Tôi đã đến Huế như bóng chim, như tăm cá và như những sân ga biền biệt mưa chiều. Còn Khơi đến Huế bằng ảo vọng thơ ca, được Hồ dung dị thêm đôi cánh âm nhạc. “Vần thơ gửi Huế” bắt đầu từ đó.
Dù lăn lê phiêu bạt cuối trời đầu bể nhưng tôi thấy chưa ở đâu quyến rũ với vẻ hiền hòa, thanh bình đầy lãng mạn như mảnh đất này. Ấy vậy mà tôi chưa viết nổi một bài về Huế. Thế nhưng một người tàn tật cả đời xe lăn chốn quê vàng rơm rạ lại có thể du hành đến xứ Thần Kinh bằng một bài thơ ngọt ngào. Tôi gọi đó là ảo vọng thi ca Đỗ Trọng Khơi.
Nghe điệu hò là nhớ
Dù chưa một lần thăm
Ơi miền quê đến lạ
Tình như tự trăm năm
Thơ Khơi vốn không phải là phong cách bình dân. Ngôn ngữ của ông được nhào nặn nổi chìm đau đáu trong cõi hư miền mộng vô hình trung mang theo những triết lý nhân sinh ám ảnh con người.
Không hiểu sao Vần thơ gửi Huế lại mộc mạc giản dị đến vậy, nó như một lời tự sự được viết ra cho chính bản thân mình. Có lẽ điều đó đã giúp nhạc sỹ Hồ Thùy phổ nhạc rất thành công bài thơ này bởi nhạc của Hồ vốn là hơi thở bình dị âm hưởng dân ca trữ tình sâu lắng miền châu thổ.
Đặt chân lên đất Huế tôi đã cảm thấy rất ấn tượng không chỉ vì vẻ đẹp của những thắng cảnh thiên nhiên sông Hương, núi Ngự, sự cổ kính của những đền đài, lăng tẩm…Tôi còn bị cuốn hút bởi con người Huế với tính cách dịu dàng, dễ thương pha lẫn sự kín đáo e ấp, với giọng nói “dạ, thưa” đến say lòng.
Nhưng tôi đã say như người ta say rượu cần khi nghe bài hát Vần thơ gửi Huế khi lần đầu phát trên sóng của đài Tiếng Nói Việt Nam qua sự thể hiện của ca sỹ Minh Huyền.
Hồn tôi nhịp cầu lỡ
Mơ Tràng Tiền nối sang
Thời gian tôi ly rượu
Rót từ dòng Hương Giang
Huế nổi tiếng với vẻ đẹp đượm buồn và ấn tượng. Điều đó càng sâu lắng khi bạn đón hoàng hôn trên Phá Tam Giang, cách thành phố Huế khoảng 15 km. Cái cảm giác thật nhỏ bé, vui sướng khi ngồi thuyền dạo chơi giữa sóng nước mênh mông, thỉnh thoảng đón những cơn gió mát lạnh ào tới. Phá Tam Giang là phóng khoáng bụi hồ, có thể đứng ngoảnh mặt lên trời mà cười, vin hai tay chống sào mà hiền, quên đôi chân đạp nước mà đi. Tam Giang phá cách như một nét sổ dài trong bức thư họa mặc trầm cố đô, thương lạ thương lùng trời Nam ngàn thủa.
Để rồi theo ánh nắng chiều buông dần phía chân trời, đôi mắt lữ thứ choáng ngợp trước bóng đầm phủ một màu tím sẫm. Chính màu tím chiều hoàng hôn hiếm hoi ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh và để lại trong lòng kẻ đến người đi một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi.
Du hành xứ Huế bằng thơ Khơi nhạc Hồ, một thủa cố đô thâm u kín cổng cao tường như thiếu nữ khuê son lầu vắng và ngỡ mình trên Phá Tam Giang mở nắng đón gió phô trương khí khái đầm phá muôn trùng. Có lúc Tam Giang như một người con gái tắm phải dòng nước lợ mà da thịt nhan nhát phù du. Có lúc Tam Giang lại như người đàn ông đi hỏi vợ nhiệt thành đến quê mùa quá lố, oang ổng cái mồm, thở nắng phả gió, vỗ nước táp sóng mà yêu mà thương. Bước qua vẻ mặc trầm đài các vốn có của Huế.
Tôi đã từng trò chuyện nhiều lần với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi mỗi dịp mình đi xa về. Ông nằm trên chiếc giường nhỏ, tứ bề là sách. Khi thì trà, khi thì rượu, khi thì một vài bài thơ, khi thì một quẻ Kinh Dịch. Nhà thơ thường hay hỏi tôi về những miền đất mà tôi từng đi qua. Và tôi biết trong lòng ông là một khát vọng trải nghiệm, khát vọng được đi, khát vọng được tan chảy vào câu Nam Ai Nam Bằng. Bởi vậy mà trong ” Vần thơ gửi Huế ” có gì đó như rụt rè, khẽ khàng và hơn tất thảy là một tình thương yêu dâng tràn. Nó cũng giống như tình yêu đầu của một người nghệ sỹ, chẳng nỡ vồ vập nhưng thẳm sâu và thẳm sâu.
Thật quá đỗi ngạc nhiên khi nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chưa một lần đến Huế mà lại có những cảm xúc gan ruột như vậy. Có lẽ đó là chốn vô cùng của thi ca.
Quả thật, ai đã từng đến Huế, đều đọng lại trong tim vẻ đẹp trầm mặc của Huế, giọng nói sâu lắng đến lạ kỳ của người dân Huế. Huế nhẹ nhàng, duyên dáng nên thơ, không ồn ào xô bồ, vội vã tấp nập như những nơi tôi đã từng đi qua. Đặc biệt phố cổ ở Huế trang nghiêm và quí phái, như thấy đâu đây còn phảng phất ngựa xe âm tướng hồn binh…
Biết bao thi nhân đã miêu tả Huế bằng ngòi bút ngọc ngà và những lời văn yêu kiều, diễm lệ… Nhưng đến với Huế bằng thơ Khơi và nhạc Hồ là một chuyến du hành sâu lắng nhất mà tôi từng trải nghiệm.
Huế ơi nặng lòng nhớ
Sớm chiều tôi Đông Ba
Ngóng bước người Vĩ Dạ
Tình ai về thiết tha…
Mỗi lần nghe lại bài hát này lòng tôi lại chộn rộn cảm xúc, không phải bởi Khơi là một ông chú và Hồ là một người cha mà bởi thơ và nhạc đang vi vu trong tâm tưởng. Thiết tha, thiết tha…