
M
ột bông hoa không nghĩ đến việc cạnh tranh với bông hoa khác. Nó chỉ nở hoa thôi. Tôi cứ nhớ đến câu nói ấy, mỗi khi nhìn hoa giấy nở.
Trong thế giới ngàn vạn loài hoa, hoa giấy là cái tên rất… mong manh! Mong manh bởi nó nằm đâu đó trong danh sách rất dài những loài hoa người ta có thể nhớ, có thể quên, có thể trầm trồ, có thể hờ hững. Vì hoa giấy hữu sắc vô hương, làm sao đua chen nổi với sen, hồng, lan, huệ, đào, mai, ly, cúc và bao loài hoa khác khi không đậm đà, thanh cao, nồng nàn, quý phái hoặc thoang thoảng hay dìu dịu…? Nhưng cái đẹp sinh ra trên đời đâu phải để tranh đua! Huống hồ sự hiện diện nào của cái đẹp cũng mang ý nghĩa điểm tô, bù đắp những thiếu hụt cằn cỗi, làm dịu bớt cái xù xì, thô nhám của đời sống. Không mặc cảm rằng mình thua thiệt, hoa giấy cứ tự tin mà nở, cứ khiêm nhường mà khoe sắc, giữa thế giới muôn màu, bất kể nắng mưa.
Gọi là hoa giấy cũng phải, bởi cánh hoa mỏng manh, mềm như lụa, khi tàn khô và rơi xuống nhẹ bẫng, vẫn thắm sắc như lúc trên cành. Cái đẹp của hoa giấy nằm ở sự phong phú sắc màu và đông đảo về số lượng. Thoạt tiên là vài cánh đơn lẻ lấp ló sau lá cành, rồi những ngọn hoa, nhành hoa vươn dài từng chùm rủ xuống, khi tận độ là cả giàn hoa, vòm hoa, thành suối hoa, thác hoa bừng trổ. Tím, đỏ, vàng, cam, hồng, trắng, khi đơn sắc, khi đan xen, pha trộn mà không hỗn độn, ngọt ngào mà không sến súa, không sang trọng nhưng cũng không bình dân, lạ làm sao hoa giấy luôn khiến người ta ngỡ ngàng và mê mải.
Có lẽ vì vẻ đẹp mang tính lưỡng cực ấy mà hoa giấy được trồng khắp mọi nơi. Khi ở bờ rào, khi nơi đường vắng, khi trong sân nhà hay sảnh cơ quan, nơi dinh thự cao sang lẫn nơi nhà tranh ngõ nhỏ, nơi công viên xanh mát hay trên đường phố mưa chan nắng gội, khi mọc sum suê thành hàng thành rặng, khi được tỉa tót thành dáng bonsai trồng chậu để bàn… Ở đâu hoa giấy cũng đẹp bởi sự tự nhiên và dễ thích nghi của nó, không ai khen sang nhưng cũng chẳng ai chê hèn. Hoa không làm mình làm mẩy mà đỏng đảnh héo sầu đòi người phải quan tâm chăm sóc, cây cứ xanh tốt quanh năm, đến mùa thì bung lụa.

Ngôi nhà nhỏ của tôi ở ngoại ô cũng có một giàn hoa giấy, loại hai màu trắng hồng. Ban đầu chỉ là một ngọn dây leo tôi trồng sát mé tường, rồi ngọn cây ấy nhanh chóng bò lên vòm cổng, lan vào mái sân, bao trùm và toả rộng, che mát cả hiên nhà. Mùa hoa nở là mùa vũ hội của chim chóc. Sáng tinh mơ đã nghe tiếng chíp chiu, lích rích, líu ríu của bầy chim sẻ, chim sâu bay tìm gọi nhau xôn xao cả vòm hoa lá. Giàn hoa rực một góc đường, sáng bừng ngõ nhỏ những trưa hồng, những chiều tím. Bao người qua lại đã dừng chân chụp ảnh với bờ hoa giấy dạt dào lay động như suối chảy, như thác đổ. Nếu hoa giấy biết toả hương hẳn ngôi nhà nhỏ của tôi đã rất nồng nàn.
Mỗi người trong chúng ta yêu thích một loài hoa nào đó đôi khi không chỉ vì nó đẹp hay thơm mà còn vì gắn với kỉ niệm. Chẳng phải những đồi hoa sim của Hữu Loan cứ tím mãi những “chiều hoang biền biệt”, tím cả đời người bởi kỉ niệm tình lứa đôi mãi xót xa khắc khoải trong lòng, hay loài hoa ti gôn “tựa trái tim tan vỡ/ và đỏ như màu máu thắm pha” của TT.KH cũng trở nên đẹp buồn hơn khi gắn với hồi ức vui buồn, hạnh phúc và đau khổ trong tình yêu của con người đó sao? Nhờ in dấu trong kí ức tình đời mà vẻ đẹp, hương thơm của nhiều loài hoa đã vượt khỏi sự hữu hạn của đời sống tự nhiên, thành hương sắc bất tử trong nỗi nhớ niềm yêu của biết bao tâm hồn say mê cái đẹp. Những bông hoa cứ nở rồi tàn theo quy luật tự nhiên nhưng kỉ niệm trong ta thì thắm tươi cùng những sắc hoa và còn mãi với thời gian.
Tôi không nhớ chính xác mình yêu hoa giấy từ khi nào, nhưng nhớ rất rõ, hình ảnh giàn hoa giấy đổ dài như một trái tim lớn màu hồng trong khuôn viên trường ĐHSP Quy Nhơn thưở trước, nơi tuổi trẻ nhiều mơ mộng của tôi đã trôi qua ở đó với bao kỉ niệm êm đềm dưới giàn hoa giấy nở. Nhớ con đường miên man sắc hoa giấy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi lần đầu tôi nhận ra loài hoa ấy đẹp một cách lạ thường khi được trồng ở dải phân cách. Tôi nhớ Đà Lạt với những ngôi biệt thự thấp thoáng sau giàn hoa giấy tím hồng nơi dốc núi. Giữa thành phố ngàn hoa, hoa giấy vẫn đem đến cho những ngôi nhà cổ kính nơi đây vẻ đẹp êm đềm, trang nhã. Tôi nhớ Quy Hoà, nơi có rặng hoa giấy hồng tươi chạy dài theo lối nhỏ dẫn vào khu di tích Hàn Mặc Tử, những cánh hoa màu xác pháo ướt nhẹp sau trận mưa giông, nhắc ta nghĩ về sự mong manh của cái đẹp, về sự thuỷ chung của sắc hoa và cả sự vô tình của những bước chân người…
Thành phố cao nguyên, nơi tôi ở, bây giờ cũng đang vào mùa mưa. Giàn hoa giấy trước ngõ đã tàn từ tháng trước, chỉ còn lại vòm lá xanh thẫm lặng thầm trong mưa. Mấy rặng hoa nở muộn ở các con đường chỉ còn lác đác mấy cành, cánh rụng tả tơi, rã rượi. Người người dường như đã quên sắc hoa giấy mong manh họ từng tấm tắc, mê mải, để đắm đuối với bằng lăng tím, phượng hồng, phượng đỏ và bắt đầu ngóng đợi một mùa sen tháng sáu sắp về…!
Thì có sao đâu! Khi một bông hoa chẳng bao giờ nghĩ đến việc cạnh tranh với bông hoa khác. Nó chỉ nở hoa thôi.