TÁC GIẢ: CAO PHAN LONG

M ỗi dòng sông đều mang trong mình một câu chuyện kể, từ những mạch thời gian, mềm mại và mát trong. Ai cũng có một dòng sông để thương để nhớ, để uống từng ngụm nỗi niềm xứ sở mỗi lần đi rồi lại quay về. Quê tôi cũng có một dòng sông, dòng Châu Giang êm đềm mênh mang.

Châu Giang là cả một quãng dĩ vãng của những ngày hè về, được đằm mình trong hương phù sa. Châu Giang chảy qua những đồng bãi mía, ngô, rau, lạc, đay, nơi màu xanh quấn quýt từng hạt phù sa. Cây soi mình xuống dòng sông, cây che mát cho nước, rồi cây lại uống nước để lớn lên, vũng chãi và rì rầm câu chuyện kể nghìn năm. Chuyện người con gái Nam Xương mang nỗi oan khiên trẫm mình để lại chiếc bóng soi trên tường và giọng nói bi bô con trẻ.

Chuyện Đức Thánh Trần sải mình trên vó ngựa chiến chinh đã dừng lại an giấc nghìn thu nơi đất Trần Thương, “thác Trần Thương quê hương Bảo Lộc”, còn lại bóng trầm mặc đền Trần soi vào thiên thu đến tận mãi về sau. Những câu chuyện hùng ca hay ai oán đó đều từ lửa khói chiến chinh, chiến chinh đã để lại những vết xước của lịch sử, buồn đau, ai oán, bi thương, hào sảng, để những dòng sông qua mịt mù, sục sôi lửa đạn trở lại bình yên soi bóng mặc trầm.

Châu Giang cũng có giận hờn, có trầm mặc, có ưu tư, có chút dịu dàng lại có cả những xù xì góc cạnh của mỗi tháng năm qua bóng bên bờ. Lúc yên bình, dịu ngọt thì thong thả để trải bóng mây, bóng cây trên mặt nước trong. Khi dỗi hờn thì lăn tăn sóng như người đẹp nhăn mặt nhíu mày. Khi nổi giận thì đỏ mặt cuốn phăng phăng, chẳng thương tiếc gì phận bèo dạt mây trôi. Đâu đó ở huyện Lý Nhân này, nơi dòng Châu Giang gửi vào biết bao hương sắc. Hương sắc văn vật xứ này, từ chuối ngự tiến vua thơm lừng lẫn vào canh cửi và món cá kho niêu Hòa Hậu. Từ sen Trác Nội, Trần Thương mỗi mùa hạ miên man những đầm sen hương đắm say, dịu ngọt. Đan lát đồ tre nứa từ Thọ Chương đến Bảo Lý thành cót, thành nong nia, giần sàng thúng mủng, xứ đồng chiêm quanh năm đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng, thôn quê. Từ bánh đa nem làng Chều đến bánh đa Phúc Hạ. Những sản vật, cảnh sắc đó đậm sắc vị của làng quê từ huyện Nam Xang đến phủ Lý Nhân hay huyện Lý Nhân ngày nay. “Sống ngâm da chết ngâm xương” là câu chuyện từ cha ông về những kí ức xứ đồng chiêm trũng xa xưa, giờ chỉ còn là quá vãng. Những cánh đồng ngày nào giờ đã không còn cò bay mỏi cánh, dần bị thu hẹp bởi khu công nghiệp, đô thị và những công trình. Con cò ngày nào giờ chỉ còn dang cánh liệng chao trong kí ức, những kí ức huyền ảo của thời gian.

Sông không thể xa vắng những con thuyền. Những chiếc thuyền tôi thường gặp quãng thời thơ ấu là những con thuyền đánh cá độc mộc, thường có một ngư phủ lênh đênh trên sóng nước với chiếc lưới để quăng chài bắt cá. Đây là một tấm lưới tròn với những viên chì gắn ở mép dưới của lưới. Người ngư phủ ngồi trên con thuyền có một phần là mái che vòm được đan bằng tre nứa để tránh nắng tránh mưa, một phần không có mái che để quăng chài bắt cá. Lưới được quăng ra, nhìn động tác của ngư phủ như một điệu múa xòe trên mặt sông lênh loang nắng chiếu hay giữa một màn mưa giăng xiên chéo xuống mặt sông. Người ngư phủ kéo lưới lên, những con cá nằm trong lưới được gỡ ra nhảy tanh tách trong khoang thuyền, giữa dòng sông dưới ánh bình minh hay hoàng hôn ươm nắng phía chân trời.

Châu Giang nối sông Đáy với sông Hồng, cũng thăng trầm cùng lịch sử, có thời khắc bị ngăn trở thành Tắc Giang, có thời khắc dòng nước bị gập gềnh qua 3 con đập. Dòng Châu Giang nào còn lưu bóng trầm ngâm của hoàng đế Lý Công Uẩn trên đường xuôi sông Đáy qua Châu Giang ra sông Hồng về thành Đại La để xuống chỉ dời đô. Một đêm mùa thu năm Thuận Thiên thứ hai, người đã tựa mạn thuyền rồng trầm ngâm xem thế nước trên dòng Châu Giang lặng lẽ mờ sương.

“Nam Xang tứ cố đại hà” (Nam Xang bốn mặt sông lớn), Lý Nhân được bao bọc bởi những dòng sông, nên đồng ít, bãi nhiều, mới có câu “Nam Xang đồng hẹp bãi dài/Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”. Núi Đọi – sông Châu đã trở thành thơ, thành nhạc ngân lên trong mỗi tâm hồn của người con Hà Nam xa xứ. Dòng Châu Giang từ Phủ Lý qua Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân, quê hương tôi, nơi dòng Châu Giang hòa phù sa vào dòng nước mẹ sông Hồng. Chiều nào tôi còn ra tắm mát đợi một bóng thôn nữ bờ bên kia ra sông vo gạo sắp bữa cơm chiều. Một ngày tôi lại về bên dòng Châu Giang để vọng ước những mùa qua soi bóng giữa ngàn mây.