Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại
Xuân ơi xuân…lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn.
Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động một mình anh…

Hôm nay tôi về quê. Một ngày đầu đông nắng vàng rực rỡ. Những đám mây mùa thu vẫn vắt sang trời đông bồng bềnh trắng, soi bóng xuống dòng sông xanh biếc. Ôi dòng Thương Giang của tôi! Gần đó mà dịch bệnh ngăn cách, nửa năm rồi tôi mới gặp lại. Trong lòng tôi như ngân nga khúc hát thân quen, da diết của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình… Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi”…
Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy, dòng sông nổi tiếng đã đi vào ca dao, dân ca với đôi dòng trong – đục, những cái tên buồn bến Than, Chia Ly ghi dấu thời kỳ dài lịch sử đau thương của dân tộc. Dòng sông đẹp mê lòng trong thơ của nữ sĩ Anh Thơ, trong ca khúc tiền chiến “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong…

Ngày nhỏ, tôi đâu biết con sông có nhiều tên đến thế! Những cái tên đã trôi vào thời gian: Nhật Đức, Lạng Giang, Nam Bình, Long Nhờn… vốn quen thuộc với cư dân đôi bờ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương…một thuở. Khi tôi có ý đi ngắm đôi dòng trong – đục, bà tôi bảo phải sang Đa Mai, nơi có ngòi Sim nước đục từ mạn Thái Nguyên đổ về qua hai huyện Hiệp Hòa, Việt Yên rồi hòa vào dòng Thương trong xanh ở đó.

Vậy mà rồi vòng quay cuộc sống cuốn đi, tôi cũng chưa từng đến ngắm tận nơi đôi dòng nước ấy. Để giờ đây phong cảnh đổi thay, chia ly đã hết, đục – trong đôi dòng chắc không còn. Chỉ thấy dòng Thương dào dạt trong tôi lúc nào cũng xanh biêng biếc, tràn trề sự sống, yêu thương…

Tôi nhớ những ngày cuối năm nắng hanh rét ngọt, bờ sông lộng gió, hôm thì chị em tôi đèo chiếu chăn, lội dưới chân cầu giặt giũ, tiếng đập vải chìm vào mặt sông mênh mang. Chốc chốc sóng lại duềnh lên khi có chiếc xà lan chở nặng chạy qua.

Hôm thì chị em tôi mang lá dong, xoong nồi ra cọ rửa chuẩn bị đón Tết về. Thích nhất là khi chuẩn bị gói bánh chưng, nhà nhà đi đãi đỗ, đãi gạo, vừa làm vừa đùa nghịch, tiếng vỗ rá, tiếng cười vang sóng nước. Chúng tôi rón rén lội tìm chỗ nước trong nhất để chiêu gạo đỗ thật sạch. Nhìn lên trên cầu, dọc hai bờ đê, người xe đi lại tấp nập, không khí mùa xuân, Tết đến rộn rã đang về.

Tôi yêu dòng Thương mùa xuân, muôn hoa nở dọc triền đê rập rờn trong gió, những vạt cải bung nắng vàng bên hoa cánh bướm trắng, hồng, thược dược sắc màu, violet tím… Những nụ đào chúm chím đợi giao thừa… Tháng Ba hoa gạo đỏ, bến nước xôn xao chim sáo bay về. Bông hoa xoay tròn trong gió, nhẹ nhàng đậu xuống mặt sông, bập bềnh theo sóng. Từ xa, bóng gạo như bóng dáng làng quê trầm tư đứng ngóng lũ con xa …

Mùa hè, nước sông dâng lên theo mưa và lũ thượng nguồn, đường đê đỏ quạch đi về phía dãy Nham Biền, đất níu quắn chân người, dòng sông như mang một dáng vẻ khác, dạt dào, mạnh mẽ, chảy trôi giữa đôi bờ cỏ xanh ngời ngợi. Những cơn mưa rào bất chợt ào ạt quét ngang mặt sông. Vào ngày nắng cháy lưng, mặt sông lấp lánh ánh mặt trời, hắt lên những nụ cười mát lành của sóng. Phía đồng, thỉnh thoảng hiện ra đôi ba hồ sen khoe sắc thắm, tỏa hương ngan ngát. Những chú trâu thung thăng gặm cỏ triền đê…

Thu đến, dòng sông mang vẻ đẹp đầy biến ảo. Sau mùa bão lũ, sông đầy ắp cuộn trào đe dọa là những ngày mặt nước trong xanh, thăm thẳm, lăn tăn những con sóng trôi về xa theo làn gió heo may dịu dàng ru tiễn. Sông lặng lẽ chuyển mình về phía trước. Những ngọn núi xa xanh cứ dõi nhìn theo. Bên sông, những bờ tre xao xác vươn lá non vẫy gió, những cánh đồng óng ả phơi sắc vàng . Cánh đồng trũng ngập nước ven sông thấp thoáng bóng thuyền câu, có tiếng gõ phàng lanh canh gọi cá…
Vào mùa đông u buồn, gió bấc buốt giá luồn vào sống lưng. Gió quất rát mặt khi đạp xe ngược gió. Dòng sông như trĩu nặng dưới bầu trời mây xám. Cỏ may phơ phất bờ đê. Những tàu thuyền, xà lan cuối năm tấp nập hơn, lặng lẽ đêm về ngủ sát nhau trên bến. Thi thoảng, những bè tre nứa từ mạn ngược xuôi về. Có bè to dựng cả túp lều trên đó. Gỗ, đá, than, vật liệu tấp nập lên bến. Bóng người trong gió xiêu xiêu… Đã có chàng trai xót lòng người con gái ngày ngày làm bạn với dòng sông, đi về trong chiều đông tê tái:

