T
háng Ba, khi cái rét nàng Bân làm tê tái lòng người, khi những đợt mưa bụi cuối xuân làm cho những con đường đất trong làng nhão nhoét, lầy lội và trơn tuột, khi những cánh hoa xoan li ti màu tim tím nở, đưa hương ngan ngát là lúc những chùm hoa gạo bung ra, đỏ rực như một đài lửa khổng lồ làm sáng bừng cả đường làng ngõ xóm.
Đứng từ rất xa, người ta vẫn còn nhìn thấy tháp lửa đỏ rực vươn lên trời cao của cây gạo đầu làng. Hoa gạo gọi về bao nhiêu là chim: chào mào, sáo sậu, sẻ quạt, chích choè, chim sâu… hót ríu ran, ríu rít chuyền cành. Lũ học trò quê ngày nào đi học về cũng tập trung dưới gốc cây, dùng súng cao su bắn chim. Có đứa lấy dao nạy những tảng gai gạo mang về nhà hì hục đẽo gọt thành những dấu chiện, sau đó nhúng vào lọ mực xanh Cửu Long, đóng vào bìa quyển vở, quyển sách giáo khoa, trông lem nha lem nhem rất bẩn nhưng đứa nào cũng thích vì có cảm tưởng như mình là một cán bộ cao cấp có con dấu riêng.
Hoa gạo rụng đỏ đường làng, đỏ đầu ngõ. Trời mưa, đất trơn lầy lội, những bông hoa gạo đỏ tươi là vậy, mập mạp là vậy, khi rơi xuống đường, bùn đất dính đầy trông rất bẩn. Nhiều bông bị người đi xe đạp, đi bộ xéo lên nát be bét. Lũ trẻ con chúng tôi rất thích ăn hoa gạo nên thường chọn những bông gạo mới rụng, đem xuống hố vôi bên cạnh đã chứa đầy nước từ lâu, khoắng khoắng vài lần là sạch bong, vẩy vẩy nước rồi lau lau, chùi chùi lên áo vài lần là ăn được.
Chúng tôi bóc ra chia cho nhau mỗi đứa một cành hoa, đứa ăn đài hoa, vừa ăn vừa nhìn lên ngọn cây ngóng hoa gạo rơi. Chẳng biết có phải do ngày đó chúng tôi thường xuyên bị đói cho nên ăn hoa gạo cảm thấy rất ngon, rất ngọt, thấm thía được cái hương vị tuổi thơ ngọt ngào trong những bông gạo vừa rớt cành hay do tuổi thơ lam lũ đã gắn bó chúng tôi hơn với đất, với làng, với những cây gạo tháng Ba hoa sai chi chít, với những buổi trốn học đi chơi, với những nỗi buồn vô cớ của tuổi học trò không thể giải toả được mà chúng tôi đã bỏ ra ngồi lì dưới gốc gạo nghĩ vẩn vơ hàng tiếng đồng hồ.
Cái thú của chúng tôi mỗi mùa hoa gạo nở là thi bắn hoa gạo. Mỗi thằng tự chuẩn bị cho mình một chiếc súng cao su và một nắm đá viên nhỏ trong túi quần để làm đạn. Thằng nào bắn rụng được nhiều hoa gạo nhất sẽ được ăn tất cả hoa của những thằng còn lại, được mang về nhà và được bọn nó mang hộ cặp sách. Tôi thuộc hàng xạ thủ nên đi học thường có kẻ ôm cặp sách cho, chỉ việc vừa đi vừa vung vẩy chiếc súng cao su, oai như một viên tướng chỉ huy. Chỗ nào tôi dừng lại, bọn chúng cũng đứng lại phía sau, tôi bỏ đi, chúng lại lẽo đẽo đi theo.
