Có lần con gái tôi hỏi: mẹ ơi, mùa thu có màu gì? Thu màu gì ư? Tôi nói với con rằng: con hãy nhìn xem, có thể đó là màu áo mơ phai của những chiếc lá rơi, màu xanh của những lá mạ nõn nà, màu vàng như rót mật của những giọt nắng.

            Nó cũng có thể là màu hồng của những quả ổi đào đang chín mọng hay là màu mây thiên thanh đang lãng đãng giữa bầu trời rất trong. Con gái tôi im lặng, gật đầu như vừa đồng ý, như vừa chìm vào thế giới đầy tưởng tượng của nó. Những như thế vẫn là chưa đủ. Với tôi, những mùa thu đi qua không chỉ có gam màu sáng mà còn có gam màu trầm, thật trầm. Bởi thu trong tôi là những niềm thương dành cho những phận đời phụ nữ.

                         Tôi thương mẹ tôi từng đi qua những mùa chớp bể mưa nguồn. Thương mẹ tôi vất vả tháng ba ngày tám. Mùa thu cũng là mùa bão đã được báo trước vì quê tôi là rốn bão. Đó cũng là những ngày mưa rất dài, rất rộng. Mưa như bù lại những ngày nắng như rang giữa bỏng rát gió Lào. Giữa những cơn mưa, mẹ tất tả lo cả đàn con, đàn lợn, đàn gà. Mẹ mặc áo mưa nhưng trong ướt như ngoài. Có những đêm, mưa sầm sập, sấm chớp đì đùng. Gió to, những ngọn đèn dầu vừa thắp lên lại bị tắt. Nước từ khe cửa sổ hắt vào, nước từ trên mái ngói vỡ rơi xuống. Nhà sũng nước. Mấy đứa trẻ co ro ngồi một góc, tìm chỗ không ướt mà ngồi. Mấy đứa lớn thì hỗ trợ mẹ. Mẹ cứ phải che chỗ nọ, đậy chỗ kia.

Thỉnh thoảng, mấy đứa em khóc thét vì sấm chớp liên hồi. Mẹ chạy lại vỗ về: Không sao! Không sao! Lát thấy về! Về làm sao kịp, thầy tôi đang ở ngoài biển cơ mà. Lời động viên của mẹ làm mấy chị em yên tâm. Tiếng của mẹ xen giữa tiếng gió mưa. Nhưng tôi nghe rất rõ, đó là tiếng yêu thương, chở che, vỗ về! Tiếng của sự gắng gượng!

           Rất nhiều năm như thế, mẹ dãi dầu mưa gió, bão bùng. Thu đến mang theo những cơn gió, cơn giông, mang theo vất vả cho mẹ, cho cha. Nên khi nghĩ về mẹ, tôi thấy màu của thu là màu của nỗi thương thẳm sâu, vời vợi. Thương hơn cả một chữ thương!

Tôi cũng thương ngoại tôi một đời vất vả, gian nan. Ngoại sống cảnh góa chồng từ sớm. Ngoại mất trong ngày mua thu đã chín, đã ngọt. Ngoại ra đi khi đã bao mùa chăm chút vườn cây để cho chúng tôi những trái ổi, trái thị mọng chín, ngọt lành. Ngoại ra đi khi bệnh nặng, khi thầy tôi, các dượng và các anh – những người đàn ông vững vàng đang lênh đênh biển khơi. Lo đám tang của bà là những người con gái, là các gia đình thông gia, là những đứa cháu đang lúc bối rối. Thời đó không có thiết bị thông tin liên lạc như bây giờ, nên gia đình chỉ biết đến bến sông ngóng đợi. Trong kí ức nhạt nhòa, trong tôi còn đọng lại hình ảnh tôi và một người chị ngồi đợi ở bến sông. Dòng sông hôm ấy cũng chảy chậm hơn, thao thiết hơn.

                        Khi hoàng hôn buông, những người đàn ông của gia đình tôi trở về. Thấy thầy tôi, chị họ tôi chỉ tôi được câu duy nhất: chú ơi, bà mất rồi! Chị nói, mắt thì ầng ậng nước và giọng nghẹn đi! Còn thầy tôi và các chú cũng trở lên lặng lẽ. Chao ôi! Đời người có bao nhiêu? Khi người thân ra đi, không ở cạnh nhau những giây phút cuối cùng, người ở lại day dứt biết bao! Lúc này, tôi thấy màu của mùa thu là màu tiếc nuối, xót xa, màu của sự chia biệt vĩnh viễn.

