Tôi là Nguyễn Sỹ Đoàn

Thành viên của Tản Văn Hay từ 13 tháng 5, 2020.

N hững ngày tàn thu bao giờ cũng đẹp. Khi vầng trăng liềm trải mầu trắng sữa xuống trần gian, cũng là lúc hơi lạnh vỗ cánh bay vào từng góc phố căn nhà. Mặt sông mờ ảo. Sương đùn lên giăng giăng. Đêm nằm trong nhà chập chờn nghe tiếng cành lá lao xao. Cái gió lạnh đầu mùa rất nhẹ se sẽ thấm vào da thịt, len lỏi tận thẳm sâu tâm hồn. Khiến người ta tự nhiên muốn xích lại gần nhau, tự nhiên thèm khát yêu đương.

Mùa thu đã đẹp. Nhưng đẹp hơn vẫn là những ngày giao mùa. Ngày thu sắp hết, ngày đông chưa tới. Hai mùa thu – đông tiễn biệt nhau bên bờ sông trắng cỏ bạc đầu. Không gian ấp ủ nét đẹp dịu ngọt. Bâng khuâng. Cái nắng những ngày này vàng như hổ phách . Hanh hao mang mang, hồng hồng phơn phót như thoa nhẹ lên má, lên môi, lên cái cổ kiêu ba ngấn của người con gái. Đất trời đang chuyển. Đẹp như đôi mắt một cô gái đa tình, mơ mộng.

Thời khắc vẫn ngần ấy thôi mà sao thấy ngắn vậy. Chưa làm được gì đã sập tối. Cỏ cây trong vườn bắt đầu rụng lá. Bên cạnh những chiếc lá vàng lác đác rơi là phần còn lại xanh thẫm hơn. Dường như cây đang cố thu nạp chút năng lượng cuối cùng của đất trời, để đủ sức chống chọi với mùa đông lạnh giá.

Và hoa sữa bắt đầu nở rộ một miền trắng bung biêng. Từng chùm hoa rủ xuống phủ kín ngọn cây. Hương bay thoang thoảng. Càng về khuya hương càng nồng nàn da diết. Một loài hoa có mùi hương cám dỗ đến kiệt cùng. Nó đến cả trong giấc mơ. Hoa như vắt kiệt tất cả sức lực của mình đi tìm người bạn tình tri kỷ. Hương hoa sữa rơi phủ trên đầu, trên vai người đi bên dưới. Hương phủ kín luôn cả đường đi lối lại.

Mẹ tôi bảo: “Ngói về, én đi. Mùa đông đã tới”. Hồi nhỏ tôi không biết vì sao cứ tới vụ gặt mùa chim ngói lại về. Chúng ở với người chỉ non tháng thôi. Xong vụ gặt lại đi. Sau này học lên, tôi mới biết đó là loài chim di trú. Chúng từ phương bắc bay về. Mùa rét chúng bay về phương nam tìm nơi ấm áp. Hết mùa đông chúng lại trở về nơi xuất phát.

Ảnh: Tuan Ngo

Ngày ấy tôi đã biết gì đâu. Toàn theo chân cha, theo chân anh đi bẫy chim ngói. Chim ngói bay kín góc trời. Không cần máy móc hiện đại. Không cần cầu kỳ tinh xảo. Cũng chẳng cần công thức toán học cao siêu. Một tấm lưới con con. Một nắm thóc mới. Vài con chim mồi. Thế là đủ. Chim ngói bay trên trời, thấy đồng loại dưới đất nhảy tưng tưng tưởng bầy đang mổ thóc. Sà xuống. Bẫy sập. Ít thì được vài con. Nhiều thì cả chục.

Chim ngói không thuộc về loài chim đẹp, không biết hót. Thân nhỏ hơn bồ câu, lông mầu nâu sẫm, điểm chấm đen, đuôi ngắn hoặc cụt. Lớn lên một chút, theo cách bày của người lớn, cũng hì hụi học cách làm bẫy. Nhưng bàn tay vụng về của những đứa trẻ lên chín, lên mười làm sao lừa được đôi mắt tinh tường và đôi chân dè dặt của lũ chim. Hết đàn này tới đàn khác. Đến rồi đi. Rất ít khi dính bẫy.

Chim ngói bắt được mang về làm thịt. Nấu một chõ xôi gạo nếp cái hoa vàng. Úp vài con chim ngói lên trên. Đun chín. Không biết có phải ngày đó vì đói khổ không. Hay bởi tiết trời hiu hiu, mang mang của những ngày giao mùa thu – đông mà ăn thấy ngon dội lên. Đến giờ vẫn còn cảm giác như hương vị quanh đây. Những gia đình khá giả quê tôi sau vụ gặt thường sửa một cái lễ gạo mới chim ngói tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên phù hộ cho lúa khoai đầy nhà, mọi người khỏe mạnh.

Nhớ như thế là nhớ tất cả. Không quên một li lai nào hết. Trong cái gờn gợn của gió, cái hanh hao của nắng, tôi nhớ hồi cha mẹ còn song toàn. Ngày trời nắng, mẹ tôi lôi ra áo quần chống rét từ năm ngoái. Bà giặt rũ cẩn thận. Phơi khô. Chập tối sau bữa cơm, bố tôi ngồi chiêu ngụm nước chè hái từ vườn nhà. Gia đình quây quần trò chuyện. Quên luôn cả lo âu công nợ. Những lúc ấy mẹ tôi lần từng cái áo, cái quần, kiểm tra từng cái khuy, đường chỉ. “Sắp rét rồi”. Mẹ tôi thầm thì như chỉ nói cho mình nghe. Nửa như than thở, nửa như câu hỏi.

Người ở phố đâu biết rằng, chính vào lúc giao mùa này, người dân quê vất vả vô cùng. Vụ mầu liền kề đang phả hơi nóng vào lưng. Không kịp thở. Nhiều đêm “canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy”. Lúa sắp gặt, các loài chim, châu chấu, sâu bệnh phá hoại. Thiên tai rình rập. Lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Sợ mưa nguồn chớp bể. Sợ lũ lụt trắng đồng. Sợ vầng trăng tán, sợ ráng mỡ trời. Nếu có bề nào thì bao nhiêu công sức trôi tuột ra sông.

Những ngày giao mùa cũng lạ lắm. Đang nắng hanh hao, mây bỗng chuyển mầu vần vũ. Thế là rào rào mưa. Mưa nhanh. Hết mưa lại nắng. Nắng rồi lại mưa. Người xưa gọi đó là mưa bóng mây, hay mưa gọi rươi. Mưa mùa này không độc. Chỉ khổ người nông dân tranh thủ phơi thóc cứ phải hót vào, đổ ra liên tục. Chỉ sang tháng thôi, khi ngày giao mùa đã hết, mùa đông tới, trời lại đổ mưa. Tuy vậy, cái mưa đầu đông cũng có cái hay cái tốt. Cây cối tỉnh lại. Lá xanh hơn, thẫm hơn.

Cái dịu dàng thanh thoát của thời gian giao mùa bao giờ cũng khiến lòng người nhẹ nhõm, dịu đằm. Để vượt qua những nóng nảy, giận hờn thường nhật, tránh đi những lỗi lầm sai trái. Để nuôi dưỡng tâm hồn ta bằng tình yêu của mẹ, bằng nghị lực của cha.