Tôi bị ám ảnh bởi rêu. Đó là thứ nát nhàu và oằn mình dưới dấu giày của tha nhân. Đó là thứ hầu như vô hình trong đôi mắt nhân thế. Bởi rêu quá mỏng, quá gầy, quá hư hao…

           Tôi nhớ lần đầu tiên tôi lắng nghe được lời của rêu. Ấy là năm tôi lên 10 tuổi. Tôi cùng đám trẻ con đến chúc mừng sinh nhật đứa bạn cùng lớp. Lũ chúng tôi ai nấy đều háo hức. Và càng mắt tròn mắt dẹt khi bước vào phòng khách lộng lẫy của nhà bạn, nhất là bể cá rất to, rất đẹp án ngữ ở góc nổi bật nhất của căn phòng. Cả bọn ào đến xem cá, ríu rít chỉ trỏ, xuýt xoa…
Còn tôi, không hiểu sao, tôi chỉ chú ý đến những cánh rêu mỏng manh, trôi dạt trong những hạn định tầm thường không được kiến tạo nên bởi tự nhiên và vũ trụ. Tôi thương rêu! Tôi lắng nghe và cảm nghiệm được lời thở than xa vắng, nỗi oán thán bất lực, âm thanh của hao gầy, phôi pha…

                        Ngày ấy, buổi chiều, mẹ và các chị tôi thường rủ nhau đi “cất rớ”. Đó là những mảnh vải màn cũ được cắt ra, may vào chiếc gọng bằng tre, rang một ít cám thơm làm thính, rắc xuống rớ và dùng một chiếc sào tre buông xuống ven hồ. Mẹ đi hết vòng quanh hồ là hết một lượt vài chục rớ và sẽ quay lại chiếc đầu tiên nhẹ nhàng nhấc bổng lên. Các chị tôi hào hứng say mê nhìn những chú tôm, đàn tép, có khi là vài con cá rô, cá diếc sa bẫy, khoái chí đổ vào chiếc rổ đậy lá chuối mẹ đã chuẩn bị.

Ảnh: Shykhman
Nhưng, tôi lại gặp những bóng rêu. Một chút xanh lạc loài, một chút vàng vọt năm tháng, một chút ánh tím cô liêu…Tôi đón những lá rêu li ti vào lòng tay và tưởng như mình đã chạm được vào hồn cốt thẳm sâu của đáy nước. Tôi mê mải đến quên cả chiều tà, quên cả sự biến mất của ánh sáng, sự chiếm hữu của bóng đêm. Chỉ còn thứ âm thanh duy nhất quấn quít lấy hồn tôi, chen lấn vào trong từng kẽ hở liu riu của các giác quan tôi đang trỗi dậy. Đó là lời của rêu! Tôi thả rêu về với nước, về với sự tan loãng, về với sự không hạn định của tự nhiên. Bởi tôi biết, chút đong đưa của rong rêu cũng chẳng thể nào làm đau ai cả, dù là một tiếng sóng của dòng sông…
          Tôi thường ngắm nhìn rêu trên mỗi con phố tôi qua, trên những đám tường loang lổ hằn in bước chân năm tháng. Rêu đang mải miết lưu lại những vết dấu đã qua của ngày, của đời, của cõi thường hằng vô định. Kim Trọng hẳn đã tái tê đến mức nào khi dấu tích cuộc tình đầu chỉ còn lại trong chút rêu phong cũ càng nhói buốt…

                         Rêu trong cảm thức của tôi gắn với thân phận của một người phụ nữ tôi yêu quý – dì tôi. Đó là một người đàn bà bất hạnh. Lúc thiếu thời, dì tôi xinh đẹp. Một lần, trò đuổi bắt trẻ thơ đã khiến dì bị ngã, dập nát nhiều bộ phận nội tạng. Từ đó, cuộc đời dì gắn liền với bệnh tật, với tàn phế và cô độc. Nhưng rồi một ngày, mối tình đẹp nhất mà tôi từng biết đã thăng hoa. Người đàn ông cao thượng ấy đã đủ yêu thương, đủ hơi ấm để nâng niu một cọng rêu hao gầy, tàn héo, đã lắng nghe được khát khao khẩn thiết của cánh rêu mỏng manh- khát khao được yêu, được sống, được cất lên bài hát dịu êm muôn thuở của hạnh phúc hữu hình…

Ảnh: Jplenio
Dẫu vậy, năm 40 tuổi, dì tôi qua đời. Mái nhà tranh của dì úa tàn trong tiếng kẽo kẹt tre nứa quạnh hiu. Bước chân tha hương dẫn tôi tìm về bên bậc thềm thuở trước, chỉ còn lại đám rêu cô đơn bạc phếch, nhức nhối. Thấp thoáng bóng ai như những tâm hồn đã đi qua cuộc đời tôi, những thân phận bé nhỏ cô đơn đã in dấu trong run rẩy tôi, những giọt lệ thời gian vương lại nơi những cọng – rêu- tôi…Tất cả lướt qua cõi nghìn trùng tựa đám mây phiêu lãng, không thể biết bắt đầu và dừng lại ở đâu, tựa như những rêu phong không biết đã đến và biến mất tự lúc nào.
           Ngày mai, nếu ai đó trượt chân bởi chút rêu bám víu trên mặt phố, xin đừng oán giận. Xin hãy tin rằng có một tâm hồn đơn côi nào đó, một trái tim nhiều thương tổn nào đó đang muốn kể với bạn câu chuyện của cuộc đời. Chuyện của loài rêu!