C àng nhiều tuổi, con người càng hay quên cái hiện tại và càng nhớ quá khứ… Hình như đó là cách để giảm tốc dần con tàu đã chạy mấy chục năm, tới lúc chậm dần, trước khi dừng lại! Và kí ức chính là những hành trang con người muốn mang theo, trước hết là muốn nhớ, như để đối sánh và chiêm nghiệm, như để dọn mình, thật nhẹ, thật lành…!
Ví như trong những ngày này của tháng 11, tôi hay nhớ tới những kỉ niệm về thầy, về trò, về những con người đã tới và đi qua cuộc đời tôi, có khi vô tăm tích, có khi vẫn đâu đó trong tiềm thức, thảng hoặc xuất hiện, như tăm cá mơ hồ trên sóng…
Và tôi hay nhớ về thầy, người thầy tôi từng quý trọng, từng thất vọng, và từng quên… Thầy là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời dạy văn lớp tôi ngày ấy. Thật ra, tôi không có ấn tượng nhiều lắm về những giờ văn của thầy, ngoại trừ cảm giác đều đều diễn ra trong các tiết học. Tôi nhớ có lần chuẩn bị học bài thơ Thề non nước của Tản Đà, tôi soạn bài với tâm thế xúc động, háo hức vô cùng để chờ nghe thầy giảng – hình tượng “non” và “nước” quấn quít, đan xen, những từ ngữ trùng điệp tha thiết, yêu thương, sự mỏi mòn, khắc khoải của chờ đợi, cái lãng tử nhẹ nhõm tới vô tâm của hẹn thề, những tầng nghĩa miên man…, tôi đọc, viết, trả lời các câu hỏi, và chờ đón…, để rồi giờ học tới và qua, nhẹ như gió thoảng! Sau lần ấy, tôi không còn tâm thế hồi hộp nữa, dù vẫn dành sự quý mến cho thầy chủ nhiệm, có lẽ do thầy rất yêu quý cô học trò gầy guộc, lòng khòng, xấu xí, nhưng rất hay phát biểu trong các giờ văn của thầy.
Một thời gian sau, thầy phải từ biệt lớp chủ nhiệm, đi công tác biệt phái trong miền Nam, tôi thực sự rất buồn và nhớ thầy. Và tôi đã xúc động phát khóc khi một lần văn phòng nhà trường báo lên nhận thư, tôi không tin nổi khi đó chính là lá thư thầy gửi cho tôi từ ngôi trường xa xôi trong đó. Tôi đọc thuộc lòng từng câu, từng đoạn, khoe cả với mấy đứa cùng lớp, và cất giữ như vật báu.
Đến giờ, khi tự cắt nghĩa cái nghịch lý trẻ thơ ấy, tôi hiểu: có lẽ, do tôi quá yêu những tác phẩm trong chương trình năm đó, nên dù nhiều giờ giảng văn không như mong đợi, nhưng sự quý mến của thầy với cô học trò cưng (như mấy đứa bạn cùng lớp hay trêu) khiến tôi chấp nhận tự tìm sự giải đáp hoặc cảm thụ tác phẩm theo những cách khác – có phải vì khi con người yêu dòng sông và sóng nước thì họ vẫn luôn trân quý người lái đò đưa họ tới với dòng sông, dù không phải tay chèo nào cũng thuần thục.
Sau thời gian công tác biệt phái, thầy trở ra Bắc, nhưng không đứng lớp nữa mà làm công tác quản lý, khi các cấp quản lý của thầy tăng cao dần, thầy cũng xa dần với lớp chủ nhiệm cũ, xa cô học trò cưng ngày xưa, và xa cả với tình cảm thuần hậu của chính thầy, một thời – phải chăng đó cũng là một nét nghĩa của từ ghép “cao – xa”?
Mấy chục năm trôi qua, chúng tôi trưởng thành, mỗi đứa có một cuộc sống riêng, đôi khi tụ tập vẫn hỏi nhau về thầy, và đứa nào cũng buồn vì theo thời gian và chức vụ, thầy đã hoàn toàn thay đổi, không còn mảy may hình ảnh ông giáo văn mảnh khảnh, hiền hậu ngày xưa nữa. Hi hữu gặp thầy trong một vài lần họp lớp, tôi buồn khi chỉ nhìn thấy một vị quan chức bệ vệ, mặt đỏ và giọng lạc vì bia rượu, viên mãn và thỏa mãn! Chào thầy mà tôi cứ nhớ tiếc vô cùng hình ảnh thầy chủ nhiệm của tôi ngày trước, giá thầy chỉ đứng lớp, dù nhiều bài giảng của thầy chưa tới được với kì vọng của trò, văn chương vẫn có thể neo giữ thầy ở bờ bên này, lành, sạch trong kí ức của tôi.
Rồi mấy chục năm nữa lại trôi qua, những đứa trẻ ngày xưa đã già, chúng tôi lại gặp thầy trong một dịp Hội trường. Không còn là “cao xa” như ngày nào, bây giờ giữa thầy và những đứa học trò tóc bạc chỉ còn là sự là “xa cách”! Thầy già nua, cô đơn, ngồi lặng lẽ ở bàn giáo viên, hầu như không nhìn lại phía lớp cũ. Tôi nhìn thầy từ xa, thấm thía buồn, cứ day dứt không yên giữa sự ngại ngùng khi tiếp chuyện và cảm giác bất nhẫn nếu cứ để thầy xa cách như thế. Chia sẻ cảm giác ấy với một người bạn, nhận được tin nhắn trả lời: Hội trường là để gặp lại, đâu phải để cách xa? Và sau khi các bạn đồng ý, cô học trò cưng của thầy ngày xưa là tôi quả quyết đứng lên, tiến lại phía bàn các thầy. Khỏi nói thầy vui như thế nào khi nhìn thấy tôi, chào hỏi, chuyện trò, và sau đó tôi xin phép các thầy cô cho tôi được mời “Thầy chủ nhiệm của chúng em” về với lớp!
Thầy xúc động, lúng túng, hơi ngượng ngập khi trò chuyện với chúng tôi, ít phút sau, cảm giác gượng gạo giữa thầy giáo và học trò tan dần, chúng tôi gần như quên hết những kí ức buồn, gần như trở lại với lớp D ngày xưa, bên thầy giáo chủ nhiệm. Hóa ra thầy vẫn chưa hề quên chúng tôi và những kỉ niệm ngày ấy, thầy cũng chưa hề quên cô học trò nhỏ bé gầy gò của thầy ngày xưa, nay là một bà giáo về hưu tóc bạc – vậy mà, thiếu chút nữa, chúng tôi đã để thầy ngồi đấy, cô độc với kí ức của thầy. Nghe thầy nhắc lại những kỉ niệm, cảm giác vừa hạnh phúc, vừa xót xa, ân hận cứ tràn ngập trong lòng tôi. Và bây gờ nhớ lại, tôi vẫn hài lòng vì mình đã làm đúng khi đứng lên, tiến về phía thầy…
Xét cho cùng, cuộc đời con người có mấy ai tránh được những đổi thay, dù theo hướng nào, nhưng khi đã gặp nhau trong một đoạn đời nào đó, ấy là có duyên giữa bát ngát thiên địa rộng dài vô biên vô tận – và đã có duyên, sao nỡ để thành vô tăm tích khi có thể hạnh ngộ, dẫu hi hữu.
Và tôi chợt nghĩ, tôi đã khiến bao nhiêu trò thất vọng và rời xa trong cuộc đời làm nghề rất khó tránh những sai lầm, khiếm khuyết, những vô tâm vô tình?