Đi dọc núi Trường Lệ thuộc khu du lịch Sầm Sơn, giữa nắng hè oi ả. Từng làn gió biển mặn mòi thổi rì rào qua những hàng thông xanh dường như cũng không làm dịu đi cái nắng là mấy.
Tôi ghé qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm, tiếng chào mời, giới thiệu của anh chủ cửa hàng với du khách được liên tục phát ra không ngớt. Tôi dạo quanh một vòng và dừng lại trước dòng chữ bánh “đặc sản rau sắng”, cả một bầu trời ký ức dường như sống dậy trong tôi.
Ngày ấy, khi kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là đối với những người dân miền núi quê tôi, sống nhờ rừng nhờ suối. Thì việc tự cung, tự cấp bằng các loại rau rừng cho bữa cơm nghèo chẳng còn phải là điều gì xa lạ. Lúc thì nắm rau dớn xào tỏi, khi thì nắm rêu suối trộn, nhưng món tôi thích nhất lại là canh rau sắng.
Hàng ngày, tôi cùng bố tôi lên núi Đệch để hái rau sắng mà người dân quê tôi hay gọi với cái tên dân dã, cây “rau mì chính”. Cây sắng là một dạng cây thân gỗ, thân cây to, cao, có khi lên tới hàng chục mét và đường kính thân tới 20 đến 30 cm, vì vậy muốn hái lá non thường người ta phải trèo lên cây để hái. Đi hái rau sắng cũng phải đi từ sáng sớm, khi những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên những phiến lá, thì rau sắng mới mềm và ngọt.
Cây sắng ưa đất ẩm, nên thường mọc dưới tán của những loài cây cao lớn khác. Chỉ sống bằng mùn đất do lá cây mục tạo ra mà quanh năm xanh tốt. Có lẽ do không bị tác động của các loại phân hóa học, mà rau sắng có vị ngọt rất đặc trưng mà chẳng cần phải nêm thêm các gia vị khác. Đúng như cái tên gọi của nó “rau mì chính”. Những người già mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý.
Cuối đông cây sắng rụng hết lá già, đến những ngày đầu của mùa xuân, khoảng tháng hai, cây bắt đầu ra những ngọn lá non đầu tiên, và đến tháng ba tháng tư là đỉnh điểm mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa. Khi bị cắt những đọt ngọn, cây sẽ nhanh chóng mọc ra tua tủa những chồi non, khoảng một tháng sau là có thể thu hoạch tiếp đợt mới.
Trước kia cây sắng chỉ mọc hoang dã trên núi, chỉ có khai thác mà không có ai chăm sóc nên số lượng cây cũng vì thế mà giảm dần theo thời gian. Một vài người dân quê tôi đã biết cách ươm hạt giống để mang về trồng ở vườn nhà. Nhiều gia đình không chỉ để ăn mà còn đủ để mang ra chợ bán nữa.
Nhưng vì để nhanh được thu hoạch, họ tìm mọi cách, bón đủ loại phân để hái được nhanh và nhiều nhất. Nhưng có lẽ cái thứ rau hoang dã ấy chỉ có sống trên những triền núi cao, mới mang đầy đủ vị ngọt ngào vốn có của nó. Cho dù giờ đây người dân có thể nấu rau sắng với những kiểu biến tấu hơn như thêm vào chút thịt băm, hay vài con tôm khô… nhưng cái vị ngọt ngào đọng lại nơi đầu lưỡi thì không còn được như xưa nữa.
Tôi nhớ như in những ngày đó, cơm độn đến ba phần là sắn. Nhưng chỉ cần một bát canh rau sắng nấu suông cùng nước lã, thêm một dúm muối. Anh em tôi đã đánh bay cả nồi cơm mà vẫn còn thòm thèm. Bố tôi thường hay trêu đùa mẹ: Khi nào tao chết, không cần gì cả chỉ cần để lên ban thờ cho tao bát canh rau sắng. Và bố cũng ra đi vào mùa rau sắng đang bắt đầu trổ những chùm lộc non trên núi…
Rồi rau sắng được người ta công nghiệp hóa, làm thành bánh, bán ở các khu du lịch. Coi đó như một thứ quà ai cũng muốn mang về trong hành trình của mình. Tôi cũng không rõ thành phần của những chiếc bánh đó ra sao, nhưng cũng thấy mừng cho rau sắng quê mình, được khoác lên một diện mạo mới. Không chỉ còn là loài rau dại mọc hoang trên những triền núi nữa. Tiếc rằng bố tôi chưa kịp nhìn thấy có ngày rau sắng thành đặc sản.
Tiếng loa mời khách mua hàng của anh chủ tiệm vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ miên man. Tôi nhặt vội vài gói bánh rau sắng, trả tiền và bước vội lên xe…