Tôi không biết và cũng chưa bao giờ hỏi, ông từ đâu đến, cũng như không hiểu vì sao ông lại chọn cái xứ Mỹ Lợi vùng sâu, nghèo rớt mồng tơi này để cắm dùi lập nghiệp.
Ở xứ của tôi ngộ lắm, người ta hay gọi nhau bằng thứ như: anh hai, chị ba, anh bảy, thím mười v.v.. và dựa trên những đặc điểm nổi bật riêng của người đó mà họ cho thêm phía sau thứ là một cái tên tương ứng, ví dụ như Thím Tư Lé, Chú Bảy Ròm, Bà Năm Méo v.v… Có lẽ vì mái tóc trắng phau đặc trưng không lẫn vào đâu được của Ông Bảy mà không cần biết ông tên gì, bao nhiêu tuổi – mọi người, từ đám con nít choai choai như tôi đến người lớn và cả đến các ông già, bà lão đều gọi ông bằng cái tên quen thuộc: Ông Bảy Đầu Bạc.
Ngày đầu đến đây, ông Bảy xin cha tôi cất nhờ một cái trại nhỏ, chỗ cặp mé sông. Rồi ông mua một máy phát điện nhỏ để sạc bình ắc quy. Quê tôi tuy nghèo thiệt, nhưng đất đai thì không thiếu. Thêm cái tính hào phóng và thương người mang đậm chất miền Tây Nam Bộ, nên không riêng gì với ông Bảy mà hằng năm cứ đến mùa lúa chín, ngoài đồng ken đặc những người làm mướn theo thời vụ, họ ở Bến Tre qua đây gặt lúa thuê, cha tôi cho cất trại ở thoải mái trên đất của mình mà không bao giờ nhắc đến tiền nong.
Ông Bảy dựng cái lều nhỏ xuôi theo bờ sông rồi trương lên tấm bảng to đùng:
SẠC BÌNH – XẾP LẮC
Năm đó xóm tôi chưa có lộ, chưa có cầu bê tông và chưa có đường điện kéo về nên người dân chỉ dùng bình ắc quy để thắp sáng, phát tivi hoặc nghe radio. Thế nên công việc của ông Bảy có phần nhộn nhịp. Ông mua chừng chục cây bần trồng cặp theo bờ sông để chống sạt lở.
Nhìn hàng bần mới trồng ngả qua ngả lại trên mặt sông, mọi người thường trêu, cuộc đời Ông Bảy Đầu Bạc nhìn giống như mấy cây bần ven sông. Xiêu vẹo theo dòng đời, gió sương phủ mái đầu bạc phơ mà tương lai chưa định hướng. Ông Bảy dí dỏm nói bồi thêm: – Mấy cây bần tuy bám vào mé sông để sống nhưng nó đã ổn định cuộc đời. Còn tôi… tôi bần hơn mấy cây bần đó nữa. Rồi ông cười rộ lên đánh thức cả vùng quê.
Vốn tính rộn ràng, không chỉ cặm cụi làm việc, ông Bảy còn tận tình giải thích khi tôi thắc mắc: “Xếp lắc là gì ông Bảy?” – “Trong mỗi bình ắc quy có những hộc nhỏ chứa những vĩ kim loại bằng chì (gọi là lắc) dùng để tích điện, lâu ngày có những vĩ lắc bị hư phải thay thế rồi đổ acid pha loãng vào theo một nồng độ nhất định…”.
Thời gian sau, do luôn muốn làm mới công việc, ông lại viết vào dưới tấm bảng:
SẠC BÌNH – XẾP LẮC
bốn chữ:
BƠM GAS – ĐƯA ĐÒ
rồi:
VÁ ÉP XE ĐẠP…
Ít lâu sau ông thêm một tấm biển kế bên với dòng chữ:
HÀN GIÓ ĐÁ.
Ông làm việc không có thời gian nghỉ ngơi. Mẹ tôi thường làm các món ăn và bánh trái rồi sai tôi bưng xuống cho ông Bảy. Người ta sống một mình, không vợ, không con thì sớm chiều cơm hàng, cháo chợ. Còn ông Bảy, hầu như chẳng thiết gì đến chuyện cơm nước. Vậy mà, chắc ông trời cũng thương nên chẳng bao giờ nghe ông đau ốm.
Thấy ông lủi thủi một mình, nhiều ông bạn già cứ mai mối mấy bà góa chồng trong xóm. Ông chỉ trả lời bằng một nụ cười và cái lắc đầu. Ông Bảy vui vẻ, thương người nhưng đôi khi cũng nóng tính. Có mấy người đến chỗ ông sạc bình hoặc bơm ga, không biết vì lý do gì mà mới thấy mặt là bị ông đuổi như đuổi tà.
