16 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tản mạn Hà Nội

Tôi thường tới Hà Nội vào thời...

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên...

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ,...

Mùa trung thu cổ tích

Thương Nhớ Ngày XưaMùa trung thu cổ tích

Tôi vẫn nhớ những năm 80 thế kỷ trước, vào mỗi dịp Trung thu, dường như cả người lớn và trẻ con ở quê tôi đều háo hức, vui say. Mùa trung thu cổ tích.

           Làng tôi ở vùng đất bãi ven sông cứ tháng Bảy, tháng Tám là chìm trong nước lũ. Từ trung tuần tháng Bảy các anh chị phụ trách đã lo lắng tập trung chuẩn bị cho Tết Trung thu. Tối đến khi trăng còn lấp ló trên mặt nước sau rặng tre xanh, cả làng đã rộn rã tiếng chèo khua, tiếng gọi nhau vang vang mặt nước. Thuyền to thuyền nhỏ đi đón đội văn nghệ nhí về tập múa hát ở sân đình.

                         Trang phục của đội văn nghệ chỉ là những chiếc khăn dù, khăn voan được khâu ốp hai cái vào nhau, trên làm cạp luồn dải rút làm váy, hoa cài đầu ngắt ở vườn nhà. Phấn son là phấn rôm trẻ con, là phẩm màu giấy hương bôi môi, bôi má vậy mà đứa nào đứa nấy cứ lung linh như nàng công chúa nhỏ…
Mùa lũ, sân trường, sân ủy ban là nơi cao nhất dùng để cắm trại. Trại được dựng bằng những chiếc cọc tre quấn giấy màu và những chiếc dây thừng săn chắc. Vải căng lều được huy động từ những chiếc ri đô, vỏ chăn, khăn bàn sặc sỡ. Cả khu ủy ban xã trông giống như bức tranh màu nước đa sắc. Bọn trẻ con thi nhau chui ra, chui vào lều trại thích thú như được ở trong cung điện của vua vậy.

                        Đối với trẻ em nghèo thời đó những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao là đồ chơi xa xỉ nhất. Tôi đã từng mê mẩn đứng ngắm mãi những đoàn quân, những bà Tiên, ông Bụt, cô Tấm chạy vòng tròn quanh chiếc đèn kéo quân lung linh rực rỡ mà ước ao, khao khát mãi…

Đêm thi văn nghệ náo nhiệt, tưng bừng, cả làng chèo thuyền đi cổ vũ. Tiếng hát trẻ thơ vang vang theo sóng nước, lẫn vào ánh trăng sóng sánh dập dềnh:
“Tùng dinh dinh … tùng tùng tùng dinh dinh, đây ánh sao vui ánh sao sáng Ngòi. Tùng dinh dinh điền tùng dinh. Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi… ”.
                        Và đồng ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” bao giờ cũng là tiết mục kết thúc chương trình văn nghệ. Cả người xem cùng đồng thanh nghe không hài lòng, niềm vui cứ dâng lên mênh mông như sóng biển.
Xong chương trình văn nghệ là màn phá cỗ trông trăng hấp dẫn nhất trong sự chờ đợi của mọi người. Mâm cỗ rực rỡ đủ sắc màu được trang trí từ những bàn tay khéo léo của các cô, các chị.
           Nào là chàng chuối tiêu đốm trứng cuốc vàng rộm ôm trọn cô bưởi đào hồng hồng mũm mĩm; nào là những bé na trắng xanh mắt nhắm mắt mở tinh nghịch nhòm sang chị hồng mòng đỏ mọng phụng phịu như môi thiếu nữ.
                         Rồi những nàng thị thơm lừng vàng ươm cười rạng rỡ bên chàng roi đỏ hồng chúm chím. Và còn bao nhiêu là ổi, nhãn, cam… những hoa quả được lấy từ vườn nhà thơm lừng, ngọt lịm. Đặc biệt, món không thể thiếu trong mâm cỗ là những chiếc bánh nướng thơm ngậy, bánh dẻo ngọt sắc, đĩa cốm xanh dịu dàng thảo thơm như lòng mẹ.
          Bọn trẻ con nắm tay nhau nhảy vòng quanh mâm cỗ, nghển mặt ngắm chị Hằng và hát vang bài đồng dao: “Ông trăng ơi mời ông xuống chơi. Nhà tôi có nồi cơm nếp, có tệp bánh chưng, có lưng thúng gạo…”. Mời trăng xong bọn trẻ háo hức phá cỗ, xếp hàng chờ chia kẹo. Những chiếc kẹo bọc giấy bóng kính xanh đỏ tím vàng ngọt lừ cả tuổi thơ.
                        Những mùa Trung thu cổ tích thơm lừng hương quả chín dẫu chỉ còn là kỷ niệm nhưng mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn thấy thật ấm áp biết bao… Mùa trung thu cổ tích.

Check out our other content

Most Popular Articles