Tác giả Hồng Vân

C ó rất nhiều câu chuyện kể về mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa mẹ chồng nàng dâu. Nhưng với riêng tôi, mẹ chồng là người tôi luôn yêu thương, kính trọng. Tôi làm dâu nhà mẹ khi còn là cô gái mới bước qua tuổi hai mươi non nớt, thiếu kinh nghiệm sống.

Gần hai mươi năm sống bên mẹ chồng, quãng thời gian đủ dài để tôi hiểu mẹ, xóa bỏ bức tường vô hình giữa mẹ chồng nàng dâu. Đối với tôi, bà vừa là mẹ vừa là người thầy đầu tiên dạy tôi mọi điều khi tôi mới chân ướt, chân ráo rời quê hương đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Bây giờ, mẹ chồng tôi cũng đã rời xa cõi tạm, bay về miền cực lạc. Nhưng những ký ức đẹp về mẹ như ngọn lửa ấm áp luôn âm ỉ cháy trong tôi.

Mẹ chồng tôi là một phụ nữ Mường xinh đẹp, sinh ra dưới chân ngọn núi Chồng Mâm bốn mùa mây phủ. Khi tôi về làm dâu, bà đã gần 60 tuổi nhưng vẫn giữ được dáng người thanh thoát, nước da trắng hồng khỏe mạnh, mái tóc đen dày lúc nào cũng được búi gọn gàng sau gáy. Đặc biệt bà có nụ cười thật ấm áp với hàng răng đều tăm tắp và đen nhưng nhức luôn thơm nồng mùi trầu thuốc. Lúc nào bà cũng giản dị trong bộ váy Mường tự dệt bằng sợi bông.

Ngày đó, ngôi làng nhỏ nơi tôi đến làm dâu nghèo lắm. Nơi đây, người dân sống chủ yếu nhờ vào những nương sắn, nương khoai… dưới chân ngọn núi bốn mùa mây phủ và những mảnh ruộng bậc thang nhỏ xíu nằm giữa làng. Cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu trong mỗi gia đình. Quanh năm ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nên không lấy làm lạ khi rất nhiều người trong làng không biết chữ. Cả đời chỉ quẩn quanh sau lũy tre làng nhưng mẹ chồng tôi lại là người có tư tưởng rất tiến bộ. Bà quan niệm rằng: “Có học, có hiểu biết mới thoát khỏi đói nghèo”. Bà luôn động viên các con cố gắng học để sau này trở về giúp ích cho bà con dân bản. Để có tiền trang trải học hành cho chín đứa con, mẹ chồng tôi đã không nề hà bất kỳ công việc khổ cực nào từ gánh gạch thuê, cấy thuê hay vác thuê những cây gỗ nặng hơn cả cân nặng của chính mình. Có những đêm mùa đông giá buốt mẹ chồng tôi vẫn một mình lặn lội nơi đồng sâu, suối vắng kiếm chút cá tôm bán lấy tiền cho các con đóng học. Rồi những ngày giáp hạt mẹ lại lặng lẽ nhường phần cơm trắng cho con giành về phần mình những miếng sắn sượng trái mùa nhạt thếch. Không phụ công mẹ, các anh chị chồng tôi chăm chỉ học tập rồi lần lượt trở thành bác sỹ, kỹ sư, bộ đội…Mỗi dịp anh em tụ họp đông đủ mẹ chồng tôi luôn căn dặn: “Các con phải biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, sống giản dị không được làm phiền hà đến dân.” Sau này, các anh chị chồng tôi dù công tác ở bất cứ đâu cũng luôn ghi nhớ lời căn dặn của mẹ nên luôn được anh em đồng nghiệp quý mến.

Bà là người thầy đầu tiên khi tôi mới đến vùng đất này. Từ việc dạy tôi học cấy, học gặt tới việc giảng giải cho tôi hiểu những phong tục tập quán về ma chay, cưới xin của người Mường. Ở đây, khi bố mẹ mất các con thường phải cắt cụt mái tóc để tang. Ngày bố chồng tôi mất, ông thầy mo đang cầm kéo định cắt đi mái tóc dài tha thướt của tôi thì bà ngăn lại và nói: “Ông cắt cho cháu ít thôi. Sau này cháu còn phải lên lớp, phải đứng trước học sinh. Tóc ngắn quá sẽ không đẹp. Lòng hiếu thuận thể hiện ở hành động chứ đâu chỉ qua một nắm tóc.” Mẹ chồng tôi là vậy, luôn yêu thương các con theo cách của riêng mình. Bà luôn dành những gì tốt nhất cho con cháu.

