le-phuong-1

Tôi là Lê Phượng

Thành viên của Tản Văn Hay từ 7 tháng 1, 2022.

T ôi đứng dưới lùm cây, cơn mưa Thu bất chợt ào xuống, không chạy đi đâu được tôi tránh vào một gốc cây, những tán lá như chiếc dù lớn che cho tôi không khỏi ướt cũng đỡ phần nào. Một ngọn gió lướt qua , những chiếc lá vàng theo mưa rụng xuống, tôi chợt thương những chiếc lá.

Bạn tôi từng viết cho tôi dòng chữ, sau ngày mẹ tôi đi xa, khi tôi lặng trong đau đớn, xót xa: “Đời người như chiếc lá, những chiếc lá khô đi rồi rụng xuống nhưng vòm cây vẫn mát xanh vững chãi. Vì vậy hãy bình tâm lại sau mỗi lần mất mát…” tôi càng thương những chiếc lá và thương những cái cây, hiểu được sự hữu hạn của đời người, thấm sâu hơn sự sống là bất tận.

Lá, một phần của cây, giúp cây quang hợp và giúp duy trì sự sống của đời cây. Nhưng không chỉ thế, với cuộc sống cây và lá còn có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của con người dù lá mong manh, đời lá ngắn ngủi. Ta đôi khi tất bật với cuộc sống, vật lộn với dòng chảy cuồn cuộn không ngừng của cuộc đời, nhiều khi vô tình không để ý.

Ngày thơ ấu, tôi đã không biết tôi đứng trong bao nhiêu bóng râm, nhờ cây che nắng che mưa biết bao lần, tôi từng đi học dưới hàng cây râm mát, ngồi đưới tán cây cùng bạn bè đọc một cuốn sách nào đó nhưng có bao giờ chú ý đến nó cho đến khi rời xa, mới thương vòm lá giờ thành kỷ niệm, nhiều lúc khao khát được trở về đi dưới tán cây và nghe lá hát khúc thanh xuân.

Tuổi học trò gắn với cây với lá: đường đi học trải dài bóng lá, lớp học bâng khuâng sau vòm lá rũ, ngày chia tay, một người thương một người đã tặng chiếc lá thuộc bài ép trong trang sách với những câu thơ đẹp, gửi gắm trong ấy lời chúc, lời kỳ vọng, khát khao.

Thương sao những mái lá ở quê nhà chiều chiều vấn vương khói bếp thơm nồng, thương chiếc lá chuối ta bẻ vội che trên đầu cùng bạn để tránh những hạt mưa, chiếc lá thành kỷ niệm, thành mảnh trời xanh thương nhớ, thành nỗi khắc khoải trong lòng suốt những tháng năm xa .

Lá, chỉ là lá thôi nhưng dưới bàn tay và sự cần mẫn của con người nó đã thành những chiếc nón lá xinh xắn che nắng che mưa cho mẹ ra đồng, cho em đi học. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những ngôi nhà lá, ngôi nhà ngày thơ bé của tôi là ngôi nhà tranh vách đất, mái lá đã che mưa che nắng, che chở cho chị em chúng tôi lớn lên theo tháng rộng, năm dài rồi bơi vào cuộc sống.

