Mười hai giờ trưa. Trời nắng như nung. Mất điện. Phòng điều hòa tối om. Chẳng mấy chốc, cả nhà ai cũng rịn mồ hôi. Cu em đang dang tay dang chân ngủ ngon lành bỗng vặn mình, ọ ọe rồi khóc váng lên. Bà nội vội mở cửa sổ kiếm tí gió trời. Một luồng gió hầm hập như vừa thổi qua một đám cháy ập vào, bà khép ngay cánh cửa.
Vội vã, bà vào bếp, mở cái tủ cũ, lục tìm. Đồ trong tủ đều đã lỗi thời, mấy lần dọn nhà, con cháu đòi bỏ cả cái tủ ấy đi cho gọn, nhưng bà bảo: “Cứ để đấy cho mẹ, biết đâu có lúc cần đến”. Bà cầm ra một cái túi bóng, trong có mấy cái quạt mo, cả to lẫn nhỏ, miệng cười “Món quà bí mật của bà đây!”
Rồi bà cầm lấy cái quạt to nhất, chao liền mấy cái. Luồng gió mát dịu khiến nét mặt ai nấy như giãn ra, nhẹ nhõm. Cái Na cái Nấm vội vã xích lại gần bà. Bà liền đưa cho mỗi đứa một cái và bảo: Phần cháu!
Hai cô bé háo hức cầm lấy hai cái quạt nhỏ xinh, màu nâu nhạt, tay ngượng nghịu xoay xoay, miệng he hé nụ cười. Cái quạt mo khiến mấy đứa trẻ quên đi nỗi bực dọc của giấc ngủ trưa chập chờn, dang dở. Đặt cu em lên võng, bà vừa quạt vừa cất tiếng hát:
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…
Nương theo lời ru dịu dàng, ấm áp, tôi trôi về miền kí ức trong trẻo nguyên sơ của tuổi thần tiên bên ông bà nội. Ngày ấy, cạnh bờ ao của nội có mấy cây cau xếp hàng thẳng tắp. Mỗi lần một lá cau héo khô rồi nhẹ nhàng gieo xuống, ông nội đều nâng niu đón lấy. Lũ con nít trong xóm rất thích dùng cái lá cau ấy để chơi trò chú rể kéo xe đón cô dâu. Nhưng ông quý cái bẹ ấy lắm, nhất là cái bẹ lá ôm lấy buồng cau ở bên trong (ông gọi nó là bẹ cái) vì nó rộng hơn, màu lại sáng đẹp hơn cái bẹ lá bình thường. Cái bẹ khum khum ôm lấy thân cau, khi rơi từ trên cây xuống vẫn còn dẻo nên phải cắt làm ngay, để lâu dưới ánh nắng thì sẽ rất giòn, khi cắt dễ bị tước dọc theo thớ sợi.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh nội dùng con dao cắt rời cuống lá, cắt sơ theo khuôn hình cái quạt, cẩn thận để không làm rách phần bẹ mỏng. Rồi nội đem ra giếng rửa thật sạch, để ráo rồi mới cắt lại tạo dáng cái quạt hoàn chỉnh. Nội tôi cắt mo cau rất khéo, không cần dùng bút vạch sẵn mà vẫn đều hai bên, đường lượn rất mềm mại. Quạt của nội thường có hình bầu dục, đầu quạt bo tròn theo cuống bẹ, thân quạt chạy dọc theo gân lá. Để mặt quạt phẳng phiu, nội thường kê mấy hòn gạch ép cái quạt lên tấm phản vài ngày.
Cái quạt mo có phần ngoài vỏ màu nâu sáng, phía trong trắng ngà điểm vài đường sọc. So với quạt giấy và quạt nan, quạt mo dẻo dai và bền bỉ hơn hẳn, lại không phải mất tiền mua. Khi những cơn gió mang theo cái oi nồng của mùa hè tới, nội đã kịp chuẩn bị cho cả nhà mỗi người một cái quạt mo cau.
