Tôi xa quê dễ đã hơn hai mươi năm có lẻ, nhưng lần nào trở về con ngõ nhỏ, lòng cũng run lên bùi ngùi thương nhớ, tôi thường đứng lặng một mình trước con ngõ mà tuổi thơ tôi đã bao lần ngang qua đó.

          Trong mỗi người chúng ta, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng cũng đều có một kí ức xa xưa về con ngõ của mình. Con ngõ nhà tôi chứa đựng cả một trời thương nhớ. Con ngõ với những bước đi chập chững đầu đời, con ngõ với hàng rào hoa dâm bụt ông trồng, hàng hoa tóc tiên bà dặm, thường nở hoa đỏ thắm vào những buổi trưa hè, con ngõ mà sáng nào mẹ tôi cũng dậy sớm quét những chiếc lá vàng rơi từ đêm hôm trước. Tôi lớn lên từ làng, ra đi từ ngõ. Bà tôi vẫn thường dạy các con, các cháu trong gia đình bằng câu ca dao mà bà đã thuộc nằm lòng “thứ nhất là ngõ bước ra, thứ nhì hướng bếp, thứ ba hướng nhà” tôi không hiểu hết ý tứ của bà, nhưng rõ ràng trong tâm trí tôi, con ngõ vừa là phong thủy của ngôi nhà, vừa là nơi định vị đời sống của mỗi thành viên trong gia đình, ai ra đi hay trở về cũng đều hướng về nơi con ngõ nhỏ nhà mình.
                         Làng tôi, một huyện mền núi trung du, dăm bảy nóc nhà chung nhau một con ngõ, con ngõ với những đồi trồng dứa, trồng vải thiều chạy dài xa tít tắp. Hàng ngày các bà, các mẹ lên đồi, ngõ vắng hiu hắt, chỉ có tiếng trẻ con nô đùa nơi đầu ngõ. Tối về mọi người í ới gọi nhau, xóm đồi lại nhộn nhịp vui như ngày hội, từng sợi khói lam chiều quyện vào hoàng hôn trên những mái rạ thơm lừng cả con ngõ.
Ngõ cũng là nơi ngày đầu tiên mẹ dắt chị em tôi đến trường, nơi tôi lớn lên và trưởng thành từ những lớp học tranh, tre, nứa, lá trên đồi, ngày nào cũng vài bận đi về qua con ngõ ấy. Từng bụi dứa dại, từng bờ tường đắp bằng đất, từng dây bìm bìm leo trên bờ dậu, trong kí ức tôi chẳng bao giờ quên được.
           Ngõ quê cũng là nơi hẹn hò của các đôi trai gái, thanh niên, nữ tú trong làng. Trong một đêm mưa xuân lất phất, nụ hôn đầu tiên trong đời tôi dành cho cô thôn nữ cũng từ con ngõ nhỏ thơm nồng hương hoa bưởi. Nụ hôn của tuổi trẻ, nụ hôn của mối tình đầu khiến sau này cứ mỗi độ tháng ba về, tôi lại nhớ đến quắt quay.
Ngõ nhỏ là nơi mẹ tiễn cha tôi lên đường đi đánh giặc, ngày cha chiến thắng trở về, mẹ sung sướng, hạnh phúc khóc òa. Nước mắt mẹ thấm ướt ngực áo cha. Ngõ cũng là nơi chứng kiến bao thăng trầm, được mất của đời người, những buồn, vui, bất hạnh. Ngõ cũng là nơi đón những liệt sĩ trở về đất mẹ. Chú Tuấn hàng xóm nhà tôi, người lính đảo Trường Sa ra đi từ ngõ và rồi cũng không bao giờ trở về nữa. Đêm nằm bên ngọn đèn leo lắt nơi xóm đồi, tôi nghe cô Dung đôi mắt vô hồn khóc hờ chồng đầy nỗi xót xa, tái tê buồn run cả con ngõ.
                         Lớn lên, quá nửa đời người, lần nào đưa gia đình trở về quê, tôi cũng nói với các con, dù sau này đi bất cứ đâu, làm bất cứ gì thì quê hương cũng là nơi trú ngụ, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. Con ngõ này là nơi ngày xưa bà đã ru bố lớn lên. Cả tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, bình dị bố đã sống cùng những người thân yêu, cùng ngõ quê, cùng những bát nước chè xanh, cùng những giàn bầu, giàn bí quê mình.
Cuộc đời như “bóng câu qua cửa”. Thoáng chốc mà giờ tóc đã pha sương. Bà tôi, ông tôi, giờ đã về miền mây trắng . Ngôi nhà chỉ còn bố mẹ tôi tuổi già nương tựa vào nhau. Sáng nào mẹ tôi cũng dậy sớm quét lá sân, vườn. Bố ngồi bên hàng hiên bóng nắng và nghĩ về những điều xa xăm. Con ngõ cũng thay đổi dần theo năm tháng. Từ đường quốc lộ 1A vào ngõ người ta đã đổ bê tông và xây kè chắc chắn. Cây ruối cổ đã bị chặt đi, thay vào đó là hàng cột điện và những bóng đèn cao áp, cùng những ngôi nhà ống mọc lên san sát.
           Bây giờ làng đã là làng văn hóa, cả thôn xóm đã xây dựng theo phong trào nông thôn mới. Bố vẫn giữ lại mảnh vườn và một ngách nhỏ dẫn vào nhà bằng bờ rào hoa dâm bụt. Những sợi dây tơ hồng vẫn leo lên mái bếp rêu phong cũ kĩ phủ đầy lá vàng. Mỗi lần trở về bước vào con ngõ nhỏ tôi lại như chạm vào ký ức của mình, có điều gì đó thật thiêng liêng, gần gụi và ấm áp. Ngõ nhỏ của tôi, tuổi thơ của tôi, kỉ niệm của tôi, mỗi lúc mệt mỏi tôi lại tìm về để thấy lòng an yên, tĩnh tại.