Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhân sinh muôn vạn trạng. Có người mang đôi mắt vô hồn, có người mang đôi mắt đầy sát khí, lại có người sở hữu đôi mắt ấm áp nhân từ và sẽ chẳng thiếu những đôi mắt suy tính, nhiều mưu cầu sẽ có những đôi mắt đầy dã tâm. Nên khi con người chúng ta nghĩ và mưu tính gì đừng nói là che đậy được nội tâm. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt người ta sẽ phần nào hiểu được con người bạn, không thể che giấu được.
Tôi thích nhìn trực tiếp vào ánh mắt người đối diện, và tôi có thói quen quan sát ánh nhìn để nắm bắt, thấu cảm đối diện nhân sinh quan xung quanh tôi như bài học nhân diện cảm nhân mà đặng nông sâu hoàn thiện chính mình.
Có những ánh mắt ám ảnh đến tê lòng, cả năm nay chuyển về chỗ làm mới, ngày nào tôi cũng gặp em, một cô bé tị nạn đứng trước cổng center xin tiền. Sáng nào em và tôi cũng mỉm cười chào nhau, ánh mắt tôi chạm vào nét buồn mênh mang kia, nhưng ánh mắt em phản hồi lại ánh lên lấp lánh hi vọng thắp sáng cho tôi và cả trong em. Phải chăng bản năng sống chính là niềm hi vọng trong mỗi chúng ta?
Suốt trục đường dài, dọc những con phố chính hướng đi tới chỗ làm của tôi. Những con đường ấy, thuộc thủ phủ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống nhiều nhất tại thủ đô Berlin. Người Thổ chiếm lĩnh hầu hết các cửa hàng mặt tiền đẹp để kinh doanh buôn bán thực phẩm, nên chỗ tôi đi làm đông đúc nhiều người qua lại. Mùa hè tới cũng lại lúc học sinh đã được nghỉ hè, người ta rất dễ gặp cảnh trẻ con được bố mẹ chúng sai đi mua đồ ăn thức uống. Trẻ con người Thổ dạn dĩ, bạo dạn bọn trẻ va chạm với đời sống sớm hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác ở châu Âu.
Một cậu nhóc con còi dí, như suy dinh dưỡng. Có khi cậu bé còn thấp hơn cả cu nhóc nhà tôi, nhưng tôi đoán cậu bé này khoảng 11 tuổi. Cậu nhóc hai tay hai cái túi li lông to lỉnh kỉnh đồ ăn. Túi đồ ăn rất nặng, theo sự phá đoán của bà nội trợ thời @ như tôi, với kinh nghiệm lúc nào cũng tay xách nách mang, nhìn qua là có thể biết nặng nhẹ của đồ ăn của bếp núc.
Tôi lặng lẽ quan sát cậu bé, hai bến tàu dài mà cậu bé không hề đặt hai túi xách ni lông đồ ăn xuống cho bớt mỏi. Hình như cậu sợ bị lỡ tay bỏ quên đồ, tôi lại hình dung ra ánh mắt khiển trách của ông bố hay bà mẹ cậu bé, nếu cậu lỡ làm rơi túi đồ. Trong ý nghĩ của tôi, cậu bé đã trở thành người đàn ông nhí, một người đầy trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ.
Phải chăng trách nhiệm được hình thành từ thủa sơ khai để tạo nên tính cách của người đàn ông với trọng trách một đấng nam nhi như đã được mặc định cho phái mạnh. Ánh mắt cậu rất nóng vội, tinh nhanh cả thêm một chút kiên nhẫn, dường như đôi mắt ấy không phải của một đứa trẻ con, đôi mắt đầy trải nghiệm. Mỗi đứa trẻ đều vì nhân duyên tiền kiếp mà chọn nơi sinh ra. Tôi tin chắc rằng cậu bé có ánh mắt bươn trải quá sớm sẽ thành công trong con đường tương lai.
Chiều ngả màu hoàng hôn đỏ sậm, ánh nắng xiên chưa chịu tàn ngày, bỗng nổi cơn giông. Gió bất chợt kéo đến, thoáng rùng mình trước cơn gió lạ khi trời sầm sập tối. Tôi chạm phải ánh mắt bất lực của của người đàn ông ăn xin. Người đàn ông co ro, bên bậc cầu thang lên xuống của tàu điện ngầm nơi ngày nào tôi cũng đi qua. Dẫu biết ở nước Đức, quỹ phúc lợi không để ai chết đói, nhưng cuộc đời bi đát đến mức ngồi bất động như này, chắc hẳn anh ta phải có một nỗi bất hạnh riêng.
