làng tôi ngày trước, thật khó có thể hình dung ra hội làng mùa xuân lại không có vài ba đêm biểu diễn hát chèo. Nhất là đêm chính hội.

         Thuở vàng son của những vở chèo cổ như: Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Tống Trân Cúc Hoa… mới chỉ đi qua được vài chục năm. Ngày nay, có hiện đại hơn với bao trò chơi vui thú ham mê, nhưng nhiều người vẫn còn nao nao thổn thức, khi bất chợt nghe được một tiếng trống chèo, một câu hát chèo thoang thoảng đâu đó. Những điệu chèo mang nặng ký ức về một miền quê.

Khi cây lúa vừa bén rễ, khi nắng xuân vàng nhạt xen lẫn gió bấc se se. Hoa bưởi, hoa xoan vừa bung nở rộn ràng, hương thơm lan tỏa một không gian rộng lớn. Công việc nông trang nhàn rỗi. Ấy là lúc hội làng được mở, kèm theo những đêm chèo say đắm lòng người.  Nhiều bậc cao niên đến giờ vẫn còn giữ nguyên vẹn trong kí ức về niềm vui ấy.

“Ăn xong rồi lại nằm khèo
Nghe giục trống chèo vác bụng đi xem
Chẳng thèm ăn chả ăn nem
Thèm ăn cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.

             Háo hức nhất vẫn là đám trai làng, gái bản. Đêm chèo là cái cớ để họ hò hẹn gặp gỡ, giao lưu. Người làng với người làng. Làng em với làng anh. Rất nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng từ những đêm chèo như thế.

Đêm chèo là ngày hội của làng. Một xã nhiều khi có tới mấy “Chiếng chèo”. Mỗi “Chiếng” chừng dăm ba người. Một người đóng nhiều vai trong cùng vở diễn. Họ là những nông dân chân lấm, tay bùn. Ban sáng còn mê mải bừa xong thửa ruộng, cấy nhanh đon mạ cho kịp thời vụ. Buổi chiều lại vội vã đến sân đình tập dượt lần cuối trước khi vở chèo công diễn.

          Người làng với nhau cả, chạm mặt nhau suốt ngày. Vậy mà khi cánh màn nhung được kéo lên, diễn viên đẹp ra đã đành một nhẽ, vì được son phấn tô điểm, áo quần lộng lẫy. Khán giả dường như cũng đẹp trai, xinh gái. Diễn viên nhìn khán giả. Khán giả nhìn diễn viên. Như quen như lạ. Nét mặt ai cũng vui tươi rạng rỡ. Kẻ đứng người ngồi, hồi hộp đợi chờ.

Vẫn những vở diễn từ năm ngoái, năm kia. Lấy tích cũ để răn dạy, khuyên nhủ đời nay. Người ta nghe hoài, nghe mãi, nghe đến thuộc lòng. Nay nghe lại vẫn không hề nhàm chán. Y như ăn cơm tẻ từ hạt thóc do chính tay mình làm ra.

          Không ai nhớ “Chiếng chèo” làng tôi có từ bao giờ. Cũng chưa thấy truyện tích nào nói chính xác về sự ra đời của những điệu chèo. Nhưng điều chắc chắn nó phải được phát tích từ ước mơ và hy vọng của người nông dân. Bởi nó đa thanh, đa nghĩa, giầu chất tự sự, trữ tình.

Bao đời đi qua, bao làn điệu được bổ sung, được phát kiến để làm nên nhiều vở chèo kinh điển như hôm nay. Một mảnh đất nghèo khó, xa xôi, với bao nhọc nhằn vất vả từ thuở lập làng, lập tổng, phải luôn đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Muốn tồn tại phải vượt lên nghịch cảnh. Vậy thì không gì bằng những điệu chèo.

          Người làng tôi vịn vào những câu chèo mà đứng vững. Những câu chèo mộc mạc, giản đơn đã nâng bước người làng tôi. Có thể mọi người chưa phân biệt được “chèo sân đình” với “chèo hiện đại”. Vẫn tích cũ, vẫn những diễn viên quen mặt, thuộc tên, vẫn những câu hát từ năm ngoái, năm kia, nhưng khán giả vẫn chia vui, vẫn đớn đau cùng nhân vật.

Những “nghệ sĩ nông dân” tay múa còn cứng, giọng hát chưa nhuần, tay đàn chưa ngọt. Cũng chưa ai đủ trình độ ngẫu hứng để bẻ làn, nắn điệu. Lại càng không có những vị đạo diễn nổi danh. Nhưng đây là “của nhà làm ra”. Như hạt thóc củ khoai. Không yêu sao được. Những làn điệu |lới lơ”, “làn thảm”, khiến người nghe thấy tâm hồn mình lãng đãng, chòng chành. Như sương như khói. Từng lấy đi bao nước mắt, cả buồn lẫn vui, của người xem. Người ta tán thưởng bằng những tràng pháo tay, những tiếng cười sảng khoái tưởng như không dứt.

          Rồi chiến tranh lan tới. Không còn hội làng. Không còn những đêm chèo náo nức. Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng đạn pháo xé rách trời đêm. Dân làng phiêu tán. Người ra trận mạc. Kẻ kiếm ăn xa quê. Trong vô vàn nỗi lo còn, mất, sâu thẳm tận góc khuất tâm hồn, người làng tôi vẫn nhớ, vẫn da diết ngày hội làng, cùng những đêm chèo tưng bừng đàn sáo.

Lâu lâu gặp nhau, thầm hỏi: “Khi nào làng mình lại mở hội? Khi nào được xem hát chèo?. Mà vở chèo ấy, câu hát ấy phải do người làng mình biểu diễn mới thật đã”. Xin đừng trách người làng tôi cục bộ địa phương, hoặc điều gì đó tương tự. Đã yêu, đã quý, đã coi đó là hương vị, là hồn cốt quê hương thì tránh sao được sự thiên vị ấy.

         Giờ đây, cùng với sự phát triển kinh tế của xã hội, thị hiếu của rất nhiều người cũng thay đổi theo. Muốn nghe một vở chèo, người ta có thể mở băng, mở mạng. Chỉ cần một cái nhấp chuột. Toàn diễn viên chuyên nghiệp, hát hay, đàn ngọt. Nhưng người nghe chừng như không còn náo nức, hồi hộp. Cái không khí của những đêm chèo ngày hội thì đĩa và mạng làm sao có nổi. Không thể trách cứ được. Mỗi thời có cách chơi, cách hưởng thụ của thời ấy.

Chừng hai chục năm gần đây, hội làng tôi mở lại. Những đêm chèo vẫn có. Chuyên nghiệp hẳn hoi. Nhưng diễn viên lại không phải người làng mình. Xem mà cứ như thấy nó giả giả thế nào ấy. Lớp già hết lòng ráng giữ. Một cụ bảo: “Không thể để mai một lặng lẽ như vậy”. Cũng tốp chèo nọ, gánh chèo kia. Tất cả chỉ là sự níu kéo. Chẳng biết níu kéo được bao lâu nữa.

          Tự nhiên tôi chợt nhớ tới ông đồ già trong gió mưa se sắt của Vũ Đình Liên mà lòng buồn man mác. Những tiếng đàn, tiếng trống cùng những câu chèo chỉ còn âm vang trong ký ức của người làng tôi.