S ông Hồng mùa này nhiều lũ, nước lớn mấp mé chân bờ, nhấn chìm những cồn cát, len lỏi dâng ngang thân chuối thân ngô, kéo theo ngàn loại rác từ thượng nguồn về mắc lại, nồng lên trăm thứ mùi chua nồng ngai ngái hôi tanh. Lại đi qua những triền thấp, chân đê, mặt sông được gió hạ phủ thêm một lớp mùi mới, một chiếc áo mới: mùi khói đốt đồng.

Tôi chạy xe dọc triền đê Thanh Ba – Hạ Hòa về “cù lao” Minh Quân vào những buổi chiều nắng tắt, trời lơn phơn chút gió muộn, thổi cho lưng người khô vạt mồ hôi ẩm ướt, thổi cho ngọn lửa gầy leo lét bùng lên. Thời điểm thu hoạch vụ mùa xong, người ta lại vội vã phơi rơm, cắt rạ, chặt thân ngô, ngả nghiêng vàng trắng ngợp cả cánh đồng.

Gió thổi hướng Nam, gió vờn hướng Bắc, gió nghêu ngao chớp tắt, gió xoay vần tứ tung. Nên những đụn khói cũng xoắn xuýt mịt mùng, những tàn lửa cũng nhảy nhót rồi tan ra tứ phía. Gần gần là đụn rơm nhỏ, xa xa là đống rạ to, hừng hực như một cuộc thi đua xem nhà ai rạ rơm khô nhất, khói nhà nào tin tít bay cao.

Mùa này thường hay mưa rào, cỏ rơm đều ướt. Người tranh thủ nắng lên mang cào ra lật lên lật xuống, qua loa một ngày tạnh ráo là gom thành từng đống, vội vã đem đốt, chạy đua với trời. Rạ rơm bên ngoài thì khô, cỏ cây bên trong thì ẩm, nên khói cũng như nước hoa mang ba mùi hương đầu, hương giữa, hương cuối. Hun lòng kẻ lạ nhớ quê.

Mùi hương đầu khô cong, thơm mùi mùa mới, rơm tươi, rạ nếp, cồn cào gan ruột một bữa cơm nhà. Tháng năm, tháng sáu được ăn bát cơm gạo dẻo nóng hổi kèm một đĩa thịt ba chỉ rang thì thấy đời không buồn phiêu bạt nữa. Chỉ muốn nằm bẹp sân nhà, nhẩn nha phơi thóc, đốt rơm. Mùi giòn như mùi khoai lang, bông lúa nếp, củ lạc còn sót lại giữa đồng, tụi nhỏ chăn trâu nhặt lên vùi vào một góc rạ, chờ lửa đượm đưa hương.

Mùi hương giữa ngai ngái, nồng nồng hơn, cuộn theo những ẩm ướt còn xót lại sau vài trận mưa đêm dào dạt. Bốc tung lên cả mùi đất, mùi bùn, mùi giun dế ủng trong nước, khiến người bất chợt nhớ tới chiếc áo cựu chiến binh bố thường mặc đi đồng treo trên chiếc đinh mười phân trong cây cột góc nhà lớn. Áo bố cứ khoác lên người rồi lại khoác lên cột, cả tuần không giặt, cóc cách bùn đất hoa cỏ, mày lúa, vụn rơm. Thêm cả mùi mồ hôi cóc cạnh tích lũy, cau lại khen khét, chỗ sậm chỗ bạc, chỗ sờn chỗ chai, lúc mẹ nhớ ra kéo xuống giặt thì hai lông mày xoăn tít lại…

Mùi hương cuối nhạt như hương lài mới nở, bởi gió đưa lên cao, tản ra khắp triền,khắp lối, trộn thêm mùi cỏ cây tươi, mùi sông, mùi núi, mùi của hoàng hôn rót những tia nắng cuối ngày. Rót đầy lòng dạ người thương khói, không uống giọt gì mà cả người chếnh choáng đến say.

Khắp đồng khói bay, triền miên vài chục cây số. Người người lố nhố, kẻ chống cuốc đứng, kẻ dựa cào ngồi, ngoài mặt thì thảnh thơi nhìn khói lượn về trời, trong đầu lại đang nghĩ xem giống ngô nào sai bắp, giống lạc nào hạt ngon.

Khói ruộng này bay sang, khói bãi kia quấn lại. Tro tàn quanh quẩn, tung lên hạ xuống, như chiếc áo choàng được bện từ ngàn sợi mỏng tơ xam xám, phủ lên sông Hồng mênh mông nước, phủ lên đất trống, ruộng bùn; ôm trọn những phù sa nhộn nhạo, riết chặt lố nhố người. Và, chiếc áo choàng vô hình nặng mùi hương nước hoa vị quê nhà ấy, trói chặt kẻ “nuốt” trăm vị khói mà lớn, là tôi!