Bố nói tôi di chuyển bàn ở trong nhà ra ngoài sân dưới tán cây lộc vừng. Tôi cau mày, không phải không muốn giúp bố, mà mùa hoa lộc vừng nở rộ, cánh hoa rụng lả tả, ngồi dưới tán cây có nhiều côn trùng xuất hiện. Nhưng không hiểu sao năm nào cũng thế, mùa hoa nở rộ, bố tự pha một ấm trà, tự rót tự uống, ngồi tư lự hàng giờ rồi lẩm nhẩm như đang nói chuyện với ai.

​Cây lộc vừng đứng sừng sững trong sân nhà, gắn bó với gia đình tôi bao mùa mưa nắng. Ngày xưa khi tôi lên bốn, lên năm còn đi lẫm chẫm, chú Biên- người đồng đội cũ của bố mang đến nhà tặng cây lộc vừng. Lúc ấy, cây chỉ bằng cán cuốc, cao ngang đầu tôi một chút. Bố cuốc đất, tự tay trồng, ngày ngày tưới tắm, chăm sóc. Vậy mà nay mấy chục năm trôi qua, cây vươn cao, xòe ra ba cành đối xứng, trên từng cành có nhiều nhánh, ở mỗi nhánh lại xếp lớp lớp những lá xanh.

​Mùa lộc vừng đổ lá, ngay sau đó là mùa lộc vừng đơm bông. Sáng sớm hôm trước, trong ánh bình minh ló rạng, từ ô cửa sổ trong căn phòng nhìn ra, tôi thấy đám lộc vừng mới lốm đốm vài chiếc lá vàng tươi, vậy mà chỉ sau một đêm thức giấc, cả cây đã chuyển sang sắc vàng óng ánh. Một cơn gió thổi qua, đám lá vàng lìa cành rơi lả tả xuống sân nhà. Bố quen dạy từ tờ mờ sớm, đôi chân còn ngập ngừng đạp nhẹ lên đám lá lộc vừng thẫm ướt đẫm sương đêm. Nhớ khi còn nhỏ, tôi hay ôm cả đám lá đã quét gọn vào một góc, tung lên, những chiếc lá bay bay xoay tít trong gió như những cánh bướm dập dờn. Bố đứng bên nhìn, mỉm cười đôn hậu và chẳng bao giờ trách mắng. Những mùa hè rực rỡ của tuổi thơ, chúng tôi hay ngồi dưới gốc cây chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi chắt….

Bố tôi rất dễ tính, ngồi dưới gốc cây lộc vừng dùng đất sét nặn ra rất nhiều con vật như con trâu, con voi, con gà…nhìn vô cùng đẹp mắt. Bọn nhỏ trong xóm đứa nào ngưỡng mộ vì tôi có ông bố thật tâm lý. Có những ngày thuê được truyện tranh bảy viên ngọc rồng, trốn việc nhà leo lên cây ngồi vắt vẻo ở chạng ba gác để đọc. Đến đoạn hay quá cười như nắc nẻ, thế là bị bố phát hiện. Nhưng bố không quát và la mắng bao giờ, bố ngước lên nhìn chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, leo cây phải cẩn thận kẻo ngã. Nên thế giới tuổi thơ của tôi qua đi thật êm đềm và hạnh phúc.

​Tôi chưa thấy cây nào lá rụng nhanh như lộc vừng. Thời gian ngắn ngủi quá. Nên lộc vừng chọn cách phô diễn hết mình cho vẻ đẹp lung linh ngay trong giờ phút tàn lụi, đúng như người ta hay ví “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhưng quy luật ở đời thịnh-suy chuyển động, có những thứ phải mất đi để tạo ra những giá trị mới tốt đẹp hơn. Sau đám lá vàng cuối cùng rụng rơi, từ cành cây khẳng khiu ấy những nụ non xanh biếc, mỡ màng bật lên trong ánh bình minh ló rạng. Đầu cành bắt đầu xuất hiện những chuỗi dây hoa rủ xuống như mành mành. Mỗi chuỗi hoa ấy lại chi chít hàng trăm chiếc nụ bé xinh, tròn vo như trứng cá. Hoa nở cánh mỏng như tơ, bung ra mềm mại, hàng ngàn, hàng vạn cánh hoa như những chiếc đèn đang lung linh thắp sáng một góc sân nhà.

Lộc vừng chỉ đẹp khi nở về đêm. Nhưng đêm, tôi nào có thời gian mà ngắm. Chỉ có hương hoa thơm nồng nàn, theo cơn gió len lỏi vào căn phòng, hương hoa mơn trớn để lòng người phải si mê, xao xuyến, sống trong phút giây bình yên, thư thả. Hoa lộc vừng nở nhanh và tàn nhanh. Chớp mắt mới chiều qua còn buông mình đỏ thắm, sáng nay ra trên cây đã chơi vơi, trơ trọi, chỉ thấy trước sân nhà có một thảm nhung hoa. Có lần bố nhìn hoa rụng tơi tả rồi thở dài bảo: chú Biên trở bệnh, đã đi đến thế giới khác, một thế giới mà những vết thương từ thời còn chiến tranh để lại trên người chú không còn đủ sức hành hạ chú nữa. Bố nói thế, nhưng mắt bố đỏ hoe, khuôn mặt nhăn dúm như quả táo tầu. Bao nhiêu cảm xúc chẳng thể kìm nén. Những bông hoa lộc vừng cứ rơi rơi theo cơn gió phủ đầy như một thảm hoa

​Vô thường cứ thế trôi qua, sáng nay đi làm, dắt xe ra, chẳng nỡ đạp chân xuống thảm hoa mềm mại. Chợt dừng lại ngước mắt lên nhìn vòm cây xanh. Nhận ra hoa lộc vừng đã tàn nhanh, đã tận cùng dâng hiến tất cả cho đời, chẳng giữ lại cho riêng mình, trên cây chơ chọi. Nhìn qua bố đang ngồi uống trà một mình, dưới tán cây lộc vừng. Tóc bố đã bạc, lưng còng, chân chậm, còn bị lẩn thẩn do bệnh tuổi già. Bố lúc nhớ, lúc quên, nhưng trong câu chuyện không đầu không cuối lại nhắc: Sao lâu rồi không thấy chú Biên tới nhà chơi.

Tôi chợt thấy sống mũi cay cay. Cuộc đời này ngắn ngủi quá. Mới đó mà thời gian đã hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ của bố. Vậy mà tôi đã vô tâm không nhận ra. Tôi dừng xe, ngồi xuống uống trà cùng bố và bắt đầu lắng nghe câu chuyện của bố mình. Hương hoa vẫn nồng nàn trong gió.