Tôi là đứa con dâu út ít của bà, chỉ nhỉnh hơn mấy đứa cháu trong nhà vài tuổi. Có lẽ vì vậy mà bà càng yêu thương tôi hơn. Những đêm đông giá rét, bên bếp lửa rừng rực cháy tôi thích lồng bàn tay nhỏ bé của mình vào đôi bàn tay ấm áp, thô nháp vì lao động vất vả của mẹ, nghe bà rầm rì kể những câu chuyện cổ tích của người Mường. Hoặc lặng lẽ nghe bà đọc những bài thơ, bài ca dao xưa cũ. Đặc biệt tôi thích ngắm bóng bà chập chờn bên vách nứa, thích mùi trầu thơm nồng tỏa ra từ người bà. Mùi trầu thơm đó cho tôi cảm giác thật ấm áp, cảm giác được yêu thương, che chở. Biết tôi thích ăn rau đồ bà thường vào rừng kiếm rau về đồ và để dành cho tôi. Món rau đồ của bà thật ngon. Nó có vị thơm của những hạt vừng đen, vị nhăng nhẳng đắng của thứ quả cà dại đầy gai mọc ven đường. Vị thanh mát của rau muồng muồng, của thứ mụn éo vừa chui dưới đất lên. Vị ngọt của những tai nấm mọc trên các thân cây mục mùa mưa. Sau này tôi đi nhiều nơi và cũng được thưởng thức nhiều loại rau đồ nhưng vẫn không thấy ngon bằng món rau của mẹ chồng tôi. Món rau mang cả tình thương của người mẹ dành cho con.

Mẹ chồng tôi không chỉ dành tình yêu thương cho các con mà còn luôn luôn hết lòng giúp đỡ mọi người. Vốn sẵn có nghề bốc thuốc nam cha ông truyền lại nhưng bà không dùng nó để kiếm tiền mà để cứu người. Bệnh nhân của bà là những cặp đôi hiếm muộn từ khắp các nơi đổ về với mong muốn có được đứa con cho vui cửa vui nhà, là những gia đình nghèo trong làng, đêm hôm khuya khoắt chồng con đau ốm không kịp đi bệnh viện. Ai đến xin thuốc bà cũng cho, không kể giàu nghèo, không kể xa gần, không kể lúc đó là đêm khuya hay sáng sớm. Bà thường bảo: “Trăm việc tốt không bằng việc cứu người”. Nhiều khi gặp những bệnh nhân nghèo mẹ chồng tôi vừa bốc thuốc, vừa cho thêm chút quà giúp người bệnh bớt phần nào khó khăn. Để có những cây thuốc quý hiếm cứu giúp người bệnh bà không ngại ngần leo lên đỉnh ngọn núi Rộc trước nhà hay đi đến những cánh rừng xa để kiếm tìm. Những gia đình được bà chữa khỏi bệnh, đem lại niềm vui nhiều không kể hết. Cứ mỗi dịp tết, đến xuân về, những người đã từng được bà chữa trị bệnh lại từ khắp nơi đổ về thăm bà. Ngắm nhìn nụ cười thơ ngây của những đứa trẻ, nhìn niềm hạnh phúc ngời lên trong mắt của những ông bố, bà mẹ hiếm muộn, mẹ chồng tôi thường nở nụ cười ấm áp.

Có lẽ những năm tháng nuôi con ăn học vất vả, những ngày đổ mồ hôi kiếm tìm thuốc cứu người đã khiến cho sức khỏe mẹ chồng tôi hao mòn dần. Cho đến một ngày bà phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Trái ngược với sự bất ngờ, đau xót của các con, mẹ chồng tôi bình thản đón nhận. Bà động viên anh em tôi rằng: “Ai rồi cũng phải già. Mẹ gần 80 tuổi rồi lo gì nữa”. Những ngày tháng cuối cùng còn lại của đời mình bà vẫn lạc quan và luôn truyền cho con cháu niềm tin và niềm hy vọng. Bà mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật mà không hề kêu ca hay oán thán. Nhiều lúc nhìn mẹ ngày càng hao gầy bởi căn bệnh quái ác tôi không khỏi đau xót đến rơi nước mắt. Mỗi lần nhìn thấy nước mắt tôi rơi mẹ lại khẽ đưa bàn tay chỉ còn da bọc xương vuốt mái tóc tôi, mắt ánh lên đầy những thương yêu. Rồi bà nhẹ nhàng ra đi vào một ngày cuối hạ để lại cho anh em tôi bao nỗi nhớ thương, xa xót.

Mẹ chồng tôi – người phụ nữ Mường cả đời gắn bó với ruộng đồng nhưng có trái tim thật ấm áp. Cả cuộc đời bà luôn cho đi mà không cần nhận lại. Nay mẹ chồng tôi không còn nữa nhưng những ký ức về bà, những yêu thương và những việc làm tử tế mà bà đã dành cho các con, cho dân bản như những bông hoa đẹp, tươi thắm mãi trong lòng mọi người. Tôi mong bà nơi miền cực lạc cũng có một cuộc sống vui vẻ và được mọi người yêu thương như bà đã từng yêu thương và sống hết mình vì những người xung quanh.