…”Sông vẫn sông Thương, đường vẫn con đường ấy
Cơn gió nào se lạnh lối em đi
Em sáng trong dịu dàng từ trong ý nghĩ
Gió ơi gió đừng tàn nhẫn thế
Heo hắt chi cho tôi phải nao lòng!”

Tôi đã gắn bó với dòng sông bao mùa xuân – hạ – thu – đông, bao mùa mưa nắng. Từ khi chân sáo, mắt nai tung tăng, qua thời thiếu nữ rực rỡ hương sắc, đến lúc là bà mẹ một con “mòn con mắt” nồng nàn. Bao vui buồn gắn bó với dòng sông. Bao khao khát gửi cùng sóng nước…

Dòng sông này, chiếc cầu này, tôi đã đi qua bao lần không nhớ nữa. Thuở học trò là những ngày qua sông đến với bạn học, bạn thân, đến những miền quê trung du núi đồi háo hức.

Thời thiếu nữ là những cuốc xe đạp đường trường nối Bắc Giang – Hà Nội cũng đi qua sông này, là xe đạp song đôi với chàng trai mắt sáng, trán cao xuyến xao… Dòng sông từng chứng kiến bao rung động buổi đầu đời, cái gì cũng ngọt ngào như sông, lấp lánh sắc cầu vồng rực rỡ…

Có chàng trai làm vẻ tình cờ gặp, đợi đón bên sông, nhoẻn cười đề nghị đổi xe đạp “vì xe em cũ quá sợ đi xa hỏng hóc vất vả”. Có chàng trai đạp xe trong mưa, trượt nhào trên triền đê vắng trơn mỡ, lại nhoẻn cười lóp ngóp dậy khi hình dung ai đó biết mình “đo đường”. Có chàng trai thẫn thờ xe dắt bộ suốt dọc đê, muốn quên ai mà không quên nổi, để những câu thơ buồn rụng rơi theo mỗi bước đi… Có chàng trai từ xa về ngắm người con gái dầm chân dưới bùn đất đào mương, đắp đê cùng học trò dưới trời giá rét căm căm, vừa thương vừa ngưỡng mộ… Không biết sông còn nhớ không?