Có những ánh mắt u ám, loang loáng cả trời chiều nhuộm bầm dập tâm can, lốc buốt cả cơn gió giông trong lòng tôi. Cuộc đời ngắn dài, làm sao chúng ta ta biết trước được tương lai mà suy tính, làm sao chúng ta biết trước điều gì xảy ra tiếp khi bừng tỉnh giấc mỗi sớm mai.
Như thường lệ cứ đầu tháng tôi có hẹn làm cho một người khách hàng đặc biệt. Bà nói: làn da của bà dị ứng, toàn bộ đồ dùng hay đồng hồ và đồ trang sức phải đúng một loại được kiểm định qua bác sĩ mới được sử dụng dùng trên da của bà.
Đầu tháng này bà có lịch hẹn tôi, nhưng bà lần lữa không tới được như đã hẹn vì sức khỏe quá suy kiệt. Rồi mãi cuộc hẹn thứ ba, bà mới có thể đến gặp tôi làm đẹp lại cho bộ móng tay. Bà khách nói… bác sĩ bảo, tế bào ung thư của bà ăn loang khắp cơ thể, sự sống của bà không biết còn kéo dài được bao lâu. Có thể là vài tháng nữa, có thể tuần này hay tuần sau hoặc ngay mai, nếu Diêm Vương gọi đến tên.
Lần đầu tiên tôi đối diện, nhìn thật lâu vào ánh mắt của người sắp ra đi sang bên kia thế giới, ánh mắt mờ đục, lồi nổi hẳn lên trên hốc mắt, cả khuôn mặt phù sũng biến dạng vì vết mổ phía sau gáy của bà. Lần này cầm tay bà có thể là lần cuối hay là chưa phải lần cuối, nhưng sao trong tôi ngân lên tiếng nhạc lòng thổn thức cùng tha nhân. Thật xót xa cho một kiếp người, cuộc sống vô thường. Có ai đủ bản lĩnh để đối diện với thần chết, có ai chịu bằng lòng trước cái chết được biết trước.
Đôi mắt của bà như ngọn đèn bấc giữa ngày trở giông le lói. Dường như ánh lửa ấy chưa chịu tàn lụi, bập bùng mà mãnh liệt trước sự cạn kiệt của số phận chưa đủ thời khắc để gọi tên nhập thiêng đàng. Phải chăng chúng ta chỉ nhận ra giá trị đích thực của cuộc đời khi đối diện giữa hai lan ranh sống và chết? Với tôi họ là những chiến binh dũng cảm nhất.
Có những đôi mắt chất chứa buồn, tôi đã chạm vào đắy mắt ấy, ánh mắt mông lung sâu thẳm xa vời vợi. Tất cả như ôm trọn những ẩn ức, chôn chặt nỗi niềm. Ánh mắt ấy bất lực trước thời thế, bất lực trước dịch bệnh khi người thân yêu nhất của anh đã ra đi khuất bóng.
Sự phân ly âm dương cách biệt, mang theo cả trời hiếu nghĩa chưa chọn vẹn của bạn tôi. Day dứt nhưng ẩn sâu trong ánh mắt ấy, đầy niềm hoạch định, niềm đau đáu dồn nén mạnh mẽ, dữ dội. Như ngọn hải đăng độc hành, lênh đênh trên biển mà chẳng bao giờ bị tàn lụi ánh sáng, dù bất kể giông mưa hay trời cao vời vợi. Ánh mắt ấy thật khiến người đối diện động tâm. Tôi nhìn vào ánh mắt ấy, một lần nữa khơi loang niềm mất mát trong tôi. Bởi ánh mắt anh rất giống ánh mắt của cha tôi khi còn tại thế.