Khi hạ vắt mình sang thu, không khí ở quê tôi vẫn chẳng hề dễ chịu. Sau những ngày mưa là nắng nên đám trẻ con ở làng vẫn hay vẫy vùng sông, tắm biển. Và có những đửa trẻ đã gửi mình cho chốn ấy. Để rồi tôi thương đến thắt lòng những người phụ nữ đi dọc bến sông, dọc bãi biển để gọi tên con. Những tiếng kêu cứ lịm dần, lịm dần. Sau nữa họ chỉ có thể gọi tên con bằng hơi thở.

           Nhưng những tiếng gọi ấy cũng thoảng theo gió bay, cũng theo dòng sông trôi về biển cả. Những tiếng gọi đầy ám ảnh với bao nhiêu cuộc đời đã từng chứng kiến những câu chuyện đó. Bao năm là bao tiếng gọi! Trong số những người phụ nữ ấy có cô tôi. Cô cũng đã từng như chết đi sống dậy khi mất 2 đứa con trong vòng 3 tháng, đứa giữa mùa hạ, đứa đầu mùa thu. Đứa vì bạo bệnh, đứa vì đi theo tiếng gọi của đại dương! Nhìn cô, tôi thấy sự nghiệt ngã tận cùng của số phận!

                        Ngày trước, khi những quả thị tỏa hương khắp làng, nhất là vào độ tháng 7 âm lịch cũng là thời điểm trẻ em làng tôi bị đuối nước nhiều nhất. Người làng tôi lý giải rằng, tháng cô hồn hà bá hay bắt trẻ con! Có chăng đó chỉ là một lời lý giải để ủi an cho những niềm đau. Tôi không thể gọi tên được niềm đau của cô tôi, của những người mẹ ấy. Nếu như có một sự so sánh thì tôi nghĩ nỗi đau ấy cũng dài như sông, rộng như bể! Lúc này, màu của thu trong tôi là màu bất lực, tuyệt vọng, đớn đau!

Mùa thu miền Trung không dịu nhẹ như thu miền Bắc. Người làng hay nói “nắng tháng tám rám trái bưởi”. Quả đúng là như thế. Mùa thu gì mà gió thì ran rát, nắng thì chan chát. Giữa cái nắng khiến cỏ cây như chạnh lòng, con người như buồn giận tôi thấy thương hơn những người phụ nữ ở làng biển của tôi.

            Những chiếc thuyền đánh cá trở về không kể ngày nào, giờ nào. Họ về khi cá đầy khoang hoặc nhiên liệu đã cạn. Bởi thế mà có những khi thuyền về giữa lúc cuối buối sáng hoặc chiều muộn, những người phụ nữ vội vàng gánh cá để kịp bán phiên chợ quê. Những bước chân xiêu vẹo nơi bến sông hay ngoài bãi biển vì gánh nặng, vì bùn trơn, vì cát choãi. Bước thấp, bước cao, họ đi như chạy cho kịp giờ bán. Lúc ấy mồ hôi của họ cứ chảy, chảy mãi trên những khuôn mặt đã phai nắng phai sương. Tôi có cảm giác hơi thở của họ lúc đó cũng mang vị mặn mòi. Vị mặn của mồ hôi, vị mặn của gió biển, vị mặn của những toan lo.

Nhiều cuộc đời phụ nữ đều như thế, đôi vai của họ ngày càng gầy đi, quang gánh của họ ngày càng nặng hơn. Họ gánh cuộc sống của gia đình mình, gánh tương lai của những đứa con, gánh cả thời gian, gánh cả những mùa thu đi qua. Nhìn họ, tôi thấy mùa thu mang trong mình màu của sự cay cực, nhọc nhằn.

                          Tôi thấy cuộc đời dài dằng dặc của những người phụ nữ ấy cơ bản là buồn, là khổ. Nhìn những mùa thu đi, nhìn những người phụ nữ lặng lẽ đi qua những cùng cực, đi qua những đớn đau, tôi chỉ thấy cảm thương, trân quý. Ừ thì đời buồn đó, nhưng những người phụ nữ ấy cũng đã chắt chiu những niềm vui, niềm hi vọng. Vì không có niềm vui, không có hi vọng, sao có thể sống tiếp?

Trên con đường ta đi, nhiều khi cũng phải dừng lại một chút, lặng mình một chút để ru lòng, để nghĩ về những người quanh ta. Giữa những mùa thu rất lặng, mang trong mình nốt trầm, tôi vẫn thấy chan chứa những tin yêu. Bởi tôi biết mình vịn vào những người phụ nữ ấy để có thêm những nghị lực, những yêu thương, những sẻ chia. Chỉ từng đó thôi, cũng giúp tôi bình tâm, đi tiếp…