Tháng ba, phố như được đánh thức bởi mùi hương ngan ngát của hoa bưởi theo xe đạp rong ruổi từ Phú Diễn qua ô Cầu Giấy rồi vào thành nội.

          Ít ai biết rằng đầu thế kỉ XIX, Hà Nội có những làng ven đô nằm trải dọc theo bờ sông Tô Lịch ra tới tận mạn Hồ Tây mênh mông sóng nước.Ngoài nghề trồng lúa, trồng hoa, làm giấy,.. làng ven đô còn có thêm nghề làm các loại bánh như: bánh khảo, bánh dẻo, oản bột để cúng rằm hay dùng trong các dịp giỗ Tết. Nguyên liệu quan trọng không thể thiếu để làm bánh là nước hoa bưởi.
                        Qua rằm tháng Giêng những nhà trồng bưởi lại nhóm lò chưng cất nước thơm. Vì mùa hoa chỉ kéo dài vỏn vẹn vài tuần nên phải khẩn trương thu hái để đảm bảo hương thơm giữ được đậm nhất. Hoa bưởi dùng để cất nước thơm thường hái ở những cây bưởi trồng lâu năm. Cánh hoa nhỏ mà cho hương đậm. Chọn ngày nắng ráo mới trẩy hoa vì nếu gặp tiết mưa phùn ẩm ướt hương sẽ nhạt.
Tôi cùng nội ra vườn hái hoa từ lúc nắng còn chưa têm vàng mặt ngõ. Lựa những bông bưởi vừa xòe năm cánh vì nội dặn không được chọn nụ xanh nước sẽ đắng, không chọn bông nở quá nước sẽ chua.
           Những cành bưởi rả sát trên mái nhà ngang dãi nắng nên hoa nở dày, trắng xoá. Bầy ong mê mải rúc đầu vào nhuỵ hút mật, người dính đầy phấn vàng tươi. Đến non trưa thì hai bà cháu cũng hái đầy ắp thúng hoa. Trước khi chưng cất cần ủ cho hoa lên hương. Người ta dùng thêm vài vị thuốc Bắc mà chỉ người giàu kinh nghiệm mới biết gia giảm để hương bền mùi. Công đoạn này ông bà tôi phải nhờ cậy vào mấy người bạn trên phố Hàng Đường có nghề làm bánh lâu đời ủ giúp. Dụng cụ chưng cất nước hoa bưởi thường là chiếc nồi đất nung to đại, riêng nhà tôi chỉ dùng chiếc chõ gỗ nhỏ để chưng cất vừa một thúng hoa.
Trước khi cất nhẹ tay vẩy nước cho ướt cánh hoa. Cát rang thật nóng đặt dưới chõ hoa. Hơi nóng bốc lên hoa nhả hương ngưng đọng thành giọt vào chiếc vung trong vắt. Bốn mươi lăm phút đầu cho ra thứ tinh dầu đậm đặc, thơm nức mũi chỉ để dùng làm bánh khảo, bánh dẻo, bánh su sê. Ở những phút sau hương nhạt dần dùng cho các món chè.
                        Bếp củi nhãn cháy đượm, lửa đều. Hương hoa bốc lên thấm đẫm áo lụa, khăn nhung của bà bay tới tận nhà trên. Gặp hôm nhiều nhà cùng chưng cất cây cỏ thơm, đất trời thơm và người ngây ngây một mùi hương dịu dàng, thanh sạch. Cứ 10 kg cánh hoa cất theo cách rang cát cho ra 2 kg nước hoa còn cất bằng nước tức là đổ ngập hoa trong nước chưng lên lấy được 15 kg nước thơm. Đây là cách mà các hàng bán tinh dầu bưởi trên phố Hàng Bồ thường làm nhưng hương sẽ nhạt chưa kể có thứ nước hoa bưởi hoàn toàn là hoá học có nguồn gốc từ Trung Quốc nên bán rất rẻ.
Hoa cất xong dỡ vào chiếc chậu đồng, đổ thêm vài gầu nước mưa dùng để gội đầu hay tắm làm cho tóc suôn mượt, da dẻ mịn màng. Mùi hương tự nhiên phảng phất thật dễ chịu.
Quên sao được ngày Tết Hàn Thực mùi hoa bưởi thơm mát trong đĩa bánh trôi, bánh chay. Phong bánh khảo bọc giấy bóng kính mở ra, mùi bột nếp rang quyện hương bưởi ngửi thôi đã muốn đưa lên miệng để vị ngọt mát tan trong hương hoa.
Tôi nhớ mỗi lần bà nội thết khách quý, sau bữa cơm thường có các loại bánh hay chè. Mỗi loại chè tuỳ theo mùa mà thêm hương cho phù hợp. Chè hạt sen long nhãn ướp hoa sen, chè đậu đãi ướp hoa bưởi, chè đậu đen ướp hoa nhài, chè cốm ướp hoa cau, chè kê đi với hoa ngâu…
           Trải lớp giấy mỏng kín mâm đồng rồi rải lên trên một lớp hoa. Úp những chiếc bát đong chè xinh xinh, mỏng như vỏ trứng sao cho hoa non nửa rồi phơi sương qua đêm. Hôm sau nhấc lên đơm chè chỉ vài muỗng nhỏ hương thơm đã ngào ngạt tưởng như đang đi trong một vườn hoa đầy hương sắc. Đưa bát chè lên ngang mũi, hít một hơi thật sâu rồi từ từ lấy chiếc thìa sứ xúc từng miếng thưởng thức. Hương của nắng mưa, hương của sương tan trong đất kết tinh tụ thành hương hoa đọng trong mỗi bát chè thật thú vị vô cùng.
                        Mỗi lần ra phố, bà thường mặc áo lụa mỡ gà, quần sa tanh buông chấm gót, xách làn mây bên trong là mấy phong bánh khảo, lạng chè Thái ướp hoa sen bọc vải lụa điều mang biếu thông gia. Nhằm đúng mùa hoa bưởi sẽ có thêm chai tinh dầu mới cất thơm nức mũi.
Mấy mươi năm làng lên phố, vườn bưởi cũng theo đó mà mất dần. Mỗi độ tháng ba về, trong làn mưa bụi tôi nhớ bà nội… nhớ miền kí ức đậm hương bưởi ngày nào. Bất giác lòng tự hỏi:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”