Nhìn những chiếc lá tôi bỗng nhớ lịch sử đất nước mình, “Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau” Thép Mới đã viết như thế và chính những cây, những lá quê hương đã góp phần giữ gìn, che chở cho bao người trong những cuộc kháng chiến chống ngoai xâm.
Ngày Lê Lợi khởi nghĩa, Nguyễn Trãi đã dùng lá cây làm những chiếc truyền đơn, những lời sấm truyền. Con người tài hoa và thông minh ấy đã đánh vào tâm và dựa vào tâm. Nguyễn Trãi đã cho người dùng mỡ viết vào lá rừng để kiến theo những đường mỡ để ăn tạo thành chữ viết trên lá, gió rừng đã thổi bạt ngàn lá đến với muôn người, từ đó tạo dựng một niềm tin, cũng cố một ý chí chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn ta hằng trăm lần. Thương quý sao những chiếc lá đã góp phần cùng cha ông giữ nước trong những ngày xa xăm ấy.
Trên bước đường kháng chiến chống Pháp, những người lính cụ Hồ năm xưa dù trong gian khổ “ quân xanh màu lá” vẫn yêu thương cây lá vẫn giữ cho mình tâm hồn lãng mạn, hào hoa. Sau chặng đường hành quân đầy vất vả , vẫn thấy “ Mường Lát hoa về trong đêm hơi” rõ ràng họ rất mệt, nhưng cái mệt không làm mất đi vẻ đẹp tâm hồn của những chàng trai Hà thành: lãng mạn, yêu lá và yêu hoa.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn và khốc liệt, bao lớp người ra trận, bỏ lại sau lưng mẹ già, vợ dại và cả những tình yêu vừa chớm hé “ Khi chiếc lá xa cành. Lá không còn màu xanh. Mà sao em xa anh. Đời vẫn xanh rời rợi….”, thế hệ hệ con người của những năm tháng ấy vẫn nhớ mãi bài hát nầy. Cuộc chia ly có buồn thương tha thiết nhưng vẫn xanh mãi niềm tin. Họ ra chiến trường, đại ngàn Trường Sơn đã che chở họ, những chiếc lá rừng đã giang rộng tay giữ gìn, chắn che những người con yêu Tổ Quốc mình. Tôi cứ nghĩ: nếu không có lá và cây rừng, tất cả là vùng trắng xóa, họ biết ẩn vào đâu? Nhiều người trong số họ không trở về ,lá cây rừng đã ủ ấm cho họ, lá hát cho họ nghe khúc hát ngàn năm.
Chiến tranh qua đi, những cụ già ngồi dưới tán cây trong buổi chiều tà, nhấp tách trà, lắng nghe chim hót, đó cũng là một cách di dưỡng tinh thần, làm lắng đi nhưng buồn thương, đau xót.
Lá không chỉ che chở con người khi còn xanh, khi héo rũ, khô cong lá còn là nguồn chất đốt rất quý.
Tôi nhớ mãi những chiếc lá khô trong vườn xưa năm nào, lá cháy đượm trong bếp mẹ nấu, cơm nấu bằng lá mau sôi, khi cơm cạn mẹ un tro, vần lửa, ủ cho cơm chín mềm mà không cháy đậm. Cơm nấu từ lá khô, hạt cơm săn dẻo, ngọt bùi, lại có lớp cháy mịn dưới nồi, giòn mềm rất ngon!

Nhớ những mùa hè, lá trong vườn rụng nhiều, quét lá nấu cơm mới nhận ra mùi thơm nhất của lá khô là mùi lá ổi, cái mùi thơm thơm, dìu dịu rất riêng không lẫn vào đâu được, lá quắt khô mà vẫn giữ lại hương. Mùi lá ổi dịu thơm như đọng mãi trong hồn để khi đi xa lại ngùi ngùi thương nhớ.
Chiều xang bóng nắng, nhìn lá rụng lại thương cái bếp nghèo, nơi đó mẹ đợi con về, mỏi mòn suốt bốn mùa mưa nắng để con được một bữa cơm ngon.
Lá khi chết đi, mục rã tạo thành lớp phân nuôi dưỡng đất. Rõ ràng lá đã tận hiến cả cuộc đời mình cho sự sống. Thế nhưng có nhiều người đã không thương lá, thương cây, họ đã chặt phá cây không thương tiếc, họ có biết đâu họ đã phá hủy môi trường sống của chính họ và cả bao loài. Lá khóc không thành tiếng, chết rũ trong đau đớn, uặt oài.

Giữ gìn cây, giữ gìn lá không chỉ là yêu thiên nhiên cây cỏ mà còn biểu hiện vẻ đẹp nhân bản, nhân văn của con người. Mùa Thu về tôi lại nhớ bài thơ “Mùa lá rụng” của Onga Becgon

“Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa…
Mát xcơ va lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trên đời
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng”

Đọc những dòng thơ này lòng dâng lên bao cảm xúc, tôi học được một bài học về tình yêu dành cho lá và cây.