Bà tôi năm nay đã hơn 90 tuổi, cái tuổi mà người ta vẫn bảo là xưa nay hiếm. Ở tuổi bà mà vẫn minh mẫn và không hay đau ốm gì thì thật là đáng mừng. Hàng ngày bà ngồi trên chiếc ghế trên thềm nhìn ra khu vườn râm mát, thì thầm lời của lá. Bà vẫn quen ăn trầu như bao năm nay vẫn thế, mặc dù hàm răng đen không còn nhiều.
Bà có giàn trầu ở gần giếng nước. Giàn trầu vẫn ở đó từ khi tôi còn nhỏ. Giàn trầu quanh năm xanh mỡ màng một màu xanh hiền lành khiến cho mỗi lần tôi nhìn lại thấy lòng bình yên. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường theo bà đi hái lá trầu. Bà bảo, trầu không là loài dây leo bền bỉ và dễ sống nhất, bà nói mà miệng thơm nồng mùi lá trầu không. Tôi như cảm được hơi ấm từ mùi vị ấy qua từng hơi thở và câu nói của bà qua những ngày đông.
Giàn trầu của bà chỉ kém xanh và nhiều lá vàng khi có sương muối, chứ hầu như không bị sâu bệnh bao giờ. Tôi nhớ, bà thường hái những lá vàng ấy ăn và bảo cũng ngon không kém lá xanh. Bà bảo, không muốn bỏ phí những lá ấy vì quý giàn trầu. Giàn trầu đã có thừ thời bà còn con gái, khi bà mới về làm dâu. Nó như là người bạn, người ân nhân thân thiết, gần giũi và đáng quý. Nếu như ta chê bai, không quý trọng nó thì nó sẽ héo úa mà dần chết đi, bà sẽ tiếc và xót lắm.
Hồi tôi còn nhỏ, bên thềm nhà luôn đầy ắp tiếng nói cười, đó là các bà hàng xóm đến chơi. Đĩa trầu được bưng ra. Những lá trầu xếp ngay ngắn trên đĩa, những miếng cau nằm cạnh đợi những bàn tay già nua nhận về, cái bình vôi đặt một bên, trên miệng bình trắng xóa vệt vôi cũ. Những câu chuyện làng trên xóm dưới cứ thể nảy ra từ những miệng đỏ vì ăn trầu. Những hàng răng đen lánh làm tôi mê mẩn rồi tự hỏi sao mà răng các bà lại đen đến thế? Bà kể cho tôi về cách nhuộm răng đen như thế nào, phải kiêng kỵ những gì để răng có màu đen bền đẹp. Cái tập tục cổ xưa ấy có lẽ chỉ đến thời của bà tôi là thất truyền vì bây giờ làm gì còn ai ăn trầu và nhuộm răng đen.
Tôi vẫn còn nhớ cái mùi nước đun lá trầu ngày thơ bé khi được tắm thứ nước ấy để chống ngứa lở. Bà bảo, lá trầu lành lắm, nó giúp kháng khuẩn, trị ngứa lở và sát trùng, tắm nước lá trầu không rất tốt. Trẻ con thôn quê thường được tắm gội bằng những thứ nước đun từ cây lá quanh nhà theo kinh nghiệm dân gian. Và một trong những thứ mùi đó là mùi lá trầu không vẫn lưu lại vẹn nguyên trong ký ức với hình ảnh của mẹ của bà hiền hậu yêu thương.
Thời gian trôi đi, những bà già năm nào đã về nơi miền sương khói, chỉ còn bà tôi ngồi đó nhai trầu mà suy tưởng miên man. Có những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, tôi giật mình nhìn bà mà thấy trùm lên thân hình già nua cả một nỗi cô đơn. Rồi tôi tự trách mình vì cũng vô tâm không dành chút thời gian với bà. Những cuộc sống cơm áo với bao lo toan bộn bề khiến tôi không có thời gian để giành cho chính mình, tôi buồn. Bà vẫn ngồi đó, những miếng trầu bà nhai vẫn thắm đỏ một miền cổ tích, thơm nỗi niềm quê. Thấy răng bà đã rụng, tôi mua cho bà cái cối giã trầu bằng đồng. Bà cười, miệng móm mém làm lòng tôi thắt nghẹn, chẳng mấy nữa mà bà sẽ xa tôi, cái linh cảm cũng là quy luật nghiệt ngã khiến tôi suy nghĩ.
Mấy hôm trước, khi đi làm về, thấy bà nói như liên miên, bà có dấu hiệu bị lẫn. Bà toàn nói về quá khứ, những câu nói như tỉnh như mơ làm tôi nghẹn ngào… Suốt đêm hôm ấy bà nói một mình. Thật may sao, khi bố gọi bác sĩ tiêm và uống thuốc thì bà dần trở lại bình thường. Nhớ lúc bà nói mê man, bà bảo: “Bây giờ tao thấy yếu rồi, chân tay lẩy bẩy, chắc tao bỏ ăn trầu”. Tôi bật khóc vì sợ bà sắp ra đi. Chợt nhìn ra giàn trầu xanh mươn mướt thì lại bình tâm được.
Bà vẫn ngồi đó, nhìn ra giàn trầu như vin vào một điều gì vững trãi và yên ổn ở nhân gian. Giàn trầu vẫn xanh, một màu xanh bình yên làm lòng tôi ấm lại.