Ngoài những cái quạt to của ông bà, bố mẹ, nội còn cắt những cái quạt nhỏ xinh cho vừa với đôi tay mấy đứa cháu. Cũng có năm, nhà dùng không hết, nội đem quạt mo tặng mấy nhà trong xóm. Dưới bàn tay khéo léo của nội, cây cau nơi góc vườn đã dâng tặng cho chúng tôi biết bao nhiêu gió mát. Cứ mỗi lần nhìn thấy cây cau hay cái quạt mo, tôi lại nhớ về đôi bàn tay đậm vết đồi mồi, nổi rõ các đường gân, thầm hình dung cái miệng thắm màu trầu luôn tủm tỉm cười của nội.
Nội ơi! Giờ ở chốn cao xanh, nội có còn nhặt bẹ cau làm quạt mỗi độ hè về? Nội có còn nhớ những đêm hè, cả nhà mình thường trải chiếu giữa sân hóng mát? Lần nào cháu cũng xung phong đưa cái ghế con ra sân cho nội. Nội bị thấp khớp lâu năm, hai cái đầu gối cứng đơ, mỗi lần đứng lên ngồi xuống đều phải gồng mình rồi xoa bóp mãi. Nội ngại ngồi chiếu lắm, cháu biết mà. Đêm hè năm ấy, mẹ luộc nồi hạt mít, bố xách ấm chè xanh, chúng cháu để dành những quả ổi, quả sim ngon nhất buổi chiều chăn bò hái được trên đồi và mở tiệc dưới trăng. Quạt mo trên tay nội chao đi chao lại, dịu mát cả đêm hè. Đã bao đêm cháu chìm vào giấc ngủ, lúc giật mình tỉnh dậy vẫn cảm nhận được làn gió thoang thoảng mùi trầu không của nội…
Có lần, tôi níu tay nội, thắc mắc: Ông ơi! Cháu thấy lạ lắm.
Nội cười: – Cái gì lạ nào?
– Sao kẹo ngon thế mà ông không thích ăn? Rồi tay của ông sao quạt mãi mà không thấy mỏi?
Nội bảo: – Tại vì ông là người lớn.
Tôi lại hỏi: – Khi nào thì cháu thành người lớn?
Nội cười thật hiền, ôm tôi vào lòng: – Ai rồi cũng lớn lên cháu ạ. Nhưng mà ông muốn cháu mãi bé thơ thế này thôi.
Người lớn thật khó hiểu!
Hè này, khi nội đã là người của muôn năm cũ, cô bé ngày xưa đã là mẹ của ba đứa trẻ, tôi mới phần nào hiểu nỗi lòng nội. Làm người lớn thật không dễ chút nào. Người lớn nghĩa là không muốn ăn miếng đùi, miếng nạc, chỉ thích gặm chỗ xương xương hay ăn miếng mỡ cho đỡ dắt răng. Người lớn nghĩa là không được ốm. Người lớn cũng phải nén tiếng thở dài, giấu giọt nước mắt để khuôn mặt con trẻ luôn lấp lánh niềm vui… Thảo nào năm xưa nội muốn cháu cứ mãi bé bỏng hồn nhiên thơ dại.
Hóa ra, không phải cứ đủ năm đủ tháng, càng không phải cứ to cao, khỏe mạnh là tự nhiên ta thành người lớn. Tự nguyện nhận về mình những thiệt thòi, biết vui niềm vui của con trẻ, bao dung cho những lỗi lầm của người đời chính là những bước chân đầu tiên trên hành trình trưởng thành của mỗi người. Nội ơi, giờ cháu mới hiểu rằng: người lớn chính là người có trái tim đủ rộng để yêu thương!
Giữa trưa gió Lào tháng sáu, nhìn các con tíu tít bên bà nội, háo hức khám phá món quà mộc mạc của cây cau thân thuộc, lòng tôi dịu lại… Cánh đồng mới cấy trước nhà đã đan dày những sợi xanh ngời ngời trong nắng. Lời ru của bà quyện vào tiếng xào xạc của cây lá trong vườn. Tôi ngước nhìn cây cau đang kiêu hãnh vươn mình lên bầu trời xanh thẳm, lòng thầm cất tiếng gọi “Nội ơi!”.