Ngày ấy ánh mắt của cha chìm trong khói thuốc, mỗi khi có người báo tin. Hàng của gia đình tôi đánh từ Trung Quốc về bị giữ ở trạm Đồng Bành để làm thuế, bóng cha tôi cứ chìm đi trong cái vòng thịnh suy của gia đình. Cha ngồi lặng lẽ tính suy trong điếu thuốc lập lòe thẳm đêm. Ánh mắt cha âu lo nhưng chưa bao giờ vơi đi sự bao dung, cứ đong đầy chất chứa da diết mãi, như hôm lễ phu quy tiễn tôi về nhà chồng.
Ánh mắt cha bất lực ám ảnh khi biết hôn nhân của tôi tan vỡ không thể cứu vãn. Bao yêu thương, bao lo lắng bất an cha đều cất giấu trong ánh mắt. Cha cứ lặng lẽ , xót xa cho tôi, vì thế mà ánh mắt cha mỗi ngày thêm trĩu nặng mỗi khi tôi hồi hương trở lại Việt Nam thăm gia đình.
Bóng cha đứng khuất dần, trong ánh nhìn hun hút theo chiếc ô tô đưa tôi ra sân bay tiễn tôi thiên di về xứ người. Tôi bị ám ảnh vào đôi mắt ấy, ánh mắt của những người đàn ông chân chính, ánh mắt đầy trách nhiệm sâu lắng đến mênh mông, nhìn sâu trong ánh mắt ấy, tôi như được nâng đỡ, khích lệ. Chiều sâu hun hút, ánh mắt ấy như thầm bảo với tôi rằng, chỉ có ý chí kiên cường, tôi mới đủ tâm lực tiếp nhận vạn biến từ cuộc đời này. Chỉ là ánh mắt, nhưng chẳng gì có thể đo được chiều rộng dài của tình phụ tử thiêng liêng cha đã dành cho tôi.
Mỗi lần chạm vào ánh mắt của tha nhân, tôi như nhìn vào gương soi phản chiếu, để thấy chính mình trong đó. Ánh mắt cuộc đời đầy vơi nỗi đau, mà sinh mệnh nào cũng có nỗi khổ niềm đau riêng. Chạm vào những ánh mắt đời, tôi như đọc được sự bất hạnh hẩm hiu khi vận may mắn chưa tới của tha nhân. Mỗi ánh mắt của nhân sinh quan như chất xúc tác để tôi hoàn thiện bản thân mình trước nghịch cảnh.
Chiều cuối tuần vội vã hối hả rảo bước chân, tôi nghe có ai đó gọi với tên mình. Thì ra em gái người miền trung hàng xóm gần nhà tôi .Vợ chồng em thuê nhà ở ghép với mấy người bạn. Dịch bệnh COVID hoành hành, sự phong tỏa trên nước Đức, khiến các em những người sống lưu vong không có giấy tờ bị mất hết việc làm.
Dãn cách tôi đi làm trở lại, các em có đứa vẫn không xin được việc,có đứa chỉ xin được làm vài giờ với giá rẻ. Các em đều bảo giờ có việc làm để mua đồ ăn và trả tiền nhà là may mắn rồi chị ạ. Thật buồn khi tình trạng dịch COVID kéo dài, một nỗi lo mơ hồ không của riêng ai.
Nhưng kìa hôm nay ánh mắt em hân hoan lấp lánh tràn đầy hi vọng khi kể cho tôi nghe, em vừa có thai được sáu tuần. Mừng cho các em, vậy là thêm một tia sáng ở cuối con đường. Chỉ cần có con, em sẽ được ăn theo đứa bé và có quỹ phúc lợi bảo trợ được tồn tại ở lại nước Đức, sẽ thoát khổ thoát cảnh nghèo hèn nơi xứ người. Biết là còn nhiều gian nan phía trước, nhưng tôi gặp ánh mắt hân hoan của em lan tỏa. Thứ men hạnh phúc bình dị ấy tràn ngập sang hồn tôi. Cảm giác an yên rất đời, mà thấm đẫm hun đúc ý chí trong tôi.
Cuộc đời này ai cũng có lúc mệt mỏi, chán chường, tưởng chừng như chìm xuống tận cùng của sự nghiệt ngã, số phận an bài luôn đưa đẩy thử thách để tôi luyện con người. Có lúc ánh mắt tôi đầy tuyệt vọng trước sự tráo trở của sự tình và cả những bất công vô lý của sự đời.
