trâu, mày về với nó sẽ sung sướng cả đời.
Yên phận mà làm con ma nhà nó, trâu nghé tao nhận rồi. Mày phải đi thôi, mày không còn là người họ Vàng nữa… Mẹ cha không nhận nữa thì biết về đâu? Dợ nín lặng suốt mấy quả núi về nhà chồng trong đêm với bao ý nghĩ xót xa…
Yên phận làm đàn bà ở tuổi trăng non ư? Cái tuổi mà sức còn khỏe, tay còn cầm được cuốc, chân còn leo được núi, cái miệng lại không cần ăn nhiều mà vẫn dẻo dai thì cặp trâu nghé có đáng để đổi? “Nẻ” ơi! Rồi đời con lại đi theo đời “nẻ”? Lại tựa lưng vào núi ru con mỗi đêm? Lại gồng gánh đời chồng để qua những mùa đông buốt giá? Hay lại hóa đá đêm khuya mà hầu rượu cho chồng? Cây ngô mọc trên hốc đá còn trổ được bông sao đời con lại phải theo chồng khi mình không muốn lấy?
Dợ bị bắt làm vợ từ mùa đông năm ấy, đến năm sau và đến tận bây giờ, Dợ cũng không thấy lòng vui trở lại. Mỗi năm một lần, chờ ngày xuân về để cùng con xuống chợ. Đó là ngày vui nhất! Ngày người đàn bà được xuống núi đi chợ xuân. Ngày người đàn bà được sống với tình yêu của mình… “mười năm chúng mình vẫn hẹn…quả pao anh dành tặng em…”. Bên bếp lửa bập bùng, đôi mắt vô hồn xa xăm của Dợ lại sáng lên mỗi lần nhắc đến người thương, nhắc đến chợ tình….
Trăng lên đỉnh núi, gió lặng ngủ quên trên những tán rừng già phía Hoàng Liên Sơn. Trong nhà, người đàn ông no rượu ngủ ngáy o o. Chỉ còn tôi ngồi với Dợ, nhìn trăng qua mái đá bị thủng. Trăng tròn rồi trăng cũng khuyết, trăng lặn rồi cũng mọc nhưng cuộc đời của những người đàn bà trên núi liệu còn bao nhiêu lần được trở lại chợ tình để tìm lại thanh xuân?