Ông Bảy kể: – Cuộc đời tôi từ trước đến giờ việc gì cũng lỡ dở, học hành lỡ dở, hôn nhân lỡ dở, nghề nghiệp lỡ dở. – rồi ông nhìn xuống mé sông, nơi mấy cây bần xiêu vẹo. – Chỉ có nghèo là bền vững thôi. Tôi đã chuyển hơn chục chỗ ở, đi đâu tôi cũng cất nhà sàn cạnh bờ sông và bến sông nào tôi cũng trồng mấy cây bần. Chắc cái chữ “bần” nó vận vào tôi nên làm bao nhiêu cũng không khá nổi. Rồi ông cười hic hic. Giọng cười lấy hơi lên không đụng hàng với ai.
Ông Bảy thường là đầu đề cho những cuộc bàn tán, từ bàn tròn của cánh đàn ông cho đến những phiên họp chợ chồm hổm, tụm năm tụm bảy của các dì, các, mợ… mà nguyên nhân chính là những việc làm gây sốc của ông Bảy Đầu Bạc.
Như chuyện cái đò xuồng có gắn động cơ và chạy qua sông bằng cách lên dây cót. Chuyện về dàn âm thanh tự chế có gắn loa và cứ đến 5 giờ sáng là tự động phát chương trình của đài tiếng nói nhân dân xã, làm náo động khắp từ xóm dưới đến làng trên. Chuyện về chiếc xe đạp gắn máy và kính chiếu hậu, mỗi lần muốn cho nổ máy thì phải dựng chân chống giữa và leo lên đạp ứa mồ hôi. Và còn nhiều, nhiều lắm những “phát minh” nổi đình, nổi đám của ông Bảy mà xóm tôi cứ luôn xôn xao bàn tán!
Trên bụi bạch đàn sát mé sông, sau nhà ông Bảy thường có đàn chim dòng dọc đến làm tổ, chiều nào ông cũng ra ngồi nhìn chim trống tha mồi về nuôi chim mái và chim con. Ánh mắt ông bỗng xa xăm như đang nhìn về một nơi nào xa, xa lắm.
Thời gian thấm thoát đã 7 năm, ông vui buồn cùng với cái xóm nghèo vùng sâu và đã là người con của quê hương Mỹ Lợi. Ông Bảy không già hơn vì tóc ông không thể bạc thêm được. Nhưng ông không còn nhanh nhẹn như lúc mới về đây, và công việc sạc bình cũng không còn rộn rã như trước vì đường điện đã kéo về nông thôn. Ông không còn đưa đò vì trên khúc sông quê đã có cầu bê tông kiên cố bắc ngang.
Người ta bảo ông nên nghỉ ngơi vì tuổi đã cao. Nhưng có ai biết, tiền ông kiếm được luôn không bao giờ đủ vì phải luôn sửa chữa và sử dụng cho những món đồ tự chế của mình. Ông không tiếc bỏ tiền ra giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn dù gia tài của ông chỉ có vài bộ đồ không lành lặn. Ông nghĩ đến quê hương của mình, nhưng sau mấy chục năm lang bạt. Những cây bần của ông đã bám rễ khắp nơi. Đâu cũng sông, cũng nước, cũng đất, cũng trời và đâu cũng quê hương.
Hàng bần ven sông quê tôi đã cao lớn, xanh tươi. Rể đã bám chặt vào đất quê, vươn lên khỏi bùn hàng trăm ngó bần suông nuồn nuột. Hoa bần khoe sắc rực rỡ một khúc sông. Có lẽ vì không thích sự ổn định nên ông Bảy lại muốn ra đi. Và ghi vào nhật ký cuộc đời mình thêm một lần từ biệt, thêm một quê hương…
Ông Bảy Đầu Bạc, luôn ví mình bần như những cây bần, suốt đời không có riêng cho mình một cục đất chọi chim. Nhưng với mọi người ông là đại phú gia với đầy lòng nhân ái. Là một người giàu có vì đâu cũng là quê.
Tôi không biết Ông Bảy về đâu, nhưng có lẽ, ông sẽ tiếp tục trồng những cây bần ven sông giống như những nơi ông đã từng đến. Ông không lưu lại tên mình ở đó nhưng với riêng người dân Mỹ Lợi quê tôi và với riêng tôi – mỗi chiều đưa mắt nhìn hàng bần lả ngọn bên bờ sông hun hút gió – ở đó, luôn gợi lên thấp thoáng bóng hình ông Bảy với nụ cười thật hiền và mái tóc bạc bay lòa xòa trong gió, lang bạt kỳ hồ như chính đời ông vậy…