Nhiều lần về học, tôi đã biểu diễn tài nghệ của mình để khao quân bằng một bữa hoa gạo chán chê. Có lần, tôi khao bọn chúng bằng một bữa chim quay béo ngậy ám mùi khói rơm nhưng đứa nào cũng thích, cũng phục tài tôi. Tất cả những điều đó đã làm cho tuổi thơ của tôi trôi qua trong êm đềm, hạnh phúc, đã nuôi lớn những ước mơ còn non dại và bé bỏng của lũ học trò quê vẫn chân trần đi học.
Chúng tôi lớn dần lên, mỗi đứa ôm theo mình một khát vọng thành đạt để rời xa cái kham khổ, đói nghèo của một miền quê đồng chiêm trũng. Những mùa hoa gạo cũng lần lượt đi qua trong lặng lẽ, tủi hờn khi mà cả nhóm hơn hai mươi đứa chúng tôi và nhiều nhóm khác đã chia tay nhau dưới gốc cây gạo đầu làng để đứa thì đi làm ăn xa, đứa thì đi học đại học và cùng hẹn nhau một ngày trở về khi đã trưởng thành. Và rồi cuộc sống bận rộn với những bộn bề lo toan vất vả đã xoá dần đi những mùa hoa gạo và ký ức tuổi thơ trong mỗi chúng tôi.
Bạn bè tôi đã trưởng thành cả, đứa làm ở Việt Nam Airlines, đứa làm ở Viện khoa học, Viện kiểm sát, Toà án, Bưu điện, đứa lập công ty riêng, đứa làm trong liên doanh, đứa đi dậy học… và hầu như đều có xe máy cả. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần về làng, đi qua gốc gạo, chẳng đứa nào kịp giật mình dừng lại để nhìn lại quãng tuổi thơ lam lũ của mình, để tự hứa với lòng mình sẽ sống tốt hơn, thật hơn, để nhớ tới bạn bè – những đứa đã gắn bó với mình suốt quãng đời ấu thơ khó nhọc, để ăn lại vài cánh hoa gạo xem hương vị của nó bây giờ thế nào. Đường làng ngõ xóm của làng tôi bây giờ đã được đổ bê tông cả nên những bông hoa gạo rớt cành bị gẫy gập cánh và bị mọi người vô tình xéo lên nát bét. Lũ học trò quê bây giờ cũng không thích ăn hoa gạo nữa và mỗi khi có đứa náo đó dừng lại bên gốc cây thì chỉ vì chúng đang rình để bắn chim.
Chim chóc bây giờ cũng ít lắm rồi, năm thì mười hoạ mới thấy một bóng chim Chào mào, Sáo sậu, còn lại thì thỉnh thoảng mới thấy một vài con chim sâu cần mẫn chuyền cành kiếm mồi. Súng cao su bây giờ lũ trẻ con cũng không dùng nữa, thay vào đó là những khẩu súng hơi. Chẳng còn ai hiểu được lời thì thầm trò chuyện của cây gạo cả. Chỉ có thời gian còn phũ phàng phủ lên những mùa hoa gạo một nỗi buồn sâu lắng. Có lẽ, chỉ còn bác sửa xe đạp già đã từng bước ra từ khói lửa của chiến tranh là còn hoài cổ, còn đoái hoài đến những mùa hoa gạo.
Đã mấy năm nay, bác dựng quán sửa xe ngay dưới gốc gạo này và ăn ở luôn tại đó. Ngày ngày, bác cần mẫn quét những cánh hoa rơi dồn lại cho chúng khỏi bị dập vùi dưới những bánh xe vô tình của thiên hạ và thỉnh thoảng, người ta lại thấy bác ca cẩm một mình rồi thở dài. Bác cũng như cây gạo, không theo kịp dòng chảy hối hả của thời gian, đang cùng cây dựa lưng vào nhau để tìm niềm an ủi khi mọi người đã bỏ rơi mình để vượt lên phía trước. Lòng tôi chợt chùng xuống, bàng bạc một nỗi buồn.