Sông còn nhớ đôi bím tóc bay dài theo xe của người con gái? Cặp chân trắng hồng khi cô ấy lội nước xắn đất đắp đê? Triền đê ơi còn nhớ không vầng cỏ cô ấy đánh tròn đắp lên giữ đất? Mặt gương trong còn nhớ nụ cười duyên má lúm đồng tiền sau mỗi buổi lao động công ích cật lực, cô ấy soi mình tìm mảnh bùn vương trên áo, trên tóc chưa khô?
Sông có nhớ những ngày mưa lầy lội, cô ấy vác xe đạp lên vai, vừa bấm chân đi vừa ngắm những cánh cò chớp trắng cho quên nỗi nhọc nhằn? Sông có nhớ những giọt nước mắt lăn dài trên má khi cô ấy đạp xe như kẻ vô hồn trên đường đê quanh co tít tắp, khi cuộc đời dạy cô ấy những bài học đầu tiên, khi niềm tin đổ vỡ, khi tình yêu cách xa?…Sông có biết khi ấy sông giấu trong lòng bao con sóng, để dòng nước u buồn lặng lẽ trôi…
Lại có những ngày sông chứng kiến người con gái không cô đơn. Bao bạn trẻ gái trai đạp xe cùng cô ấy. Tiễn cô qua cầu mà tiếng chào, tiếng gọi trẻ trung vẫn ngân nga theo suốt triền sông.
Rồi có một ngày, dòng Thương dõi mắt ngóng theo cô lên xe hoa, vượt cầu qua sông về nhà chồng. Từ giây phút đó, sông trôi vào tim cô thăm thẳm, lấp lánh ánh sáng tình yêu…
Thời gian cứ trôi…Những ngọn gió trên sông vào một mùa đông lạnh lẽo lại thổi bay áo một thiếu phụ gày gò vừa chăm chồng ốm, vừa chăm con nhỏ, vừa lo biên soạn, giảng dạy nhiều giáo án đến kiệt sức ở hai trường, hai phía dòng sông. Gió sông tàn nhẫn quất rát đỏ con mắt đã trắng bao đêm thao thức. Gió có nghe thấy tiếng dạ dày sôi réo và tiếng khớp xương lắc rắc khi cô ấy gồng mình đạp gió qua sông?
Sông nhìn thấy hết thảy, chứng kiến hết thảy, buồn vui theo mọi nỗi buồn vui đời người. Sông cũng cuốn trôi hết thảy mọi phiền muộn, không ngừng nghỉ lao về phía trước, theo tiếng đại dương vẫy gọi :
Tôi viết câu thơ trên lá cỏ
Thả nỗi buồn…”Chở hộ nhé này sông!”
Chợt từ sông bay lên ngọn gió
Cuốn nỗi buồn vào mênh mông…
Tôi viết câu thơ lên đóa hồng
“Sông ơi sông gửi lòng vời vợi nhớ!”
Đóa hồng đung đưa giữa dạt dào sóng vỗ
Sông cười… lóe ánh hoàng hôn…
Tôi viết câu thơ lên cánh chuồn
Cánh chuồn bay la đà mặt nước
Bao buồn vui, xuyến xao, mất được
Ùa vào tôi rồi tiếp nối thinh không…
(Tôi và sông)
Đã bao lần tôi ngẫm nghĩ về đời mình, đời sông. Đã băn khoăn vì sao cha mẹ đặt tên cho con gái mang ý nghĩa dòng sông trong xanh và tình hai quê gắn kết? Rằng mình làm sao để có được vẻ đẹp sâu thẳm, kiêu hãnh mà an bình như sông?
Sông dịu dàng, lặng lẽ mang nguồn nước mát ngọt, chở bao hạt phù sa màu mỡ bồi đắp mênh mang cánh đồng châu thổ, gieo mầm và dưỡng nuôi sự sống. Liệu tôi có mang nguồn nước mát và hạt phù sa tri thức, tình yêu chăm bón những mầm xanh, gieo hy vọng trên cánh đồng chữ nghĩa, cánh đồng đời?
Sông không sống cho riêng mình, không quẩn quanh tù đọng mà thu nhận bao suối, ngòi, khe lạch, rác rến để rồi vượt bao ghềnh thác, thanh lọc mình, bồi lắng phù sa. Sông luôn lao về phía trước, tìm đến với đại dương, thế giới mênh mông. Sông tràn đầy yêu thương, khao khát bình yên, khao khát những chân trời rộng mở… Có phải thế chăng mà “sông trẻ mãi không già”?
Từ con sông quê hương nhớ thương thắm thiết ân tình, tôi đã qua sông Cầu, sông Đuống đến với dòng sông Mẹ – Hồng Hà. Để rồi từ đây, tôi đến với những dòng sông đẹp đẽ khắp mọi miền đất nước. Những dòng sông xanh biếc, hào hùng bao đời đi vào sử sách dọc đường thiên lý Bắc – Nam. Trên dải đất thân yêu hình chữ S nhỏ bé này, theo thống kê, có đến 2360 con sông có chiều dài hơn 10km; trong đó có 109 sông chính với hàng chục dòng sông nổi tiếng đổ ra bờ biển Đông dọc dài 3.350km (theo con số công bố của Bộ Khoa học Công nghệ). Nên dễ hiểu vì sao, người Việt mình gọi Tổ quốc chỉ một từ NƯỚC là ăm ắp đủ đầy tình yêu!
Mang sông quê trong tim, tôi đã đến với nhiều dòng sông trên thế giới. Khi lướt trên dòng sông Seine, sông Amstel, sông Neva…trong vắt, thấy cá bơi dưới nước, chim bay trên trời, đẹp mộng mơ, tôi lại nhớ đến những dòng sông quê mình. Những bờ dâu, bãi mía xanh tươi, những tràn hoa cải vàng rực nắng ven sông đang vắng bóng dần. Cũng vắng dần những thuyền câu, vó bè trên sông. Dòng nước đang tê tái, vẩn đục, rũ buồn, xám màu ô nhiễm… Còn đâu tiếng nói cười lao xao nơi bến nước! Còn đâu lũ trẻ khuấy động mặt sông và những hạt nước tóe tung bay lên lấp lánh trong ánh hồng hoàng hôn…
Đã xa rồi triền cỏ bờ đê, rặng tre ven sông chắn gió chỉ còn đôi chỗ lơ phơ gọi gió. Tiếng gọi đò đi dần vào trong câu hát, lời thơ… Dẫu biết phát triển, hiện đại hóa, đô thị hóa là một điều tất yếu, song sâu thẳm trong lòng mỗi người vẫn lưu luyến sắc màu cỏ cây thiên nhiên gần gũi, cảnh vật thân quen; vẫn muốn công nghiệp hóa nhưng phải giữ được dòng sông xanh biếc thuở nào tưới tắm ruộng đồng, tưới tắm hồn người; không phải chỉ cho hôm nay mà cho đến muôn đời!
Dòng Thương qua thành phố quê tôi vẫn êm đềm xuôi về Lục Đầu Giang rồi hòa vào sông Thái Bình, tìm ra biển lớn. Hoa gạo vẫn rụng đỏ bến quê mỗi tháng Ba về. Tiếng chim tu hú vẫn thả dọc triền sông gọi mùa vải chín… Tạm biệt quê Mẹ, tạm biệt dòng sông, những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm bỗng vang lên trong tôi da diết:

Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại
Xuân ơi xuân…lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn.
Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động một mình anh…