Bùi Chu là tên một giáo phận, cũng là tên một nhà thờ cách làng Nghĩa Xá của tôi không xa. Cùng với Phú Nhai, Bùi Chu là niềm tự hào của tôi mỗi khi dẫn bạn bè về thăm quê nội…
Hơn 100 năm, trầm mặc rêu phong, vẻ cổ kính của nhà thờ Bùi Chu, những vết dấu thời gian mưa nắng chính là giá trị lớn nhất mà tôi cảm thấy ở đây. Vùng quê tôi có bao nhiêu nhà thờ mới lộng lẫy mọc lên, nhưng chỉ có Bùi Chu, rồi Phú Nhai, hay nhà thờ đổ ven biển Hải Lý…, là khiến tôi có cảm giác run run, linh thiêng mỗi khi bước vào, chạm tay trên những bức tường, ngồi trên băng ghế, nhìn những vết rêu, vết nứt, nét chạm trổ và nghe tiếng chuông ngân…
Tôi tin mỗi viên gạch nơi đây là một trầm tích, chứa những linh hồn… Trên gác chuông này, bao nhiêu thời khắc đã qua. Bao nhiêu người gác chuông đã cần mẫn công việc ấy mỗi ngày mỗi đêm, và bao nhiêu người gác chuông đã chết. Trên mỗi băng ghế kia, bao nhiêu người đã quỳ xuống ngước nhìn Thiên Chúa, cảm nhận đến tận cùng phận người mỏng manh, để xin ơn trên che chở…
Có bao đôi lứa đã bước ra từ giáo đường để rồi con cháu họ lại bước vào nhà thờ này trong ngày lễ hôn phối giữa thánh thót tiếng ca đoàn…
Nơi ấy, người ta đã trọn vẹn một niềm tin dâng lên Chúa, gửi gắm tâm hồn mình cho một đấng cao siêu. Cái khát vọng được bày tỏ, đươc hiểu thấu…chính là khi con người quỳ xuống ở đây, trên những viên gạch lát, trên những băng ghế lim đen bóng. Trên thế gian này, khi tuyệt vọng nhất, khi không ai thấu rõ, thì vẫn còn có Chúa!
Bao nhiêu cư dân giáo phận, những xóm đạo trong vùng lớn lên cùng âm thanh của tiếng chuông đổ, cùng tiếng thánh ca cất lên mỗi dịp cuối tuần, hay ngày thánh lễ… Bao nhiêu người giản dị, bình tâm đã sống cuộc đời an lạc trong niềm tin ấy. Và ngôi nhà thờ đã nghiêng bóng xuống phận đời họ- mỗi con người nơi đây- một máu thịt thiêng liêng.
Có lẽ vì thế chăng, mà mỗi viên gạch nơi đây đã cất lên tiếng nói khi cái tin nhà thờ sẽ phải hạ giải? Và may mắn thay, quê tôi vẫn sẽ còn một ngôi nhà thờ hơn trăm tuổi đủng đỉnh tiếng chuông đếm nhịp thời gian… (Phạm Thùy Vinh)
Tôi không có cái may mắn của Phạm Thùy Vinh. Quê nội tôi không có một Bùi Chu càng không có những hồi chuông ngân Chúa về cứu rỗi linh hồn. Dẫu vậy cuộc đời nơi tôi cứ mải miết đi qua những tòa thánh trên bước giáo đường chiều không em. Kể cũng lạ, tôi luôn bị ám ảnh bởi những tòa tháp nghiêng hỏi trời, những đoạn chuông bay hỏi đất và bàn tay Chúa hỏi khắp thế gian… Có những khuya vắng trên lối dắt tôi về nhà, đôi khi tôi trong veo tan chảy vào những bồi âm xứ đạo.
Tháng 12 năm 1998 về quê một người bạn chơi, tôi hăm hở mang theo một chiếc Zenit để ghi lại hình ảnh một nhà thờ mà bấy lâu tọa lạc trong tâm hồn như một niềm ngưỡng vọng. Bùi Chu phong rêu cổ kính và yên lòng như một lời nguyện cầu.
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) người Tây Ban Nha với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, hai tháp chuông cao 35m. Nhà thờ có chiếc đồng hồ cổ kính, sản xuất đơn chiếc theo đơn đặt hàng ở Pháp từ năm 1922. Máy đồng hồ có kích thước 1,2m x 0,7m, hoạt động theo nguyên tắc sử dụng thế năng. Ðồng hồ dùng ba quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg.
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là một trong những nhà thờ cổ kính nhất ở các tỉnh phía Bắc, có lịch sử tương đương Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (ra đời năm 1880) và Nhà thờ Lớn Hà Nội (ra đời năm 1886). Đây là nơi lưu dấu ấn lịch sử truyền giáo, giao thoa văn hóa Đông – Tây ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là công trình có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc.
Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Hàng năm vào ngày 8 tháng 8, ngày lễ quan thầy của giáo phận, có nhiều giáo dân tập trung về dâng lễ. (wikipedia)
Buổi ấy, tôi đứng trước Chúa với trái tim của chàng trai chưa tròn 20 tuổi, cái bóng của Chúa thêm hồn cốt của Bùi Chu đổ vào bóng tôi mà bay bổng mấy giọt chuông ngân. Thánh đường Bùi Chu như một cuộc đời hay ngàn vạn cuộc đời, rêu phong Bùi Chu như một bài thánh ca kể về những phận giáo dân thăng trầm dòng trong dòng đục, dòng đầy dòng vơi, dòng sáng dòng tối, nhưng hơn tất thảy là những tâm hồn hướng về cái đẹp. Yêu thương vẫy gọi thiên thần.
Lạ kỳ thay những tháp chuông ngân, run rẩy thay những mái vòm cũ kỹ, thời gian xô đẩy những mái ngói Bùi Chu lớp lớp xếp chồng lên nhau, xếp chồng lên những ký ức bốn mùa, xếp chồng lên những buổi chiều nguyện. Ai đó ngang qua Bùi Chu, ai đó ở lại Bùi Chu, ai đó đã đặt bàn tay của Chúa lên trái tim mình, còn tôi hơn hai mươi năm sau lặng lẽ Lời nguyện cầu Bùi chu. (Hồ Huy)