Nhưng khi nhìn sâu vào ánh mắt tròn xoe, trong veo ấm áp ngọt ngào của con trai mình. Tôi như cân bằng được cả cõi tạm trước sự sân si gào thét của nội tâm đòi sự công minh chính nghĩa trong lòng mình. Ánh mắt trẻ con thanh khiết không vẩn đục trong mưu sự của người lớn. Ánh mắt trẻ thơ thiện lành, lặng dịu êm đềm như tươi tẩm cho linh hồn tôi trong an yên.
Nhắm mắt lại kiết giả trong đêm, tôi bỏ chốn thực tại. Sự tĩnh lặng của tâm thức như tiếng chuông cảnh hồi, thúc gọi ngân nga khiến cho tôi chạm được ánh mắt nhân từ, đầy bi mẫn của Đức Chân Như hiện thân từ mấy chục ngàn năm trước. Phải rồi ánh mắt từ bi ấy có từ vô thập cửu cửu tiền kiếp trước, chờ đủ nhân duyên đánh thức soi rọi ngọn ánh sáng, vi diệu thần kỳ. Ánh mắt ấy thắp sáng đền đài tâm khảm thôi thúc đức tin nơi tôi vọng về, tìm lại bản ngã của chính mình mỗi khi lạc đề trong vạn nẻo ta bà của cõi hồng trần này.
Tháng bảy năm nay mưa nắng bất chợt, khi nỉ non mưa lâm thâm rả rích, có khi lại như trút như nước mắt của người đàn bà góa bụa cô độc. Tháng bảy đầy dự cảm, lại có khi như nàng Chức Nữ bỏ quên xiêm áo vén mây khiến cho nắng chói chang, nực nộ. Thứ nóng ngột ngạt, lang thang khắp ngõ ngách phố phường.
Tôi bị cuốn vào ánh mắt cấm cản giáo điều cam chịu của những người đàn bà Trung Đông trong những chiếc khăn che hết mái tóc và che cả thân thể của họ trong những chiếc váy rộng thùng thình dài đến tận gót chân. Có người phụ nữ che hết cả khuôn mặt và bờ môi đẹp, họ chỉ hở ra đôi mắt. Ánh mắt rất đẹp, một nét đẹp mơ màng dưới hàng lông mi dầy cong vút thanh tú diễm lệ , những ánh mắt buồn thăm thẳm ấy tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của người phụ nữ Trung Đông.
Người ta đọc thấy sự diệu vợi liêu trai bị giới hạn giàng buộc từ trang phục và chiếc khăn trùm đầu của họ. Ở phụ nữ Trung Đông có điều gi đó cấm cản lại toát lên vẻ cam chịu nhẫn nại khiến cho người đối diện tò mò, chính vẻ ma mị ấy lại quyến rũ vô cùng. Phải chăng trong sự cấm cản ước chế bản thân tạo nên một vẻ đẹp hoàn mỹ thu hút?
Giờ đây tất cả cả thế giới, cũng như Châu Âu. Có ai mà không phải chịu cảnh ước chế bản thân, chịu kiểm soát hơi thở và sự sống trong chiếc khẩu trang. Việc đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh COVID, khiến cho người già và người thể lực yếu rất khó thở, việc đeo khẩu trang bắt buộc làm cho những đứa trẻ ngộp thở bớt đi sự linh hoạt, thật tội cho bọn trẻ con sống trong mùa dịch bệnh COVID. Tôi lại được chiêm nghiệm cùng những ánh mắt cuộc đời.
Chưa bao giờ có hàng triệu triệu, ngàn ngàn ánh mắt cũng lúc âu lo, bất an hoang mang, hoảng sợ dịch COVID bùng phát trở lại như trong mùa hè năm nay. Những ánh mắt thân bất do kỷ, những ánh mắt của một năm 2020 đầy biến động ám ánh và bất lực. Nhưng những ánh mắt đó cũng đầy niềm tin vào sự sống mãnh liệt, mà ngập tràn hi vọng nhất trong mọi thời đại xuyên suốt mấy thập kỷ qua. Những đôi mắt tình người nhiệt huyết và ý trí liên tâm xuyên kết , tiếp sức người với người cùng nhau đi qua mùa dịch bệnh thế kỷ.
Xin tri ân những đôi mắt thiện tâm, đủ tầm hảo sảng, san sẻ yêu thương, cùng nhau vượt qua sự suy thoái kinh tế toàn cầu.